Trẻ dưới 12 tuổi từng là F0 có nên tiêm vắc xin Covid-19?

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, việc hoàn thành tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho lứa tuổi từ 5-11, giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vì sao cần thiết tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi?

Theo GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, việc hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho lứa tuổi từ 5-11, giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời... Ảnh: Nguyễn Nhiên

Về vấn đề này GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết đối với việc sử dụng vắc xin, đặc biệt là vắc xin được cung ứng, cấp phép trong tình huống khẩn cấp đặt ra 3 vấn đề.

Thứ nhất là việc cần thiết phải tiêm. Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin thì khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng cũng như triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn.

Khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho biết, hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng.

GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác.

Thứ hai là về vắc xin. Vắc xin được lựa chọn là Pfizer đã được WHO, FDA Hoa Kỳ cũng như Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt.

Số nước sử dụng tăng lên hằng ngày và đến nay là 44 nước và 3/4 số nước đó đã sử dụng vắc xin.

Đối với vắc xin, vấn đề thử nghiệm lâm sàng là vấn đề hết sức thận trọng, đầy đủ. Với vắc xin này, các lứa tuổi lớn- 18 tuổi trở lên thử nghiệm trước, sau đấy là lứa tuổi 12-17, và sau đấy là 5-11.

Quá trình này được làm một cách hết sức thận trọng, bài bản qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Thứ ba là việc triển khai, tổ chức tiêm chủng của Việt Nam, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc cung ứng đến việc tiêm chủng.

Với chương trình tiêm chủng mở rộng, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm tiêm cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.

Cục trưởng Phan Trọng Lân nhấn mạnh, hiện nay Bộ Y tế đang thúc đẩy sớm nhất để có vắc xin. Hy vọng khi có vắc xin với kinh nghiệm tiêm chủng, các kế hoạch đã đưa ra thì chúng sẽ tiêm sớm nhất để làm thế nào có miễn dịch bảo vệ trẻ.

Khi F0 hết cách ly có thể thực hiện tiêm vắc xin Covid-19

Thông tin trên Báo Sức khoẻ và Đời sống, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV nhi TW, mắc Covid-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể và cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định.

"Theo các nghiên cứu cũng tương tự như sau tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, khoảng thời gian lưu trữ được kháng thể chống lại virus dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ là F0 đã khỏi từ 3 tháng trở ra, phụ huynh có thể đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bổ sung nồng độ kháng thể trong cơ thể của các cháu" - PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển: Trong giai đoạn hiện tại, hiệu quả của vắc xin phòng Covid được đánh giá là rất tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong.

Theo TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh: Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và hướng dẫn của Bộ Y tế, các trường hợp đã mắc Covid-19 hoặc nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, khi hết thời gian cách ly có thể thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Như chúng ta đã biết, một số trường hợp đã mắc Covid-19 có thể bị tái nhiễm do miễn dịch giảm hoặc do mắc chủng mới. Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 chú trọng giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong do bệnh. Vì vậy, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho những người đã từng mắc bệnh là cần thiết.

"Tuy nhiên, các gia đình có thể để cho trẻ có thời gian hồi phục sức khỏe sau khi mắc Covid-19 và có đáp ứng tốt với vắc xin"- TS Huyền nói.

Lưu ý khi theo dõi trẻ sau tiêm vắc xin Covid-19

1. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

2. Không nên uống các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

3. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

4. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

5. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngày 27/3, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng ngay từ tuần thứ 2 của tháng 4, ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vắc xin hoàn tất.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...