Hoảng sợ hay giật mình trong lúc ngủ là những hiện tượng phản xạ hết sức bình thường mà trẻ sơ sinh cũng có. Khi trẻ có những biểu hiện này, bố mẹ không nên quá lo lắng bởi điều đó chứng tỏ thính giác của trẻ phát triển tốt và trẻ có khả năng phản ứng nhanh với tác nhân xung quanh.
Trẻ nhỏ có hệ thần kinh non yếu, chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Các yếu tố này sẽ tác động lên đầu mút thần kinh rồi truyền vào đại não của trẻ. Sau đó, do các bao myelin thần kinh trong não trẻ vẫn chưa hình thành hoàn thiện nên sự hưng phấn này sẽ tác động đến các sợi thần kinh lân cận... dẫn đến việc trẻ có phản ứng sợ hãi và khóc thét.
Ảnh minh họa
Nếu trẻ dễ bị kích động, hoảng sợ hoặc thường giật mình trong lúc ngủ, bố mẹ có thể thử áp dụng một vài mẹo nhỏ dưới đây để khắc phục tình trạng này.
- Tạo cho trẻ môi trường ngủ yên tĩnh: Rất nhiều trẻ khi ngủ bị giật mình, dẫn đến việc trẻ thức giấc và quấy khóc khiến cả trẻ lẫn bố mẹ đều mệt mỏi. Do đó, khi trẻ ngủ, bố mẹ cần hạn chế đặt điện thoại cạnh giường ngủ của con; tránh xem ti vi hoặc nói to trong phòng ngủ của trẻ. Hoặc bố mẹ có thể phát những cbài hát trẻ thích nghe với âm lượng vừa phải trong phòng, như vậy có thể át được những âm thanh nhỏ và đột ngột.
- Thường xuyên vỗ về, ôm ấp để trẻ cảm nhận được sự che chở, bảo vệ của bố mẹ và giúp tâm trạng trẻ ổn định trở lại mỗi khi hoảng sợ.
- Hạn chế tiếp khách: Khi bé yêu nhà bạn ra đời, bạn bè và người thân sẽ đến hỏi thăm và chúc mừng. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều người trong nhà, trẻ sẽ cảm thấy hoảng sợ và giật mình khi ngủ. Do đó, hãy hạn chế việc tiếp khách, mời bạn bè, người thân đến chơi nếu trong nhà có trẻ nhỏ.
- Không nên đưa trẻ ra ngoài quá lâu và tránh những chỗ đông người, ồn ào. Nếu trẻ bắt đầu khóc lóc và không chịu nín dù bố mẹ đã tìm cách dỗ dành, hãy đưa trẻ trở về nhà.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên:
Đưa ra sự giúp đỡ cần thiết khi trẻ bắt đầu tập lẫy
Khi bắt đầu tập lẫy, trẻ sẽ gặp khó khăn vì không biết làm sao để rút cánh tay ra khỏi người, hoặc không biết cách để đặt chân này sang cạnh chân kia. Khi đó, bố mẹ có thể để cho trẻ tự mình thử sức vài lần rồi mới ra tay giúp đỡ. Như vậy trẻ sẽ nhanh chóng nắm bắt được những động tác cơ bản, đồng thời tạo cho trẻ cảm giác an toàn và hiểu rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh mỗi khi trẻ cần.
Có biện pháp an toàn để hạn chế tối đa việc trẻ bị ngã
Khi biết lẫy, đặc biệt là ở giai đoạn tập đi, trẻ có thể bị ngã hoặc rơi xuống giường bất cứ lúc nào. Việc này có thể khiến trẻ sợ hãi và dễ bị giật mình hơn. Do đó, bố mẹ cần có biện pháp để giữ an toàn cho trẻ. Đến khi trẻ đã có thể tự bước đi một mình, hãy dạy trẻ việc vấp ngã (và đôi khi là chầy xước tay chân) là hoàn toàn bình thường và không có gì đáng sợ. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin, dũng cảm hơn.
Thường xuyên cho trẻ vận động
Trẻ thường xuyên được vận động sẽ trở nên khỏe mạnh và cứng cáp hơn. Nhờ đó, trẻ sẽ ít bị hoảng sợ, giật mình hơn khi bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.