Ngày 7/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn phối hợp Plan Quảng Bình tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với trẻ em.
Tại đây, các em đưa ra những chất vấn liên quan các vấn đề nổi cộm thời gian qua như: tình trạng bạo lực học đường, tai nạn đuối nước, lạm dụng mạng xã hội Tik Tok để cô lập bạn học, xâm hại tình dục trên không gian mạng…
Phiên đối thoại là dịp để lãnh đạo các đơn vị, địa phương quan tâm, lắng nghe trẻ em nói. Từ đó có những giải pháp, chính sách phù hợp. |
Đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành đã nghiêm túc lắng nghe và trả lời những ý kiến mà các em nêu ra. Những giải pháp, kế hoạch hay chương trình hành động cụ thể trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng được các đại biểu cung cấp đầy đủ.
Em Bùi Linh Đan, Trường THCS số 1 Nam Lý (TP Đồng Hới) đặt câu hỏi: “Cháu biết đến sự việc nam sinh tại xã Tiến Hoá bị chiếm đoạt số tiền hơn 50 triệu đồng khi dùng điện thoại của mẹ để mua tập tin “hack” game Free Fire về chơi. Vậy, chúng cháu cần cảnh giác với những phương thức lừa đảo như thế nào trên mạng xã hội?. Trường hợp là nạn nhân thì chúng cháu cần trình báo với ai để được giúp đỡ?”.
Đại diện các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu, trả lời. |
Thiếu tá Phan Ngọc Hương Ly đã chỉ rõ chiêu trò lừa đảo tinh vi các đối tượng như dùng mạng xã hội để làm quen, hứa hẹn tặng quà, đăng phát thông tin đồi truỵ, núp bóng hoạt động tuyển dụng, mua bán trẻ dưới hình thức cho nhận con nuôi.
Khi phát hiện sự việc, học sinh phải thật bình tĩnh, giữ liên lạc với đối tượng, báo ngay cho người thân, liên hệ 111 hay 113 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, trẻ em cần nhận được sự đồng hành, lắng nghe, sự chia sẻ của người lớn. Qua đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tạo môi trường dân chủ để tiếng nói trẻ em được lắng nghe, xem xét.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đối thoại với trẻ em. |
“Đây là dịp để trẻ em được được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về những vấn đề mình quan tâm đến lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh. Qua đó đảm bảo việc thực hiện đầy đủ Luật trẻ em 2016, phát huy vai trò của trẻ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định.
Liên quan đến tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn, em Trần Lê Đức Hải (Trường THCS số 1 Nam Lý, TP Đồng Hới) cho biết, gần đây trên địa bàn đã xảy ra một số vụ đuối nước nghiêm trọng. Để ngăn ngừa những tai nạn đáng tiếc đó, các bác có những giải pháp gì trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ?”.
Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, bà Dương Thị Thương đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến đuối nước là do trẻ không có hoặc thiếu kỹ năng bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố.
Đặc biệt, thiếu sự quan tâm của gia đình và cộng đồng cũng là nhóm nguyên nhân lớn dẫn đến đuối nước ở trẻ.
Để ngăn chặn và làm giảm tử vong do đuối nước, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều kênh, nâng cao ý thức phụ huynh, các cơ quan ban ngành kịp thời triển khai loạt hành động để bảo vệ trẻ như dạy bơi, bố trí lực lượng cứu đuối, cắm biển báo nơi cần, tổ chức lớp dạy bơi, tổ chức giải thi bơi lội, tập huấn kiến thức phòng chống đuối nước cho đội ngũ cán bộ nòng cốt tại trường học.