Với sự dẫn dắt của người lớn, trẻ không những sẽ hợp tác hơn mà còn thể hiện sự thông minh và có chính kiến.
Đến lúc thách thức quyền uy
Trong quá trình tư vấn tâm lý, chuyên gia Nguyễn Thu Hoài (Trung tâm Tư vấn tâm lý Sao Mai, Hà Nội) thường nghe phụ huynh tâm sự về con mình đến tuổi “choai choai” lại có những thay đổi khác thường. Họ luôn có cảm giác con trẻ đang “thách thức” uy quyền của mình mà trước đây nó từng tuân theo.
Theo bà Hoài, đây là vấn đề thường thấy trong giao tiếp giữa cha mẹ và con trẻ đến tuổi dậy thì. Khó chịu, tức giận và bị xúc phạm là cảm giác chung của người lớn. Những cuộc khẩu chiến như thế là thử thách đầu tiên và không thể tránh khỏi khi trong nhà có trẻ đang tuổi “tập làm người lớn”.
“Có trường hợp cha mẹ coi trẻ như robot, chỉ được nghe theo. Điều này khiến con cảm thấy mệt mỏi, tất yếu đến lúc sẽ muốn phản kháng lại. Và khi đó, trẻ sẽ “bật” ra rất mạnh mẽ, đôi lúc làm người lớn bất ngờ và dễ phát điên” - chuyên viên tâm lý Nguyễn Thu Hoài chia sẻ.
Việc hiểu được nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của trẻ sẽ giúp cha mẹ hạn chế được mâu thuẫn không đáng có. Từ đó biết cách ứng xử cho phù hợp, vừa không làm con nổi loạn hay ấm ức vừa không làm mất vị thế của cha mẹ trước mặt trẻ.
Cha mẹ cần bớt áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Đây là mâu thuẫn lớn nhất khiến trẻ có xu hướng chống đối lại. Một số cha mẹ coi mọi lời nói của mình là duy nhất mà bỏ qua suy nghĩ của con.
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ khẳng định mình luôn đúng và con chỉ cần tuân theo. Tuy nhiên, trẻ ở tuổi mới lớn đồng nghĩa với việc khi lớn lên các em đã có kiến thức và thế giới quan của riêng mình.
Phân tích của bà Hoài cho thấy, việc trẻ đến tuổi “ô mai” thường hãy cãi với cha mẹ và người lớn xuất phát từ những thay đổi tâm sinh lý của trẻ. Kèm theo đó là cảm giác muốn độc lập, thành người lớn, được tôn trọng và đối xử công bằng. Nên khi thấy cha mẹ không chịu nhìn nhận, không thay đổi cách đối xử, trẻ cảm thấy không được tôn trọng rồi bắt đầu cãi lại với thái độ khó chấp nhận.
Bà Hoài đưa ra lời khuyên: “Trẻ nhỏ cần được biết hành vi cãi lại là không đúng và đem lại nhiều hậu quả. Không chỉ lời nói mà ngay cả những cử chỉ như lườm, liếc mắt... cũng không được phép. Và khi có thái độ không đúng, con sẽ phải nhận hình phạt. Chẳng hạn như không được xem tivi trong 1 tuần, không được ăn món yêu thích, bị cắt giảm thời gian chơi điện tử...”.
Ảnh minh họa ITN. |
“Bắt mạch” những dấu hiệu bướng bỉnh
Nhiều cha mẹ chia sẻ “đau đầu” khi con tự dưng chống đối vô cớ. Có phụ huynh chia sẻ, những tưởng độ tuổi nào đó, con sẽ ngoan hơn nhưng mỗi tuổi lại khiến người lớn mệt mỏi theo những cách khác nhau.
Cô giáo Đỗ Thị Hường, Hệ thống trường Liên cấp IQ School (Hà Nội) cho biết, các bậc cha mẹ cần “bắt mạch” những dấu hiệu bướng bỉnh của trẻ để có cách giáo dục con tốt hơn.
Mặc dù, cha mẹ có thể gặp khá nhiều khó khăn khi nuôi dạy con ở thời kỳ trẻ bướng bỉnh, không nghe lời. Thế nhưng, đây lại thường là các bé độc lập, có chính kiến và cá tính.
Theo cô Hường, không phải tất cả trẻ thích làm theo ý kiến của mình đều là trẻ bướng bỉnh. Đôi khi, chỉ là do con có chính kiến và cá tính mạnh. Vì vậy, người lớn cần tìm hiểu thật kỹ xem những hành động của con là biểu hiện của tính quả quyết hay bướng bỉnh.
Những trẻ cá tính mạnh và chính kiến có thể rất thông minh và sáng tạo. Ngược lại, những trẻ bướng bỉnh thường chỉ cố chấp theo ý kiến của mình và không sẵn sàng lắng nghe ý kiến người khác.
Một số đặc điểm trẻ bướng bỉnh có thể có là có nhu cầu được thừa nhận và lắng nghe. Trẻ có thể tìm kiếm sự chú ý của người lớn thường xuyên. Tuy nhiên, bướng bỉnh ở một số trẻ có thể là sự độc lập tới mức cực đoan, làm những gì mình thích cho bằng được hoặc nổi giận nhiều hơn những trẻ khác.
“Việc dạy dỗ trẻ bướng bỉnh có thể khó nhưng cũng có nhiều điều thú vị. Khi đã xác định được con mình có tính này, cần điều chỉnh cách dạy con phù hợp”, cô Hường nói.
Theo cô Hường, đối với trẻ ở độ tuổi nhỏ, khi bướng bỉnh có thể không chịu ăn hay không chịu ngủ đúng giờ khiến người lớn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc. Trường hợp này, cha mẹ cần cố gắng lắng nghe để có những giao tiếp phù hợp. Cần ghi nhớ rằng, nếu muốn con lắng nghe mình, thì người lớn cũng cần sẵn sàng lắng nghe bé.
Trẻ bướng bỉnh có thể có ý kiến riêng và thường sẽ tranh luận với người khác. Trẻ có thể trở nên ngang tàng nếu cảm thấy mình không được lắng nghe. Vậy nên, cha mẹ hãy thật sự lắng nghe ý kiến, băn khoăn của con và trò chuyện cởi mở để bé ngoan ngoãn hơn.
“Đôi khi, trẻ trở nên bướng bỉnh vì không có được thứ mình muốn. Vậy nên, bạn cần trò chuyện với con để xem con có mong muốn, khó chịu, buồn bực gì hay không. Vì thế, người lớn cần bình tĩnh và trao cơ hội để trẻ bày tỏ. Bởi có thể con có lý do riêng cho những đối đầu đó”, cô Hường chia sẻ.
Theo cô Hường, khi trẻ bướng bỉnh và chống đối, cha mẹ thường cảm thấy tức giận và dễ lớn tiếng với bé. Tuy nhiên, phản ứng này không làm cho con hiểu ý kiến của bạn mà chỉ khiến bé tỏ ra chống đối hơn nữa.
Để luôn giữ tâm trạng bình tĩnh và cân bằng với con, cha mẹ có thể cùng bé chơi thể thao, nghe nhạc hay làm những việc cả hai cùng thích. Khi tham gia những hoạt động thư giãn cùng nhau, bé cũng dần xem cha mẹ là “bạn” và sẽ hợp tác hơn.
Bên cạnh đó, cô giáo Trường Liên cấp IQ School cũng cho rằng, để trẻ hợp tác hơn, hãy cố gắng hướng hành vi của trẻ theo chiều hướng tích cực. Một cách để ba mẹ có thể có phản ứng vui vẻ từ trẻ là hỏi con những câu như “Con thích đi chơi không?”, “Con thích ăn kem không?” hay “Con thích đi tưới cây không?”. Những câu hỏi này thường sẽ gợi được phản ứng hào hứng, vui vẻ từ bé và giúp bé có cảm giác mình được lắng nghe. Khi đã vui vẻ, tích cực, bé sẽ ngoan ngoãn, hợp tác hơn.
Theo cô Hường, những trẻ bướng bỉnh hoặc cá tính mạnh rất nhạy cảm với cách ba mẹ đối xử với mình. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và từ ngữ mình sử dụng để tránh khiến trẻ cảm thấy con đang bị ép buộc, ra lệnh. Thay vì bảo con phải làm một việc gì đó, hãy cùng con làm.