Vào tháng 3/2015, phi hành gia Mỹ Scott Kelly được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Các phản ứng cơ thể của ông trong gần một năm được so sánh, đối chiếu với tình trạng sức khỏe của người anh trai song sinh, cũng là phi hành gia - ông Mark Kelly (trong thời gian này ông Mark Kelly ở trên mặt đất).
Một loạt bài báo khoa học, trong đó có công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ở ĐH bang Colorado (Mỹ), được công bố trên tạp chí Science, khẳng định ông Scott trẻ hơn một chút khi ở trên quỹ đạo.
Tuy nhiên sau khi Scott Kelly trở về Trái đất, tất cả lại bình thường như cũ. Các hậu quả về sức khỏe khi con người ở trên quỹ đạo hóa ra là không đáng kể. Từ góc độ những sứ mệnh vũ trụ dài ngày, đây là một tin vui.
Hai anh em sinh đôi nhà Kelly đã có 4 lần bay vào vũ trụ; trong đó Mark Kelly tham gia các sứ mệnh ngắn hạn trong vai trò phi công và chỉ huy tàu con thoi, còn Scott 2 lần là thành viên của phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế. Sứ mệnh cuối cùng (sứ mệnh lần thứ tư) của Scott Kelly trên Trạm ISS kéo dài 340 ngày.
Cả 2 phi hành gia song sinh đều được khám bệnh trước, trong và sau khi sứ mệnh trên Trạm ISS nói trên kết thúc. Các mẫu máu của Scott được gửi từ quỹ đạo về Trái đất theo những chuyến bay khứ hồi trên các tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Một số mẫu máu được đưa đến phòng thí nghiệm của giáo sư Susan Bailey ở ĐH Colorado. Phòng thí nghiệm này chuyên nghiên cứu về telomere - những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút nhiễm sắc thể, bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi hư hỏng trong quá trình phân bào.
Các nhà khoa học tin rằng, sự rút ngắn của telomere là biểu hiện của lão hóa và tính dễ nhiễm các bệnh liên quan đến tuổi già. NASA muốn tìm hiểu xem các chuyến bay vũ trụ có ảnh hưởng đến quá trình lão hóa hay không.
Giáo sư Bailey cùng với nhóm của mình đã lưu giữ mẫu máu của 2 anh em nhà Kelly trong 25 tháng, nghiên cứu độ dài của các telomere trong bạch cầu.
Các nghiên cứu này mang đến kết quả bất ngờ. Hóa ra ở Scott Kelly, các telomere không ngắn đi trong thời gian ông ở trên quỹ đạo, mà còn dài thêm ra! Điều này chứng tỏ cơ thể của phi hành gia này dường như trẻ hóa theo một cách nào đó.
Lần đầu tiên các nhà khoa học thông báo về hiện tượng này là vào năm 2017. Còn hiện giờ, công trình nghiên cứu được công bố chính thức.
Các nghiên cứu sau khi Scott Kelly trở về mặt đất cho thấy, hiệu ứng có lợi là không bền vững. Phần lớn các telomere trở lại độ dài như trước chuyến bay; một số khác trở nên ngắn hơn. Chuyến bay trên quỹ đạo không tạo ra những thay đổi cơ bản.
Theo giáo sư Bailey, các nghiên cứu giúp chúng ta hiểu rõ hơn các quá trình quyết định độ dài telomere của con người trên Trái đất. Điều này rất hữu ích, chẳng hạn đối với trường hợp các bệnh về hệ tuần hoàn hoặc ung thư.
Tạp chí Science cũng công bố các kết quả của 10 công trình nghiên cứu, do 84 nhà nghiên cứu thuộc 12 trường đại học thực hiện. Một trong những thông tin quan trọng nhất là 91,3% các gen của Scott Kelly trở về trạng thái bình thường sau khi ông quay về Trái đất nửa năm. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, các gen còn lại chỉ thay đổi tính tích cực, chứ không phải bị biến đổi như một số cơ quan báo chí thông tin hồi năm ngoái.
Như vậy, các sứ mệnh vũ trụ dài hạn dường như không gây ra các hậu quả xấu về sức khỏe. Tất nhiên là nghiên cứu này được thực hiện trên quỹ đạo thấp xung quanh Trái đất. Trong trường hợp chuyến bay lên sao Hỏa, ngoài khu vực từ trường Trái đất, các hậu quả liên quan đến bức xạ vũ trụ mạnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn