Những phụ huynh không thể bỏ việc để chăm con có thể thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng, gởi trẻ nhỏ đi nhà trẻ sớm dường như có lợi cho trẻ hơn là ở nhà.
Bởi lẽ, một nghiên cứu mới công bố cho thấy trẻ 2 – 3 tuổi đi nhà trẻ giúp chúng phát triển các kỹ năng xã hội và sinh hoạt hàng ngày.
Theo tờ The Telegraph, một nghiên cứu từ Trường ĐH Kinh tế ở London và ĐH Oxford cho thấy những đứa trẻ ở nhà với mẹ lại có kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng hoạt động kém hơn những đứa trẻ đi nhà trẻ.
Tiến sĩ Laurence Roope, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Y tế của ĐH Oxford, nói trên tờ The Telegraph rằng: bố mẹ sẽ được bảo đảm rằng nhà trẻ không gây hại cho trẻ em, mà dường như đem lại nhiều lợi ích.
“Có vẻ như điều quan trọng là trẻ tham gia các hoạt động tương tác trong lớp học”, ông nói thêm.
Ông cho rằng nhà trẻ có sự tác động đáng kể đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Vì ở nhà, đôi khi bố mẹ bị căng thẳng, hay mệt mỏi, có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới con cái.
Trẻ 2 – 3 tuổi được cho đi học lại được cho rằng phát triển tốt hơn. Ảnh: Shutterstock
Các nhà nghiên cứu cho rằng lợi ích của nhà trẻ càng thấy rõ khi trẻ được ở trường nhiều hơn. Dĩ nhiên, không có nghĩa là trẻ nên ở trường 24 giờ/ngày.
Nghiên cứu này được thực hiện dựa vào khảo sát từ Hệ thống dữ liệu về dân số ở Đức (có tên German Socio-Economic Panel) với 800 người mẹ.
Những người tham gia được hỏi về tình trạng tài chính, trình độ học vấn, sự phát triển của con cái họ lúc 2 – 3 tuổi.
Các câu hỏi được đưa ra để đánh giá sự phát triển của trẻ như: “Con bạn có thể cầm kéo cắt giấy chưa?” “Con bạn đã nói được 2 câu chưa?”.
Nghiên cứu cho thấy trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội tốt hơn khi được ở bên ông bà. Ảnh: Shutterstock
Những hoạt động như hát hò, vẽ tranh, làm thủ công,... được các nhà nghiên cứu nhận thấy có tác động tích cực với kỹ năng khéo léo của trẻ.
Đọc truyện, kể chuyện, hay hát cho trẻ nghe, dẫn trẻ đi gặp nhiều người cũng cho thấy có tác động tích cực với khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Trẻ phát triển tốt nếu ở bên ông bà
Giáo sư Paul Anand, tác giả của nghiên cứu, cho biết đây là nghiên cứu kinh tế đầu tiên xem xét hành vi của trẻ còn rất nhỏ và gây ngạc nhiên khi những thông tin trước đây cho thấy các hoạt động cùng với cha mẹ mang tính tích cực.
Nghiên cứu này cũng cho thấy các hoạt động khác nhau thúc đẩy sự phát triển các kỹ năng khác nhau ở trẻ. Và khuyến khích phụ huynh thực hiện nhiều hoạt động khác nhau để giúp trẻ có thêm các kỹ năng đặc biệt.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết trẻ thường tham gia các hoạt động mang tính kích thích, cũng như tương tác với thầy cô và bạn bè mới ở trường, giúp chúng phát triển các kỹ năng tốt hơn.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, việc đứa trẻ có nhiều thời gian ở bên ông bà cũng giúp phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội. Và việc trẻ có một người mẹ được học hành đầy đủ cũng được phát triển sớm hơn.
Trẻ có nhiều anh chị em cũng sẽ có các kỹ năng tốt hơn ở mọi lĩnh vực, vì chúng được học từ các anh chị của mình, cho dù chúng không có nhiều thời gian được ở bên ba mẹ.
Một điều bất ngờ là việc nói chuyện với trẻ trong khi đi dạo lại gây hại cho trẻ. Các nhà nghiên cứu tin rằng mặc dù không khí bên ngoài trong lành, tốt cho trẻ, nhưng việc nói chuyện với trẻ lúc này lại cản trở trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu ảnh hưởng của một số hoạt động nhất định và thấy rằng, đọc sách và đi mua sắm khiến trẻ nhỏ thích thú nhất.
Nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí Social Choice and Welfare.
Mặc dù vậy, bà Laura Perrins, biên tập website The Conservative Woman, và là người ủng hộ các bà mẹ nuôi con tại nhà, cho rằng nghiên cứu này dường như khiến người mẹ mất niềm tin với việc chăm con. Và bà nói đến sự phát triển tình cảm đối với trẻ nhỏ khi được ở cùng mẹ.