Trẻ mắc Covid-19 chủng Omicron: Nhẹ hơn sốt siêu vi

GD&TĐ - Trẻ mắc Covid-19 thường bệnh nhẹ, mau khỏi và hiếm gặp biến chứng so với các chủng siêu vi khác.

Trẻ mắc Covid-19 thường bệnh nhẹ, mau khỏi và hiếm gặp biến chứng so với các chủng siêu vi khác.
Trẻ mắc Covid-19 thường bệnh nhẹ, mau khỏi và hiếm gặp biến chứng so với các chủng siêu vi khác.

Trong khi đó, sốt siêu vi có thể diễn tiến nặng thành sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm đường hô hấp cấp, hoặc tay chân miệng...

Trẻ thường tự khỏi

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM nhận định, trẻ hay người lớn nhiễm Covid-19 cũng là siêu vi hô hấp. Đặc biệt, với chủng Omicron, trẻ thường nhanh khỏi hơn người lớn. Một số triệu chứng phổ biến ở trẻ mắc Covid-19 biến thể Omicron là sốt, ho, sổ mũi, khó ngủ ….

Bác sĩ Khanh cho biết, có trẻ sốt cao, trong khi số khác sốt nhẹ. Tuy nhiên, trẻ hiếm khi sốt quá 3 ngày. Với trẻ em, bác sĩ Khanh cho rằng, từ từ trẻ sẽ tự hết bệnh.

“Trẻ mắc Covid-19, nhất là chủng Omicron hiện nay đa số rất nhẹ. Sốt cao khó hạ 2 ngày đầu không có nghĩa là nặng. Có trẻ sốt kèm lạnh run không có nghĩa là nặng. Không có chuyện khỏe mà còn 2 vạch là virus sẽ xâm nhập vào phổi”, chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, một số trẻ đau đầu, nôn ói cũng thường tự hết. Hoặc, phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc chống ói. Đối với trẻ sốt nhưng tự hạ còn 35 - 36 độ C, cha mẹ cần cho con uống nước ấm, uống đủ nước.

“Có trẻ sau đó hơi khó ngủ, có thể do xem tivi hay máy tính bảng nhiều. Cần bình tĩnh, từ từ hết, có thể uống vitamin nhóm B. Có trẻ sau đó bị ho thì uống thuốc ho”, chuyên gia khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Khanh, điều quan trọng là phụ huynh cần bình tĩnh. Nếu trẻ ăn được, bú tốt, hết sốt có thể ngồi dậy chơi, đa số sẽ ổn sau 48 giờ. Tác nhân gây Covid-19 là một loại siêu vi trùng nên diễn tiến và triệu chứng bệnh giống các đợt sốt siêu vi mà bé từng mắc.

Tuy nhiên, trẻ mắc Covid-19 bệnh nhẹ, mau khỏi và hiếm gặp biến chứng so với các chủng siêu vi khác. Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng, sốt siêu vi có thể diễn tiến nặng thành sốt xuất huyết, sốt phát ban, viêm đường hô hấp cấp, hoặc tay chân miệng... Thậm chí, trẻ có thể bị biến chứng sang suy hô hấp nặng, tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, trong trường hợp trẻ sốt trên 38,5 độ C, phụ huynh cho con uống thuốc hạ sốt theo cân nặng. Cách tính liều hạ sốt là lấy cân nặng nhân với 15 mg. Cụ thể, trẻ cân nặng từ 35 kg trở lên thì uống paracetamol liều 500 mg/lần như người lớn, mỗi lần uống không quá 500 mg.

Bé vóc dáng cao lớn, nặng trên 70 kg, uống hạ sốt liều 650 mg/lần. Trẻ nhỏ có thể hạ sốt bằng thuốc đút hậu môn. Chuyên gia này cho rằng, cha mẹ không nên quá lo lắng về di chứng hậu Covid-19 ở trẻ. Đối với chủng Delta, tỷ lệ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ rất thấp, với 1/10.000 bé.

Không nên lạm dụng vitamin

Bác sĩ Nhi khoa Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) khuyến cáo, khi theo dõi, điều trị trẻ mắc Covid-19 tại nhà, cần lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước.

Ngoài ra, nên theo dõi sát nhiệt độ, SpO2 ít nhất 2 lần/ngày. Trong trường hợp trẻ sốt, cha mẹ có thể cho bé uống hạ sốt. Một số thuốc hạ sốt có thể dùng là Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng.

“Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu ít, trẻ không khó chịu, chỉ cần lau bằng khăn là đủ. Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Không nên tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho”, bác sĩ Giang cho biết.

Chuyên gia này khuyến cáo, phụ huynh không nên lạm dụng các vitamin, kể cả vitamin C hay multivitamin. Bởi, sức đề kháng của trẻ không thể tăng ngay lập tức chỉ với một vài loại vitamin.

Ngoài ra, không nên cho trẻ xông. Bởi, việc xông không có tác dụng điều trị bệnh và có thể làm trẻ tăng sự khó chịu cũng như nguy cơ bị bỏng. Phụ huynh tuyệt đối không tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt virus... Đồng thời, không dùng các đơn thuốc trên mạng và không chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Bởi, việc chia sẻ có thể vô tình làm hại nhiều trẻ khác.

“Bố mẹ cần bình tĩnh, chăm sóc bản thân để có đủ sức khỏe chăm sóc trẻ. Nên nhớ rằng, đã có rất nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Quan trọng nhất là chăm sóc và theo dõi, phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám kịp thời. Đừng vì lo lắng mà lạm dụng thuốc để tình hình thêm phức tạp”, bác sĩ Đào Trường Giang cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ