Cụ thể, theo dõi cân nặng trẻ tiểu học tại 10 phường ở Hà Nội và TPHCM, các chuyên gia dinh dưỡng ghi nhận có tới 27,9% trẻ ở Hà Nội và 22,4% trẻ ở TP HCM bị thừa cân. Tương tự, số trẻ béo phì ở Hà Nội là 18,5% và TP HCM là 38%. Với học sinh THCS, tỷ lệ thừa cân trung bình ở Hà Nội và TP HCM là 23,3% và béo phì là 12,8%. Học sinh THPT, tỷ lệ này lần lượt là 15,6% và 4,9%.
Theo ThS. Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng), một trong những nguyên nhân là do trẻ ít vận động và bữa ăn nghèo nàn các loại thực phẩm, trong đó thịt vẫn là thực phẩm chủ đạo. Cơ cấu bữa ăn trong ngày không hợp lý. Phần lớn lượng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong bữa trưa và tối.
Bữa ăn không cân bằng dưỡng chất khiến trẻ ăn quá nhiều thịt, muối nhưng ít rau, trứng sữa, hoa quả chín dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì nhưng vẫn thiếu vi chất cần thiết như kẽm, sắt, canxi…
Thiếu vi chất và lười vận động khiến cơ thể tăng trưởng kém và giảm chức năng nhận thức, tỷ lệ bệnh tật cao, năng suất lao động và chất lượng cuộc sống thấp…, bác sĩ Vân khẳng định.
Cũng theo bác sĩ Vân, để phòng chống thừa cân, béo phì thì bữa ăn cần tăng cường rau củ quả, sử dụng sữa gầy hoặc ít béo, ăn thịt nạc cũng như kiểm soát lượng thức ăn ăn vào. Thực đơn cho người lớn, hoặc trẻ em, người cao tuổi cần tính đến mức hoạt động trong ngày; đồng thời tham gia các hoạt động thể lực.
Thực hiện Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển (16-23/10), các chuyên gia dinh dưỡng kêu gọi người dân thực hiện dinh dưỡng sớm cho phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, đặc biệt là trẻ trong 1000 ngày đầu đời và trẻ dưới 5 tuổi, trẻ giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.