Anh ấy tỏ vẻ tần ngần, sau cùng nói thẳng, đại ý cảm ơn tôi có lòng, nhưng con anh không quen mặc mấy loại đồ này.
Tôi có phần bất ngờ, bởi bạn tôi thuộc tuýp người bình dân, vật dụng của bản thân cũng xuề xòa, càng không phải mẫu người đua đòi này nọ, hà cớ gì lại từ chối món quà tôi định tặng con anh? Anh mở máy tính cho tôi xem vài tấm hình của thằng con được vợ anh khoe trên mạng.
Ngay lập tức, tôi hiểu ra vấn đề khi nhìn cu cậu bảy tuổi “bảnh tỏn” từ trên xuống dưới, đúng điệu “con nhà…”. Áo thun ngoại nhập thuộc loại hàng hiệu dành cho trẻ con, quần jeans và giày thể thao, mắt kiếng sành điệu. Mấy món đồ chơi cầm trên tay cũng “đúng chuẩn”, theo nghĩa “thiên hạ đang chơi món gì thì con mình có món đó”…
Nở nụ cười khó xử, anh kể, vợ anh luôn muốn cho thằng nhóc “đu theo” các anh chị em họ bên phía gia đình cô ấy. Có người thân ở nước ngoài, kinh tế lại khá giả, nên họ có điều kiện sắm sửa, phục sức cho con theo ý mình. Anh cũng phải gắng gồng để con được bằng chị bằng em, nhất là cho vợ vui lòng, khỏi mặc cảm thua kém…
Mang câu chuyện này kể cho cô bạn thân, mẹ của hai con gái, cô ấy chẳng hề ngạc nhiên, còn bảo, đúng rồi, phải vậy chứ! Thời buổi này đã khác xưa nhiều lắm. Hồi ấy chúng ta nghèo khó, khổ sở, thiếu thốn, cái gì cũng không có, nên đành phải bấm bụng nhịn thèm. Giờ cuộc sống khá hơn, phải bù đắp cho con, đừng để nó lặp lại tuổi thơ khốn khổ của cha mẹ.
Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi cô ấy “tha” về nhà cây đàn piano xịn, thuê thầy dạy nhạc tận nhà để rèn năng khiếu nghệ thuật cho hai cô gái. Số tiền bỏ ra để luyện đàn có lẽ đủ cho một đứa trẻ khác sống khỏe. Tiếng Anh thì phải học ở trung tâm này, hội đồng kia mới đúng điệu. Cô ấy còn tập tành cho con lui tới những địa điểm sang trọng, quán ăn nổi tiếng, xem phim coi kịch… đủ cả.
“Săn” quần áo hàng hiệu cho con trở thành một khuynh hướng khá phổ biến với mong muốn làn da con trẻ không phải tiếp xúc với các loại vải thô ráp. Rồi dầu gội, sữa tắm, phấn thơm, kem đánh răng, bàn chải, bánh kẹo… Ngay cả một đứa trẻ sơ sinh giờ cũng được chăm sóc kỹ lưỡng bằng hàng hóa nước ngoài. Lon sữa công thức, bịch tã giấy ngoại nhập, hộp bột ăn dặm “theo chuẩn”.
Không thể phủ nhận, hàng ngoại nhập tuy giá cả có cao hơn, nhưng chất lượng yên tâm, mẫu mã đẹp, sang trọng. Thế nhưng, nhiều bậc bố mẹ vật vã làm lụng, thu nhập ở mức vừa phải, vẫn nhất định phải cho con hưởng các thứ vật chất kiểu ấy. Sợ con "khổ", cha mẹ cố gồng gánh thêm là tâm lý chung khá phổ biến.
Không dám so sánh với “hồi xưa chúng ta”, chỉ muốn nhắc rằng, cái gì quá cũng đều có mặt trái của nó. Trẻ được chiều chuộng bằng các tiện nghi vật chất hảo hạng dễ sinh tâm lý hưởng thụ. Đến lúc không thể cung phụng cho con theo chuẩn “sang chảnh” ấy nữa, sẽ thế nào?
Nhiều cô bé, cậu bé chỉ vài tuổi đã biết phân biệt đồ đẹp, xấu và rất thích mặc quần áo đẹp. Cha mẹ lại tấm tắc khen con “khôn sớm”, biết phân biệt hàng xịn để đòi hỏi. Bây giờ là thời của… sang chảnh, nên phải mở hầu bao mà tậu hàng hiệu cho con, “lên đồ” để trẻ thật giống như “ngôi sao” hay hot boy, hot girl là mốt thời thượng của nhiều bậc cha mẹ có tiền, sành điệu…
Trên các trang mạng xã hội, nhiều ông bố bà mẹ đua nhau khoe con. Người có điều kiện kinh tế, muốn chứng tỏ mình. Người ở mức “thường thường bậc trung” cũng cố thể hiện. “Cuộc chiến” trang bị, sắm sửa cho con, chưa hẳn hoàn toàn là vì con, mà còn do muốn thể hiện “bản lĩnh” của cha mẹ.