Đừng khiến trẻ ngại sáng tạo
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên – Trung tâm hỗ trợ tâm lý trẻ em nhận định: Khoa học thúc đẩy sự phát triển của con người có thể ứng dụng trong mọi tình huống của cuộc sống. Do đó, việc cho trẻ tiếp cận từ sớm sẽ giúp trẻ hiểu bản chất hiện tượng, từ đó, thích ứng nhanh với môi trường xung quanh.
Trẻ nhỏ luôn có ham muốn tìm hiểu, tò mò về mọi điều xảy ra. Mỗi câu hỏi “vì sao” của chúng về các hiện tượng đều có thể trở thành cơ hội để các bậc phụ huynh giải thích cho trẻ.
Tuy nhiên, với sự hiếu động vốn có, việc chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết khô khan sẽ không thể giữ trẻ tập trung. Do đó, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ thực hành, cho con tự khám phá từ các hiện tượng đơn giản. Dưới sự giám sát của mình, trẻ sẽ chủ động tìm hiểu nguyên lý của mọi vấn đề.
Khi trẻ chơi thì sự bừa bộn là khó tránh khỏi. Điều bố mẹ nên làm là cứ kệ những “bãi chiến trường” đó, thay vì liên tục nói: “Suốt ngày bừa bãi thế này?”, “Bút màu phải để ở trong hộp chứ!”... Những câu nói như thế sẽ khiến trẻ ngại sáng tạo và chỉ muốn làm mọi thứ theo khuôn khổ mà thôi.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên cho biết thêm, nhiều cha mẹ thường phản ứng khó chịu với sự tò mò của trẻ như hỏi quá nhiều, phá đồ vì muốn xem cụ thể từng chi tiết, hay đơn giản là đập vỡ đồ chỉ để xem bên trong chứa cái gì…
Những trường hợp này xảy ra không ít. Thay vì nóng giận, người lớn cần bình tĩnh giải thích cho con hiểu. Trước tiên cần giải quyết ngay những băn khoăn của con, những nguyên nhân dẫn đến hành động đó và nói cho trẻ biết hậu quả nếu con làm hỏng đồ đạc.
Ở một khía cạnh nào đó, con đập phá đồ vì mục đích xem xét, nghiên cứu thì không xấu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ này thích khám phá khoa học, có óc sáng tạo và giải quyết vấn đề cặn kẽ. Với các thí nghiệm đơn giản, cha mẹ nên để con tự thực hiện dưới sự giám sát của mình nhằm rèn tính tự lập cho trẻ. Khi trẻ thực hiện, ngoài việc đảm bảo sự an toàn cho trẻ, đồng thời, giải thích về bản chất hiện tượng. Như vậy, trẻ sẽ được tiếp thu cả kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành.
Tuy nhiên, cha mẹ chính là người hiểu rõ con nhất. Cần xem xét trong từng tình huống, tìm hiểu gốc rễ của vấn đề, chứ không phải cứ thấy con phá đồ thì cho rằng con thông minh và đang tìm cách học hỏi. Cần tỉnh táo để phân biệt được cảm xúc và mục đích của con. Đôi khi, con đang gặp phải vấn đề nào đó về tâm lý mà cha mẹ dễ ngộ nhận với khả năng sáng tạo khác biệt.
“Để làm được điều này, cha mẹ cần trau dồi kỹ năng giao tiếp cùng trẻ. Trong quá trình con chơi đùa, hay thực hành, cần kiên nhẫn quan sát để trẻ thực hiện chậm rãi, đồng thời, đưa ra một vài gợi ý khi trẻ gặp khúc mắc.
Ngoài ra, thông qua quá trình này, các bậc phụ huynh nên chú ý xem trẻ có năng lực vượt trội hơn ở lĩnh vực nào, từ đó, khuyến khích trẻ tiếp tục phát huy tiềm năng” – Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên nói.
Hãy để chúng được là trẻ con
Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen cho biết: Đôi khi cha mẹ cảm thấy rất khó khăn khi để trẻ tự làm điều mình muốn, bởi chúng có thể khiến người lớn phải làm lại. Nhưng miễn là ý tưởng của trẻ không dẫn tới tình huống nguy hiểm, cha mẹ hãy để trẻ tự do khám phá theo cách của mình.
Đến một tuổi nào đó, trẻ sẽ muốn tự mình làm một số việc và cha mẹ hãy để trẻ thử. Việc cha mẹ nói với trẻ những câu như “con không nên làm như thế” có thể làm cản trở sự tò mò của trẻ. Hãy để cho trẻ được mắc lỗi và học từ sai lầm đó.
Vì trẻ nhỏ thích thử dùng mọi thứ theo nhiều cách khác nhau và khám phá đồ vật bằng nhiều giác quan, nên bố mẹ hãy cho trẻ nhiều đồ để chơi và tìm hiểu, nhưng cần chọn những đồ thật an toàn. Chẳng hạn, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ những thứ như màu vẽ, đất nặn, bút dạ không độc, hay những món trang phục để trẻ chơi hóa trang...
Với tất cả những thứ đưa cho trẻ, bố mẹ nên kiểm tra để chắc chắn rằng không có chi tiết nhỏ nào có thể rơi ra - tránh việc trẻ nuốt phải. Khi có môi trường an toàn, trẻ sẽ thoải mái khám phá và phát triển khả năng tưởng tượng của bản thân.
Cô Giang cũng cho biết thêm, trẻ càng nhỏ, trí tưởng tượng càng lớn. Tuy nhiên, trẻ lại không có kỹ năng đầy đủ để thể hiện trọn vẹn ý tưởng. Vì vậy đừng phê bình hay chê cười khi sản phẩm của con không được tinh tế.
Hãy dành cho con những lời khen động viên. Đồng thời, cha mẹ hãy khéo léo góp ý để con hoàn thiện sản phẩm. Điều này sẽ trở thành động lực để con cố gắng trong tương lai.
Khả năng sáng tạo giúp trẻ tự tin giải quyết các vấn đề. Trí tưởng tượng giúp trẻ tìm ra những giải pháp nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt khi trẻ được tự do, năng lực của con được phát huy một cách tối đa. Hãy để trẻ được tự do thử nghiệm, sáng tạo theo các cách khác nhau. Cha mẹ nên tôn trọng ý tưởng độc đáo hay suy nghĩ khác biệt của trẻ.
“Ngoài ra, bất cứ khi nào có thể, bố mẹ nên để trẻ tự đưa ra lựa chọn. Ví dụ, bố mẹ có thể hỏi trẻ thích được chơi trò gì, ở đâu, trẻ thích mặc quần áo theo cách riêng. Việc được tự quyết định những chuyện cá nhân sẽ khiến trẻ tự tin, hứng thú hơn và không ngại đưa ra ý kiến của mình. Hãy để con được tự do trong tầm kiểm soát để tăng cường khả năng khám phá” – cô Giang nói.