Trung Quốc: “Cậu bé đầu băng” gian nan tìm trường học

GD&TĐ - Cậu bé Wang Fuman nổi tiếng sau khi được hiệu trưởng đưa lên mạng xã hội hình ảnh mái tóc phủ trắng băng tuyết sau 1 giờ đi bộ tới trường dưới trời giá rét hồi tháng 1 năm nay. Sau đó, “cậu bé đầu băng” nhận được vô số đề nghị nhưng hành trình học hành của cậu bé 8 tuổi vẫn đầy gian nan khi mới đây vừa bị đề nghị chuyển khỏi ngôi trường mới vừa tiếp nhận cậu.

Trung Quốc: “Cậu bé đầu băng” gian nan tìm trường học

Quyết định gây ngỡ ngàng

Mới đây nhất, ngôi trường tư thục đưa ra lời mời tiếp nhận “cậu bé đầu băng” đã đề nghị gia đình chuyển bé sang một trường khác – chỉ sau hơn một tuần cậu bé nhập học.

Wang và gia đình nhận được đề nghị giúp đỡ sau khi bất ngờ nổi tiếng – trong số những lời đề nghị đó có ưu đãi miễn phí từ một trường tư thục tại Zhaotong, tỉnh Vân Nam Tây Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên do sự “soi mói” quá mức của truyền thông khiến cho hiệu trưởng trường này đề nghị cậu bé chuyển trường khi mà cậu bé còn chưa quen hết bạn bè trong lớp.

Wang bắt đầu nhập học tại Trường Xinhua cuối tháng trước sau khi hiệu trưởng đưa ra lời mời với gia đình cậu. Vào học trường nội trú có nghĩa là Wang không còn phải vượt đường xa hàng ngày tới lớp.

Tuy nhiên đến ngày 6/3, bố cậu bé nhận được đề nghị chuyển con về trường cũ.

“Tôi không hiểu tại sao trường này lại đối xử với chúng tôi như vậy” – ông bố cảm thấy bất ngờ.

Cậu bé cũng cho biết rất thích ngôi trường mới và những giáo viên mới cũng tốt hơn ngôi trường trước đây.

Trong một phỏng vấn báo chí, hiệu trưởng cho biết sự quan tâm quá mức của truyền thông và sự giám sát từ cơ quan quản lý khiến nhà trường chịu áp lực và không thoải mái.

Hiệu trưởng chia sẻ rằng đã không lường được vấn đề rằng cậu bé được Bộ Giáo dục coi như như một “nhân vật điển hình” cần được giúp đỡ trong nỗ lực xoá đói nghèo của chính phủ.

“Kết quả là, trong những ngày cậu bé học ở trường tôi, chúng tôi nhận được vô số yêu cầu từ các cấp chính quyền khác nhau đề nghị thanh kiểm tra trường. Nhiều hãng truyền thông đặt lịch phỏng vấn. Tôi lại không thể từ chối nhiều đề nghị trong số đó” – Yang bộc bạch.

Đi kèm đề nghị chuyển trường, hiệu trưởng quyết định hỗ trợ 15.000 tệ (2.364 USD) và đề xuất những cách giúp đỡ khác trong tương lai.

Gian nan con đường học vấn

Câu chuyện của Wang cho thấy công cuộc xoá đói nghèo và bất bình đẳng học vấn đối với trẻ nguồn gốc nông thôn Trung Quốc còn rất gian truân.

Trung Quốc trong những năm gần đây đã bắt đầu quan tâm hơn tới lao động nhập cư, những người đóng vai trò lớn trong sự chuyển đổi kinh tế quốc gia và giữ đà tăng trưởng.

Ngoài khoảng 60 triệu trẻ “bị bỏ lại sau” – còn có một bộ phận trẻ khác đang lớn lên giữa lòng thành phố với thân phận “nhập cư nhí” – đây là những trẻ theo bố mẹ nhập cư lên các thành phố lớn.

Báo cáo quốc gia đầu tiên về vấn đề này công bố năm ngoái ước tính hiện có 36 triệu “nhập cư nhí” dưới 18 tuổi – được coi là thế hệ tiếp theo của lao động nhập cư.

Không có hộ khẩu hoặc giấy tờ cần thiết để vào học hệ thống trường công, trẻ nhập cư phải học những trường tư tồi tàn mà không được hưởng phúc lợi như bạn đồng lứa sinh tại Bắc Kinh.

Theo thông tin trước đây, số tiền quyên tặng cho gia đình cậu bé là hơn 300.000 tệ (47.295 USD). Mặc dù số tiền này đủ lớn để thay đổi nhiều thứ với gia đình Wang nhưng rõ ràng hành trình học hành của bé vẫn truân chuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ