Trẻ em Singapore sợ đi học vì bị bắt nạt

GD&TĐ - Tại Singapore, tình trạng bắt nạt học đường ngày càng đáng báo động.

Cứ 4 trẻ em Singapore có một em bị bắt nạt.
Cứ 4 trẻ em Singapore có một em bị bắt nạt.

Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khiến tình trạng bạo lực gia tăng mạnh mẽ và thiếu kiểm soát.

Con gái 7 tuổi của chị Rachel Tan là một nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Chỉ trong 2 năm học, em bị ném rác vào cặp, dẫm nát bài tập về nhà và giấu đồ dùng học tập. Khi gia đình em cố gắng tìm hiểu và phản ánh tình trạng với giáo viên, họ bị ngó lơ vì không có bằng chứng cụ thể.

Còn hồi đầu tháng 10, một học sinh lớp 1 tại Trường Meridian, Singapore, đã bị rách màng nhĩ phải vì bạn bè được cho là đã đánh, tát em trong 20 phút. Do các trường chưa có biện pháp mạnh tay đối phó với bạo lực học đường, hầu hết nạn nhân phải tự tìm cách xử lý, trong đó, phương án chuyển trường được lựa chọn nhiều nhất.

Đặc biệt với sự phổ biến của tin nhắn, mạng xã hội, những kẻ bắt nạt có thêm nhiều hình thức tấn công như tung tin đồn, quay video nhục mạ.

Chỉ trong năm 2024, ít nhất 3 trường hợp bị bắt nạt đã được phát tán rộng rãi trực tuyến trên mạng xã hội và trong các nhóm trò chuyện. Các video thường ghi lại cảnh nạn nhân bị bạo lực thể chất nghiêm trọng. Các em học sinh cũng bị lăng mạ, quấy rối dưới hình thức các bình luận ẩn danh trên Ask.fm, một mạng lưới hỏi đáp, và trên mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter).

Bà Sandy Ho, cố vấn từ trung tâm tư vấn cho trẻ em và thanh, thiếu niên MindfulBear, cảnh báo: “Trẻ em thường im lặng vì sợ bị cho là ‘nhỏ nhen’ nếu nói với giáo viên và bạn học hoặc lo ngại bị trả thù nếu báo cáo. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến cho nạn nhân cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống lại bắt nạt”.

Nguyên nhân của tình trạng bắt nạt rất phức tạp. Nó liên quan đến áp lực từ bạn bè, môi trường gia đình và sự thiếu hiểu biết về tác hại của hành vi mình gây ra. Các nghiên cứu cho thấy, những trẻ em có lòng tự trọng thấp hoặc lớn lên trong môi trường bạo lực có nhiều khả năng trở thành kẻ bắt nạt. Hành vi này không chỉ đơn thuần là kết quả của việc thiếu giám sát, mà còn phản ánh các vấn đề xã hội sâu sắc hơn.

PGS Andree Hartanto, chuyên gia Tâm lý học Giáo dục tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết: “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ em bị bạo lực từ bé có khả năng trở thành kẻ bắt nạt trong tương lai. Dư chấn tinh thần từ việc bị bạo lực từ bé khiến các em có xu hướng thể hiện sức mạnh bằng cách đàn áp người khác khi lớn lên”.

Bắt nạt không chỉ ảnh hưởng tức thời đến tinh thần và cảm xúc của nạn nhân, mà còn có thể để lại những vết thương tâm lý lâu dài như rối loạn lo âu, trầm cảm.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Singapore, tỷ lệ học sinh báo cáo các vụ bắt nạt không thay đổi nhiều qua các năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tế. Nạn nhân thường sợ bị trả thù, dẫn đến việc không dám báo cáo.

Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ Singapore cần có cách tiếp cận toàn diện và sự phối hợp giữa gia đình, trường học và cộng đồng. Chỉ khi đó, trẻ em mới có thể đến trường với tâm lý thoải mái, thay vì phải sống trong nỗi sợ hãi và cô đơn.

Cô Jane Lim, cố vấn trường học nhấn mạnh: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở học sinh phải thông báo cho giáo viên và tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bắt nạt. Một số học sinh lớn tuổi chọn không báo cáo vụ việc với giáo viên hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, khiến tình trạng tồi tệ hơn. Vì vậy, giáo viên nên được đào tạo cách nhận biết các dấu hiệu bắt nạt và hỗ trợ học sinh”.

Theo The Straits Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.