Trẻ em các nước đón Tết Nguyên đán ra sao?

GD&TĐ - Giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày quan trọng nhất trong năm đối với một số quốc gia châu Á.

Trẻ em Hàn Quốc mặc Hanbok và tham gia trò chơi truyền thống vào dịp Tết.
Trẻ em Hàn Quốc mặc Hanbok và tham gia trò chơi truyền thống vào dịp Tết.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới, trẻ em ở mỗi nước đều có phong tục riêng và vô cùng độc đáo. Hãy cùng xem trẻ em tại một số đất nước chào đón năm mới như thế nào.

Hàn Quốc

Vào đêm Giao thừa, các thành viên trong gia đình Hàn Quốc sẽ cùng nhau làm những món ăn truyền thống để cúng tổ tiên. Có khoảng gần 20 món ăn. Trong đó, các món ăn cổ truyền không thể thiếu là: Súp gà hoặc súp bò, kim chi, cá khô, thịt bò khô, bánh bao hấp, hoa quả, rau, hồng khô và nhiều loại bánh cổ truyền. Và tất nhiên, các bạn nhỏ sẽ tham gia vào quá trình chuẩn bị cùng cả nhà.

Trong buổi tối Giao thừa, trẻ em sẽ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Đây là một trong những phong tục bất cứ người Hàn nào cũng cần thực hiện. Trẻ có thể cùng bố mẹ đốt thanh tre, với ý nghĩa xua đuổi tà ma.

Trong ngày đầu năm, các bạn nhỏ người Hàn sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống là Hanbok và tiến hành nghi lễ truyền thống như vái lạy ông bà, cha mẹ.

Năm mới là dịp để trẻ em nước này thỏa sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở các nơi công cộng như: Kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori - trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.

Trong năm mới, những người trẻ trong gia đình cần cúi chào người già. Người lớn tuổi sẽ đưa lời khuyên cho trẻ. Ngoài ra, trẻ em Hàn Quốc cũng nhận được “tiền tiêu vặt” để mua sách và bút. Niềm vui nhỏ này được lưu truyền như một sự kiện truyền thống trong những dịp sum họp đầu năm. Nhờ sự phát triển của công nghệ, một số người hiện gửi tiền tiêu vặt cho trẻ qua hình thức thanh toán trực tuyến.

Trung Quốc

Khoảng 15 - 20 ngày trước Tết Nguyên đán, trẻ em Trung Quốc sẽ được nghỉ học (trong vòng 1 tháng). Mặc quần áo mới luôn là truyền thống của người Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đây, nhiều người không có khả năng sắm quần áo mới trong ngày thường. Do đó, họ chỉ sắm sửa những thứ mới vào ngày lễ lớn nhất năm.

Mọi thứ đã thay đổi và giờ đây, quần áo mới không dành riêng cho lễ hội. Song, người dân Trung Quốc vẫn giữ phong tục này, đặc biệt là trẻ em. Bởi, quần áo mới được coi là lời tạm biệt quá khứ và chúc may mắn trong năm mới.

Phong bao lì xì là điểm thu hút lớn nhất đối với trẻ em trong dịp Tết. Đây là một phong tục lâu đời tại Trung Quốc, khi phong bao lì xì được trao cho trẻ em với ý nghĩa xua đuổi tà ma.

Ngày nay, trẻ em nước này có thể nhận nhiều phong bao lì xì từ ông bà, cha mẹ và những người thân lớn tuổi. Các em có thể thỏa thích sử dụng lì xì theo ý của mình như mua bánh kẹo, đồ chơi. Tuy nhiên, trẻ thường phải nộp một phong bì màu đỏ cho phụ huynh - những người có thể giúp các em quản lý tiền tốt hơn.

Đối với trẻ em, không có gì hạnh phúc hơn là nhận được quà tặng dịp Tết. Mỗi khách đến thăm nhà trong dịp Tết Nguyên đán sẽ mang theo quà. Trong đó, phải có những thứ đặc biệt dành cho trẻ em, bao gồm thực phẩm, đồ chơi, quần áo và đồ dùng học tập. Đồ chơi động vật tương ứng với con giáp trong năm mới là quà tặng phổ biến.

Trẻ em cũng sẽ cùng cha mẹ dọn dẹp và trang trí nhà cửa trước Tết. Vào đêm Giao thừa, trẻ được học cách làm bánh bao và cắt giấy cùng cha mẹ. Một số em giúp dán câu đối Lễ hội mùa xuân.

Tết Nguyên đán là ngày lễ dành cho trẻ em với những món ăn đa dạng. Bánh bao và cá là những món phải có trên mọi bàn ăn. Bên cạnh đó, trẻ em vẫn có thể thưởng thức bánh kẹo, sôcôla, món tráng miệng và đồ ăn nhẹ yêu thích.

Singapore

Người Singapore thường đón Tết Âm lịch bằng cách lau dọn, trang trí nhà cửa với 2 sắc màu chủ đạo là đỏ và vàng. Món ăn phổ biến trong ngày Tết Âm lịch tại Singapore là gỏi cá (yu sheng), lẩu (steamboat), bánh nếp (nian gao), thịt sấy khô (bak kwa). Mọi người đến thăm nhà nhau sẽ trao tặng 2 trái quýt cỡ to cho vào một chiếc túi xách nhỏ màu đỏ. Trẻ em sẽ được mừng tuổi bằng tiền được để trong 1 chiếc phong bao lì lì màu đỏ.

Trong khi đó, người Singapore cũng quan niệm, việc quét dọn nhà vào những ngày đầu năm mới là không tốt. Bởi, đó là hành động “cuốn đi” vận may. Trái lại, việc mua sắm có ý nghĩa lớn hơn trong dịp Tết Nguyên đán khi các gia đình chào đón những gì mới đẹp. Vào thời khắc Giao thừa, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau.

Ở Singapore, nhiều người tin rằng, ăn gỏi cá là một cách mang lại vận may trong năm tới. Với 7 loại nguyên liệu biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở và trường tồn bao gồm cá hồi, các loại rau tốt cho sức khỏe như: Đu đủ bào, khoai môn bào… hòa quyện vào các loại nước sốt và gia vị đặc trưng của người dân Singapore.

Đặc biệt, những đứa trẻ cũng có thể “chơi đùa” với món ăn truyền thống này trong dịp lễ tết.

Ngoài ra, những chuyến thăm trong năm mới là một trong những điểm nhấn chính của Tết Nguyên đán tại Singapore. Đối với nhiều gia đình ở Singapore, Tết Nguyên đán có thể là dịp duy nhất mà những người thân trong gia đình có thể gặp gỡ và chia sẻ cho nhau tất cả những gì đã xảy ra trong năm qua. Nhiều gia đình chỉ đơn giản tận hưởng thời gian bên nhau bằng cách ăn vặt, chơi mạt chược, đánh bài và xem tivi.

Không chỉ người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên tại Singapore cũng vô cùng hào hứng khi được đến thăm nhà người khác vào dịp Tết Nguyên đán. Và, một trong những lý do cho việc đó là trẻ thường nhận được phong bao lì xì từ những người thân đã kết hôn. Bên cạnh đó, trẻ em cũng sẽ được thưởng quà bánh như một cách khích lệ tinh thần học tập, cầu tiến và lời chúc mau ăn chóng lớn.

Theo singaporeexpats; Cbc; Travelchinaguide

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.