Trẻ Hồng Kông quay cuồng với bài vở

GD&TĐ - Thời gian học quá dài, quá nhiều bài tập về nhà…, học sinh tại Hồng Kông (Trung Quốc) đang chịu áp lực rất lớn và hệ thống giáo dục tại đây được ví như cơn ác mộng…

Trẻ Hồng Kông quay cuồng với bài vở

Học sinh sợ đến trường

“Giáo viên nói rằng lớp cháu quá dốt và vì vậy dù giờ học bắt đầu từ 7 giờ sáng, chúng cháu phải ở lại trường học tới 7 giờ tối” – một học sinh 8 tuổi than phiền – “Khi chúng cháu tỏ vẻ bất bình qua ánh mắt và tiếng thở dài, giáo viên yêu cầu phải ở lại lớp thêm 15 tiếng. Càng phản đối thì giáo viên càng tăng mức phạt. Cuối cùng cháu phải ở lại trường 3 ngày. Cháu quá sợ hãi”.

Cậu bé kể rằng nỗi sợ hãi tới trường không chỉ trong cơn ác mộng mà còn nguyên cả khi cậu thức giấc.

Javis không phải trường hợp cá biệt. Hàng chục nghìn học sinh Hồng Kông đang chịu sức ép kinh khủng trong một hệ thống giáo dục cạnh tranh, đối mặt với thời gian học kéo dài và phải xử lí lượng bài tập về nhà quá lớn.

Một nghiên cứu với khoảng 1.300 học sinh do Tổ chức xã hội Baptist Oi Kwan thực hiện năm ngoái cho thấy có tới 21,7% cảm thấy căng thẳng liên tục, lí do chung nhất là áp lực từ bài tập quá nhiều, chuẩn bị thi đầu cấp THCS và kết quả học tập không đạt yêu cầu.

Chỉ số trên đã tăng 5,5% so với nghiên cứu tương tự năm 2016 và là mức cao nhất trong 3 năm qua.

Đáng lo hơn nữa, những nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra rằng học sinh Hồng Kông thiếu quan tâm, tự tin và tự nguyện học tập. Nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc nhà chức trách xem xét lại chương trình GD.

Javis học một trường công tại quận phía Đông, cho biết sợ tới trường vì áp lực. Cậu bé thường ngày dậy từ 7 giờ sáng, tới trường lúc 8 giờ. 7 tiếng tiếp theo là học trong lớp với vỏn vẹn 3 lần nghỉ giải lao mỗi lần 5 phút; và nửa tiếng ăn trưa. Sau đó mất 2 tiếng làm bài tập – 8 hoặc 9 bài/ngày, riêng thứ Sáu là 12 bài. Ngoài ra còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác mà giáo viên giao.

Trường học phớt lờ khuyến cáo

Học sinh lớp 3 tiểu học trung bình chỉ có 30 – 45 phút chơi trong những ngày đi học.

“Cuộc sống thật buồn chán và vô nghĩa” – Javis chia sẻ. Cậu bé cũng không có nhiều thời gian gặp gỡ gia đình và dịp cuối tuần.

Yêu thích thể thao nhưng Javis chỉ có 1 giờ tập bóng đá vào mỗi thứ Bảy và 2 giờ chơi thể thao tự do sau giờ học chính khoá vào thứ B.

Một ước mong khác của Javis là trở thành nhà khoa học và nhà thám hiểm. Nhưng kiến thức nhà trường không giúp đạt mong ước đó. “Trường học quá buồn chán, chúng cháu chỉ đọc sách giáo khoa và thi cử liên miên những kiến thức học thuộc lòng” – cậu kể.

Khối lượng bài tập về nhà dường như quá tải với Javis nhưng không phải là không phổ biến tại Hồng Kông.

Một nghiên cứu gần đây với 1.402 phụ huynh do Liên đoàn Phụ huynh Cải cách Giáo dục Hồng Kông cho thấy 60% con cái họ mất hơn 1,5 giờ/ngày làm bài tập sau giờ học. Khoảng 23% cho biết con họ mất hơn 2,5 tiếng làm bài tập về nhà.

Một nghiên cứu khác cũng của tổ chức này, khảo sát 518 phụ huynh đại diện 116 trường tiểu học, cho thấy 68% trường dành dưới 40 phút cho giải lao trong khi 74% dành ít hơn 50 phút cho bữa trưa.

Cả 2 tỉ lệ trên đều dưới mức khuyến cáo của Cơ quan quản lí GD Hồng Kông là 2 lần nghỉ giải lao mỗi lần 20 phút và một tiếng ăn trưa mỗi ngày.

Mẹ Javis, Tsang Ling-ling, cho biết, lắm khi muốn trò chuyện với con về cuộc sống hay chuẩn mực ứng xử xã hội nhưng không có đủ thời gian làm vậy. “Khi con về nhà đã hơn 6 giờ tối. Tắm rửa và ăn uống xong đã khoảng 8 giờ tối. Tôi phải chắc chắn bọn trẻ ngủ trước 9 giờ để bảo đảm sức khỏe” – Tsang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ