Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc

GD&TĐ - Cha mẹ luôn dành cho con tình yêu thương vô điều kiện. Tuy nhiên, thương yêu như thế nào cho đúng và giúp con từng ngày lớn khôn lại là một nghệ thuật. Bởi vậy, mỗi phụ huynh cũng cần học cách trao yêu thương cho con.

Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc

Quan sát trẻ, nhận ra nhược điểm của mình

Chị Mai Hà, khu tập thể Định Công (Hà Nội) chia sẻ: Hàng ngày đưa con đến trường, chị thường có thói quen thích quan sát bọn trẻ khi giao tiếp với nhau. Chị nhận thấy trong nhóm bạn của con có một bạn trai tên Dũng khá đặc biệt. Trong khi các bạn chơi đùa Dũng luôn quan tâm và thích giúp đỡ các bạn. Lúc thì chạy ra đỡ một bạn nữ bị ngã đứng dậy, khi thì nhắc nhở một bạn nam khác dừng những trò chơi có thể gây nguy hiểm tới mình và những người xung quanh. Rõ ràng cậu bé đã được dạy dỗ rất chu đáo và cẩn thận.

Hôm nay, khi cả nhóm đang chơi trò đá cầu rất vui, bỗng dưng chị Mai Hà thấy con gái mình mếu máo khóc. Đang định đứng dậy hỏi xem có chuyện gì, thì cậu bé đã dẫn con gái chị lại và an ủi bạn: “Không sao đâu mới tuột một bên dép thì có sao đâu nào, chắc mẹ cậu không mắng đâu!”. Nghe bạn nói vậy con gái chị ngừng khóc, nhưng vẫn lấm lét nhìn mẹ… Rõ ràng một tình huống rất đơn giản nhưng con gái chị lại lo lắng và sợ sệt quá thái. Ngẫm lại cũng tại chị chưa phải là một bà mẹ tâm lý.

Ở nhà mỗi khi con mắc lỗi, chị thường cao giọng, tra hỏi căn vặn con bé. Có lẽ vì thế mà nó càng sợ nên hay giấu giếm lỗi lầm với người lớn. Nếu so sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa, con chị có vẻ ít nói và thiếu tự tin hơn. Nhiều chuyện chị lại là người sau cùng biết được sự cố. Vì thế, chị rất muốn con gái mở lòng với mình hơn. Chị biết nhiều khi do áp lực công việc khiến chị căng thẳng và đôi khi hay trút nỗi bực dọc lên con gái, dù nó chỉ chưa cẩn thận và làm sai một điều gì đó. Nhìn cách một cậu bé có cách ứng xử rất người lớn, chị biết mình phải thay đổi trong cách giáo dục con.

Cởi mở yêu thương sẽ giúp trẻ tự tin

Nhiều người quan niệm chỉ cần chăm sóc trang bị cho con đầy đủ về vật chất, nhưng mọi đứa trẻ còn cần được nuôi dưỡng về tinh thần. Trẻ được nuôi dưỡng về tinh thần là phải được lắng nghe và thấu hiểu. Tuy nhiên, không phải bất cứ yêu cầu nào của con cha mẹ cũng đáp ứng. Có những đòi hỏi của trẻ, phụ huynh phải kiên quyết không thỏa hiệp, nếu thấy điều đó không thật cần thiết và chỉ phục vụ sự ích kỷ của con. Điều cha mẹ cần phải làm là để con thấy được tình thương của những người trong gia đình giành cho nhau. Cha mẹ cần tạo môi trường thuận lợi để con biết học cách yêu thương và chia sẻ sự quan tâm của mình tới những người xung quanh.

Những lúc trẻ sống trong hoàn cảnh bớt tiện nghi hơn, thậm chí cần cho trẻ chứng kiến những cảnh ngộ khó khăn của người khác sẽ giúp chúng có trải nghiệm và hiểu đầy đủ hơn về cuộc sống. Khi được chứng kiến, thậm chí ở cùng cảnh ngộ, đứa trẻ sẽ dễ dàng đồng cảm với mọi người. Mọi tính cách đều được hình thành từ sự rèn giũa và thói quen lặp lại trong một khoảng thời gian tương đối dài. Vì vậy, muốn con thay đổi và hình thành một thói quen tốt, phụ huynh phải có sự kiên nhẫn trong giáo dục. Giáo dục tình yêu thương, lòng nhân ái cũng thế. Trẻ sẽ học điều này từ cách quan sát người lớn ứng xử với người thân, đồng nghiệp hay những người xung quanh.

Chuyên gia Tâm lý Mai Diễm Thúy (TPHCM), người truyền cảm hứng cho các bậc phụ huynh đã đưa ra lời khuyên: Khi một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ biết cách yêu thương, quan tâm, chấp nhận, ủng hộ, không phán xét, so sánh con mình với con người khác thì đứa trẻ sẽ cảm thấy được an toàn, ổn định phát triển theo chiều hướng tốt. Hơn nữa, tình cảm của cha mẹ sẽ dần dần trở thành thước đo về nhân cách, thái độ sống của con sau này. Khi chúng ta soi gương chúng ta thấy ai? Đó là chúng ta sẽ thấy chính mình. 

“Chúng ta muốn con giống ai thì hãy trở thành một tấm gương để con soi vào. Vì vậy người lớn cũng phải học cách yêu thương, cùng sửa đổi bản thân để con được sống trong một gia đình hạnh phúc và đủ đầy. Vì sự phát triển của con cái, chúng ta sẵn sàng thay đổi để con có một môi trường sống tốt hơn, tích cực hơn”. Chuyên gia Mai Diễm Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ