Trẻ em Tân Sơn và hành trình xuống núi cùng con chữ

GD&TĐ - Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Xuân Sơn, tại xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có tất cả 152 học sinh, trong đó có 47 em học sinh nội trú. 

Những đôi tay nhỏ nhắn nhưng vô cùng khéo léo trong việc nấu cơm.
Những đôi tay nhỏ nhắn nhưng vô cùng khéo léo trong việc nấu cơm.

Do con đường từ nhà đến trường chủ yếu là đường đồi núi và khoảng cách quá xa từ 4 đến 5 km nên các em đã được trường tạo điều kiện cho ở lại để thuận lợi cho việc di chuyển và học tập.

Rời “bản” xuống núi

Ngôi trường Tiểu học và THCS Xuân Sơn nằm khuất sâu sau những dãy núi cao và sừng sững, để đến được tới trường các em phải trải qua con đường đồi núi cheo leo và dốc đá. Nhưng những khó khăn ấy vẫn không làm khuất phục ý chí muốn học con chữ của các em, nhận biết được sự hiếu học đó nhà trường cùng với sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đã xây dựng cho các em dãy nhà nội trú.

Trong căn bếp đơn sơ là những đôi bàn tay nhỏ bé của các em đang tự nấu cơm một cách điêu luyện. Với cái tuổi này đáng lẽ các em đang được sự chăm sóc của bố mẹ thì giờ đây mọi việc từ nấu cơm đến nhặt rau, tráng trứng các em đều tự làm.

Em Hà Thị Minh, học sinh lớp 3, nhà ở xóm Cỏi cách trường 5km cho biết: “Món ăn yêu thích nhất của chúng con là rau luộc và trứng tráng, con không biết làm thì được các anh chị lớn hơn dạy, lâu dần là chúng con quen và tự nấu được.”

Người nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn, những em bé thì nhặt rau những anh chị lớn thì nhóm củi, bắc bếp thổi cơm, tình yêu thương của những đứa trẻ đã làm xoá tan đi sự nhớ nhà và cái rét “cắt da cắt thịt” giữa rừng núi hoang vu.

Một căn bếp chia làm hai khu, khu dành cho các em nữ và khu dành cho các em nam, tôi hỏi sao không ăn chung thì các em nhí nhố nói: “Chúng con ở phòng riêng nên nấu riêng để nữ ăn ở phòng nữ còn nam ăn ở phòng nam ạ”.

Nhìn những ánh mắt thơ ngây quây quần bên bếp lửa khiến chúng tôi không khỏi xúc động, nếu bằng tuổi các em liệu chúng tôi có làm được như vậy?

Trường TH và THCS Xuân Sơn nằm giữa núi rừng sừng sững

 Trường TH và THCS Xuân Sơn nằm giữa núi rừng sừng sững

“Cõng” con chữ “cõng” cả mớ rau

Mỗi tuần chỉ được về nhà một lần vào cuối tuần, sáng thứ hai các em phải lên sớm, nếu đi theo đường chính là con đường bê tông thì các em phải mất 4 đến 5km mới tới được trường, chưa kể dù là đường bê tông nhưng ngoằn ngoèo, dốc cao các em có thể bị trượt ngã bất cứ lúc nào. Còn nếu đi theo con đường tắt thì các em phải băng qua rừng, trèo đèo lội suối tuy con đường ngắn hơn nhưng độ nguy hiểm cũng tăng gấp bội phần.

Thầy Nguyễn Quang Trung - Hiệu phó trường Tiểu học Xuân Sơn - chia sẻ: “Cũng đã có phụ huynh thương con mua cho con chiếc xe đạp để đi nhưng vì đường trơn và dốc quá nên đi xe đạp các em còn mệt hơn vì toàn phải dong, cuối cùng các em vẫn phải chọn cách duy nhất là đi bộ”.

Chiếc cặp to hơn người đã nặng các em lại còn phải mang thêm đồ ăn để tích trữ ăn dần, chục trứng hay củ su hào tuy nhỏ nhưng lại quá lớn đối với sức của các em. Con đường đã dài lại càng dài hơn, nhưng cuối cùng thì mớ rau vẫn đến được trường, con chữ cũng được các em cõng trên lưng.

Cô Bàn Thị Thuỷ cho biết: “Học sinh ở đây rất yêu quý thầy cô, có gì các em cũng mang sang biếu thầy cô, dù chỉ là củ su hào, cái bắp cải nhưng chúng tôi đều rất trân trọng vì có được những thứ đó không những bố mẹ các em mà các em đã bỏ ra rất nhiều mồ hôi và công sức.”

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, hi vọng với sự cố gắng, đoàn kết và đùm bọc của các em cũng như các thầy cô, “con chữ” hay “mớ rau” sẽ không làm cản bước đường dẫn đến tương lai tươi sáng của các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ