Trẻ khuyết tật: Yêu thương… cho trót

GD&TĐ - Chủ trương giáo dục hòa nhập đã đem lại cơ hội cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, trẻ hòa nhập như thế nào vẫn chưa có quy định chung từ cấp Trung ương hoặc ngành.

Giờ học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An.
Giờ học văn hóa tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An.


Điều này dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất lớp học và công trình phụ trợ chưa phù hợp với trẻ khuyết tật. Đặc biệt, chương trình, SGK cho đối tượng này và thang điểm đánh giá chưa có nên mỗi giáo viên, nhà trường tự xây dựng cho trò, dẫn đến thiếu thống nhất…

Ông Thái Huy Vinh - nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục tỉnh Nghệ An: Xây dựng SGK như tài liệu tham khảo cho giáo viên

Những năm trước, Bộ GD&ĐT đã thí điểm mô hình gom nhóm học sinh khuyết tật của một trường vào cùng một lớp để dạy học. Tuy nhiên, mô hình này sau đó đã xóa bỏ, và thay thế bằng chủ trương dạy học hòa nhập để tạo sự bình đẳng, tâm lý tự tin cho trẻ khuyết tật. Vì vậy, trẻ khiếm khuyết được chia sẻ, rải đều trong các khối lớp của trường phổ thông. Dù vậy, việc dạy song song học sinh bình thường và có khiếm khuyết về mặt trí tuệ, thân thể rất vất vả cho giáo viên và chưa có chương trình, tài liệu SGK nào.

Hiện nay, theo chủ trương xây dựng chương trình cho trẻ khuyết tật trong trường phổ thông vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, giáo viên khi đã dạy theo chương trình thì không thể nào bỏ sót bất cứ học sinh nào. Nhưng nếu theo Chương trình GDPT 2018 sẽ rất khó khăn để dạy song song một chương trình khác.

Hiện toàn quốc thực hiện đồng nhất 1 chương trình GDPT với nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Vậy cùng với đó, nên xây dựng SGK cho trẻ khuyết tật như là tài liệu tham khảo cho giáo viên. Đồng thời, mỗi huyện, thành thị nên gom học sinh, trẻ khuyết tật thành một nhóm và thành lập trung tâm để hỗ trợ các em theo tài liệu đã xây dựng và giáo viên được đào tạo dạy chuyên biệt đảm nhiệm. 

Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng): Rất hiếm học sinh lớp Một có hồ sơ sức khỏe đi kèm

Chúng ta gọi chung là học sinh khuyết tật, nhưng các loạt tật và mức độ của các em không giống nhau. Có em khuyết tật dạng vận động, có những học sinh tự kỷ và có em bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ mà chúng ta gọi là học sinh có khó khăn về học. Trong số học sinh khó khăn về học, không phải mức độ ghi nhớ, tiếp thu, hình thành kỹ năng của các em giống nhau. Có những học sinh quên mặt chữ, có em đọc chậm, không viết được hoặc hạn chế về tính toán. Với những học sinh khuyết tật học hòa nhập, nếu có hồ sơ đánh giá của cơ quan y tế, giáo viên sẽ không phải mất thời gian theo dõi, sàng lọc để có hướng dạy học phù hợp.

Tuy nhiên, rất hiếm học sinh khi nhập học lớp Một có hồ sơ sức khỏe đi kèm. Thường là sau một tháng của chương trình học, qua theo dõi khả năng ghi nhớ, phản hồi của học sinh cũng như sự tương tác với các bạn trong lớp, giáo viên chủ nhiệm báo cáo lên ban giám hiệu tình trạng cũng như mức độ của học sinh để nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi. Rất nhiều phụ huynh đã phản đối quyết liệt, cho rằng con họ bình thường, cho dù cô giáo trao đổi rằng bé bị rối loạn hành vi như thường xuyên vô cớ cào cấu, đánh bạn, giật tóc bạn… mà nhà trường thì không có chế tài gì để bắt buộc phụ huynh đưa con đi khám.

Với những học sinh này, nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi sự phát triển của học sinh để có hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học. Tùy vào mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên có thể giảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng xuống, tăng thời gian rèn kỹ năng khác lên. Thậm chí, có những học sinh, không thể yêu cầu các em đạt chuẩn tối thiểu của chương trình học mà còn phải hạ xuống ở mức độ thấp hơn. Tuy nhiên, do không có hồ sơ chứng nhận là học sinh khuyết tật, khi thực hiện bài kiểm tra đánh giá định kỳ, các em vẫn phải làm chung một đề với các học sinh bình thường khác. Đây là một “áp lực” rất lớn đối với học sinh mà nếu không có sự đồng thuận từ gia đình thì các em vẫn phải “bơi” và sẽ dần lùi lại phía sau.

Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phụ đạo thêm cho học sinh gặp khó khăn về học.
Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phụ đạo thêm cho học sinh gặp khó khăn về học.

Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An): Cần giáo viên được đào tạo chuyên biệt

Qua nhiều năm phụ trách các trường học có trẻ hòa nhập trên địa bàn huyện Yên Thành, tôi thấy nếu xây dựng chương trình - SGK cho các em cần phân loại để phù hợp theo đối tượng. Có những trẻ khuyết tật về thân thể như bị liệt tay, chân, xương thủy tinh nhưng trí não các em phát triển bình thường vẫn có thể dạy học theo chương trình phổ thông nhưng cần hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và các kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh. Còn những trẻ chậm phát triển về mặt trí tuệ, ảnh hưởng trí não thì chương trình học cần rút ngắn lại, cụ thể, sát thực hơn.

Hiện, Trường Tiểu học Nhân Thành có 14 trẻ khuyết tật được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Trong đó có những em bị tăng động, giảm chú ý, khiếm thị, xương thủy tinh... Chúng tôi thực sự cần và mong muốn có chương trình SGK riêng cho những em này, theo từng nhóm đối tượng.

Thực tế dạy học hòa nhập là tạo điều kiện để trẻ khuyết tật có cơ hội giao lưu, tiếp thu kiến thức, môi trường giáo dục bình đẳng như các bạn khác trong trường. Chủ trương giáo dục hòa nhập cũng được Bộ GD&ĐT ban hành, và công tác đánh giá các em dựa theo Thông tư 36. Trong đó, đối với trẻ khuyết tật không đánh giá theo kỹ năng, phẩm chất mà sự tiến bộ của các em so với chính bản thân mình.

Nhưng khả năng, trình độ và nhu cầu tiếp nhận kiến thức của mỗi em khác nhau, kéo theo đó yêu cầu đối với giáo viên phụ trách cũng tương ứng. Ví dụ trong trường hiện có một em bị khiếm khuyết về thị giác. Em không bị mù hẳn nhưng cũng không thể nhìn thấy sự việc bình thường như các bạn khác. Chúng tôi cần tài liệu chữ nổi để dạy em biết đọc, biết viết. Song tài liệu chưa có, giáo viên nhà trường cũng chưa có đủ năng lực hoặc chưa được đào tạo để dạy các em về chữ nổi hoặc ngôn ngữ ký hiệu đối với học trò câm điếc.

Về chủ trương xây dựng chương trình và SGK cho trẻ khuyết tật tôi thấy rất mừng. Nhưng cùng với tài liệu, các trường cũng phải có giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản để phụ trách lớp học có trẻ khiếm khuyết. Bởi đội ngũ giáo viên hiện tại đáp ứng đủ yêu cầu đổi mới giáo dục và Chương trình GDPT 2018 chỉ vừa đủ, thậm chí còn thiếu. Trong khi dạy học 1 trẻ khuyết tật được quy đổi bằng 5 học sinh bình thường và mỗi lớp không quá 1 em. Chưa kể phụ huynh học sinh các lớp cũng có những phản ứng khác nhau đổi với trẻ hòa nhập.

Trước phản ứng đó, nhà trường đã họp phụ huynh, thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng cảm và chia sẻ. Dù vậy, thực tế dạy học trẻ khuyết tật hòa nhập trong môi trường giáo dục phổ thông bình thường rất vất vả, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn phương pháp, tài liệu. Tôi mong muốn sớm có chương trình, tài liệu SGK phù hợp và bổ sung giáo viên có đủ năng lực chuyên ngành để phụ trách trẻ khuyết tật trong nhà trường.

Học sinh học nghề tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An.
Học sinh học nghề tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề khuyết tật tỉnh Nghệ An.

Thầy Nguyễn Duy Quy – Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Tương lai (Đà Nẵng): Bộ SGK dùng chung cho học sinh khuyết tật trường chuyên biệt

Ở trường chúng tôi, học sinh khiếm thính và khiếm thị đang sử dụng SGK như học sinh phổ thông nhưng có giảm tải một số nội dung kiến thức cũng như yêu cầu đạt được. Riêng đối với học sinh khuyết tật trí tuệ, nhà trường sử dụng bộ tài liệu của Trung tâm Tật học – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam biên soạn.

Với chương trình này, phải mất 7 năm mới hoàn thành chương trình lớp 5 dành cho học sinh khuyết tật nhưng chỉ tương đương với lớp 3 ở giáo dục phổ thông. Với trẻ khuyết tật trí tuệ (KTTT), ngày trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vừa tròn 16 tuổi cũng đồng nghĩa với việc rời xa môi trường học đường nếu gia đình không có điều kiện cho con theo học ở các trung tâm.

Có nhiều phụ huynh, dù con đã tốt nghiệp 1 - 2 năm rồi, vẫn quay trở lại trường bày tỏ nguyện vọng muốn gửi con theo học trở lại, bởi các kỹ năng giao tiếp, xã hội của các em bị mai một, chỉ còn giữ lại được kỹ năng tự phục vụ. Chương trình C6, C7 do nhà trường tự biên soạn là một giải pháp để có thêm khoảng thời gian giúp học sinh định hình các kỹ năng xã hội và hướng nghiệp. Với học sinh khuyết tật trí tuệ, chúng tôi có 2 nhóm lớp: Dạy kiến thức với những học sinh còn có khả năng tiếp nhận và dạy kỹ năng, hướng nghiệp để có thêm cơ hội tiếp cận một nghề phù hợp để tự nuôi sống bản thân.

Tuy nhiên, hiện nay các trường chuyên biệt đều không có một chương trình dạy – học thống nhất. Có một số trường sử dụng SGK của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và có “gia giảm” một số kiến thức, kỹ năng khó, tự xây dựng tiêu chí đánh giá học sinh. Vì vậy, nếu có một chương trình – SGK để các trường chuyên biệt dùng chung thì rất thuận tiện trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy học. 

Cô Nguyễn Thị Oanh – Giáo viên Trường Tiểu học Mậu Đức (huyện Con Cuông, Nghệ An): Có chương trình mà không có lớp riêng thì không đồng bộ

Hơn 10 năm liên tục chủ nhiệm lớp có học sinh bị khiếm khuyết như: Tăng động, câm điếc, dị tật não, thiểu năng trí tuệ... Năm nay, lớp tôi phụ trách cũng có một học sinh người dân tộc Thái bị câm điếc. Quá trình dạy học, tôi chủ yếu dạy cho trò tập tô, tập vẽ, xem tranh... bởi em không có khả năng ghi nhớ con số, chữ cái, biết đọc, biết viết dù đã học tới lớp 5; biết chào hỏi (vòng tay, cúi lưng) khi gặp người lớn, biết đi vệ sinh đúng chỗ.

Tôi đã được tập huấn về dạy học hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nhưng không chuyên sâu và không đủ trình độ để hỗ trợ, dạy học sinh câm điếc. Hoàn cảnh gia đình em nói riêng và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số của trường nói chung rất khó khăn. Gia đình chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện để đưa con đến học trường chuyên biệt và mua thiết bị trợ thính. Vì vậy, lựa chọn duy nhất cũng như mong mỏi của họ là được trường học tại địa phương nhận vào dạy học, như một cách thức nhận trông trẻ, để gia đình còn lên nương rẫy, đi làm kiếm sống.

Trẻ khuyết tật học hòa nhập có nhiều dạng. Có em khuyết tật thân thể, có em ảnh hưởng trí tuệ. Những năm gần đây, xuất hiện nhiều em bị tăng động, tự kỷ. Để giữ các em trong lớp, thu hút vào hoạt động riêng của mình và không ảnh hưởng đến bạn học trong lớp đã là kỳ tích. Chưa kể khi thời tiết giao mùa, trời quá nóng hoặc quá rét, các em đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý rất dễ kích động. Giáo viên dạy học hòa nhập chưa có chương trình, tài liệu SGK riêng, nên tôi chủ yếu dạy học bằng kinh nghiệm và thực tế tình trạng của mỗi em.

Vì vậy, tôi mong muốn có chương trình, tài liệu SGK cho trẻ khuyết tật, để hỗ trợ giáo viên, nhà trường trong giáo dục các em. Tài liệu này do các chuyên gia hoặc người chuyên về giáo dục trẻ khuyết tật biên soạn, phân phối về cho địa phương. Tuy nhiên, khi có chương trình, tài liệu, thì một trường nên có một lớp chuyên biệt, gom nhóm các học sinh này lại với nhau. Bởi có chương trình mà không có lớp riêng thì không đồng bộ, cản trở giáo viên trong dạy học.

Cụ thể, đánh giá học sinh bình thường dựa vào kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất. Còn đối với trẻ khuyết tật chỉ yêu cầu đánh giá mức độ tiến bộ đối với bản thân. Trong khi đó, theo chương trình, giáo viên không thể bỏ bất cứ đối tượng nào. Nếu cùng lúc dạy 2 chương trình sẽ vô cùng vất vả với thầy cô đứng lớp mà không mang lại hiệu quả mong muốn với cả trẻ khuyết tật lẫn trẻ bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.