Mô hình giáo dục tích cực
Trước thực tế nhiều trẻ em ở thành phố cả năm học chỉ quẩn quanh với việc học hành mà thiếu đi những kỹ năng cơ bản nên nhiều tổ chức và đoàn thể trong xã hội đã xây dựng những mô hình sinh hoạt bổ ích này. Chị Trần Thu Nga (Cầu Giấy , Hà Nội) tâm sự: Mặc dù nhà chỉ có một cậu con trai lên 12 tuổi nhưng hè này chị quyết tâm cho con tham gia Học kỳ quân đội do Đoàn thanh niên tổ chức. Ở nhà do có người giúp việc nên hầu như cháu không phải động chân động tay một việc gì. Trước đây chị cũng nghĩ đơn giản là khi lớn cháu tự sẽ biết làm…
Tuy nhiên, trong một dịp gần đây khi cho con tham gia buổi dã ngoại cùng con cái đồng nghiệp ở cơ quan chị mới thấy cần phải thay đổi về cách dạy con. Trong khi con chị luôn sợ bẩn quần áo, lúng túng khi tham gia những trò chơi cần sự nhanh trí, sức khỏe và các kỹ năng thao tác thì con cô đồng nghiệp của chị lại rất hồ hởi và thành thục trong bất cứ việc gì. Mặc dù cậu bé đó còn kém con chị tới 3 tuổi. Đến lúc chuẩn bị vào bữa ăn ngoài trời cậu bé ấy lại còn rất nhanh nhẹn phụ giúp các cô chú sắp xếp đồ ăn và giúp những em bé hơn ngồi vào đúng vị trí khiến mọi người cứ tấm tắc khen. Sau một hồi tâm sự với cô bạn đồng nghiệp, chị được biết: Hai năm gần đây, hè nào con trai cô ấy cũng được mẹ cho tham gia một trại hè giáo dục kỹ năng sống. Chính vì thế chị cũng muốn con trai mình được thử nghiệm với cách học tập trải nghiệm thực tế này.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Lai, Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng xã hội - Học viện Thanh Thiếu niên cho biết: Trong học kỳ quân đội năm nay trung tâm tập trung vào các nội dung: Phát triển tư duy sáng tạo, ý chí mạnh mẽ dũng cảm, kỹ năng sống mạnh mẽ và những giá trị sống của gia đình. Sau khoá học, chúng tôi hy vọng các con sẽ học tập được ba điều: Một là các con nhận ra được những giá trị quan trọng nhất đó là tấm lòng của cha mẹ. Các con cần tôn trọng lễ phép với ông bà, cha mẹ và những người nuôi dưỡng mình. Hai là ý chí dũng cảm, tinh thần mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với bản thân. Ba là các con không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng làm và làm một cách thực sự, thường xuyên những công việc của gia đình.
Cần sự đồng hành của phụ huynh
Nhiều trẻ mặc dù được bố mẹ đầu tư một khoản tiền không nhỏ khi cho tham gia vào khóa học kỹ năng sống nhưng kết quả thu lại cũng không như ước muốn. Một số phụ huynh lại nhìn nhận về khóa học như một “chiếc đũa thần” có khả năng biến hóa những đứa trẻ sau một khóa học sẽ thay đổi hoàn toàn về tâm tính cũng như ý thức trong học tập và công việc gia đình, nhưng điều này còn do nhiều yếu tố. Có những trẻ sau khi đi học có sự thay đổi tích cực thời gian đầu nhưng về nhà do có những người xung quanh làm hộ nên sự ỷ lại sau đó là đương nhiên.
Châm ngôn: “Gieo suy nghĩ gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận” có lẽ rất đáng để các phụ huynh lưu tâm. Bởi tính cách của một con người cần phải được rèn luyện liên tục và trong thời gian lâu dài chứ không thể chỉ nhờ một khóa học. Trong quá trình giáo dục trẻ, gia đình vẫn là môi trường quan trọng nhất đóng vai trò quyết định, còn nhà trường và xã hội chỉ là nhân tố hỗ trợ hoặc tạo đà bước đầu.