“Sợ ăn hơn sợ cọp”
Đến giúp con gái trông cháu mấy ngày vì con có việc đột xuất phải đi công tác, bác Thu Hòa (ngõ 44 – Hào Nam - Hà Nội) giật mình với tờ thực đơn và lịch sinh hoạt trong ngày mà chị Hường giao cho người giúp việc thực hiện. Từ sáng đến chiều chị giúp việc quay mòng mòng xoay quanh thằng bé 11 tháng tuổi với các bữa ăn sít sịt thời gian. Từ uống sữa, ăn cháo, ăn trái cây đến ăn sữa chua, váng sữa, rồi lại ăn cháo…
Hai ngày ở cùng chị giúp việc của con gái trông nom cháu ngoại mà bà Hòa phát mệt vì cách nuôi con kiểu nhồi nhét mà con gái cứ khăng khăng là rất khoa học, giờ nào việc nấy, rèn thói quen tốt cho con. Tốt đâu chưa thấy, nhưng cái cảnh thằng bé nôn trớ suốt sau khi ăn uống vì không thể tiêu hóa hết các loại thức ăn, dưỡng chất khiến bà Hòa xót xa…
Ăn đã vậy, lịch chơi, lịch xem tranh, nghe nhạc của thằng cu cũng đều phải “theo giờ”. Chị giúp việc suốt ngày luôn chân luôn tay mới kịp. Nhìn thái độ không bằng lòng của bà Hòa sau khi cháu vừa nôn sữa mới nghỉ một lát đã lại phải “ăn bù”, chị giúp việc thanh minh: “Cháu cũng mấy lần góp ý nhưng cô ấy không nghe, bà à. Cháu vì đồng lương phải thực hiện đúng thỏa thuận thôi chứ những lúc nhìn thằng bé sợ ăn cháu cũng thấy xót quá...”.
Rất nhiều bà mẹ trẻ đang chọn cách nuôi con kiểu nhồi nhét như chị Hường vì sợ con thấp bé, còi cọc. Họ đầu tư chăm lo cho bữa ăn của con rất kỹ lưỡng và không chỉ cầu kỳ trong thực đơn mà các mẹ còn tận tụy trong cả việc thúc ép con ăn. Nhìn nồi cháo xay thập cẩm đủ các loại rau củ quả, tôm thịt mà một đứa trẻ phải ăn trong ngày nhiều người gọi đùa là “cám lợn cao cấp”. Bữa ăn đối với nhiều trẻ không phải là sự trải nghiệm sự ngon, lạ miệng nữa mà như là bị hành xác, lâu dần mắc chứng bệnh tâm lý là bệnh sợ ăn.
Trẻ lười ăn, càng tránh ép buộc
Những chiêu trò của các mẹ sử dụng để kích thích con ăn không những khiến đứa trẻ sợ, chạy trốn và còn có nguy cơ bị sặc lúc không tập trung nhai nuốt rất nguy hiểm.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia đã khuyên các bà mẹ tại Hội thảo “Giúp trẻ suy dinh dưỡng thoát thấp còi”: Con lười ăn mẹ nên nhẹ nhàng động viên, kể những câu chuyện vui hoặc bỏ thời gian chế biến, trang trí món ăn có màu sắc, hình khối bắt mắt tạo hương vị hấp dẫn để trẻ hứng thú, tự giác ăn. Việc đánh mắng, quát dọa hoặc cố ép buộc trẻ ăn thì lại thành “hơn chẳng bõ hao”. Các mẹ chớ nhầm lẫn giữa cân nặng và sức khỏe. To và béo không đồng nghĩa với khỏe. Đừng nuôi con kiểu nhồi nhét mà đánh mất đi cảm giác đói, no tự nhiên của con.
Trẻ lười ăn cũng còn do thời tiết, nhất là trong mùa hè nắng nóng khiến thể trạng khó chịu thêm. Mẹ có thể chia nhỏ thành nhiều bữa để con dễ hấp thụ dinh dưỡng và kết thúc bữa ăn hợp lý, không bị kéo dài và đồ ăn đã vữa nguội còn gây rối loạn tiêu hóa. Cha mẹ cũng không nên chiều chuộng cho trẻ ăn nhiều thứ đồ ngọt như kẹo, kem, nước ngọt, hoa quả có hàm lượng đường cao. Chế độ ăn này dễ làm tăng lượng đường trong máu, gây chứng nóng trong giảm đề kháng, trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, mọc rôm sảy mụn nhọt. Khi hình thành thói quen xấu trẻ còn phải đối mặt với nguy cơ suy giảm các chức năng gan, thận, bị thừa cân, suy dinh dưỡng thể bụ bẫm, rối loạn chuyển hóa…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì khẩu phần ăn của trẻ em hiện nay từ (từ 2 đến 5 tuổi) tuy đã đáp ứng được hơn 90% nhu cầu năng lượng, nhưng thực đơn dành cho trẻ hàng ngày vẫn đơn điệu, nghèo nàn và chỉ mới đáp ứng được 57% lượng sắt và 65% lượng vitamin A. Các bà mẹ cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao để bổ sung các loại vitamin, sắt và kẽm cho quá trình phát triển thể lực của trẻ. Kẽm đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, giúp trẻ tăng chiều cao, ham ăn, tăng sức đề kháng.