Trao truyền giá trị văn hóa cho học sinh

GD&TĐ - Những nét văn hóa đặc sắc được các nhà trường lồng ghép trong chương trình Tết cho học sinh như một hình thức trao truyền giá trị truyền thống.

Thi viết câu đối trong chương trình tết tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: Nam Phong
Thi viết câu đối trong chương trình tết tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: Nam Phong

Trân trọng bản sắc dân tộc

Trước khi học sinh chính thức nghỉ tết, Trường THCS Thạch Giám (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã tổ chức chương trình tết sum vầy cho tất cả học sinh tham gia. Ngày tết năm nay ở ngôi trường vùng cao xứ Nghệ có nhiều hoạt động đặc sắc và mang rõ dấu ấn văn hóa truyền thống các cộng đồng dân tộc. Đó là gói bánh chưng, bánh tét; trang trí mâm cỗ theo phong tục của người Thái, người Khơ mú…; múa lăm vông, nhảy sạp, thi trình diễn trang phục dân tộc.

Cô Mạc Thị Thảo - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Thạch Giám cho biết, học sinh của trường chiếm đa số là người dân tộc Thái. So với các trường học khác trên địa bàn huyện, Thạch Giám là khu vực thị trấn, có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của kinh tế xã hội thì nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một, cần phải quan tâm gìn giữ và phát huy kịp thời.

truong-hoc-giao-duc-tet-truyen-thong.jpg
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An nhảy sạp trong chương trình tết ở trường học. Ảnh: Hồ Lài

Chương trình tết chính là dịp mà nhà trường mong muốn giúp học sinh hiểu được văn hóa truyền thống của dân tộc rất đẹp, độc đáo. Ví dụ tại sao bánh chưng lại vuông, bánh dày lại tròn? hoa văn trên trang phục có ý nghĩa gì? điệu khắc luống gắn với nghề trồng lúa… Đó là những giá trị mà cha ông đi trước đã sáng tạo trong lao động, sản xuất và truyền lại cho thế hệ sau.

Các hoạt động trong chương trình tết cũng giúp học sinh vui vẻ, phấn khởi và là cơ hội để các em học hỏi và phát triển. Qua đó, giúp các em học sinh thêm yêu trường, yêu lớp, học sinh đoàn kết, sáng tạo.

Đối với các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, chương trình ngày tết quê em và bữa cơm tất niên dành cho toàn thể học sinh, giáo viên đã trở thành hoạt động thường niên, được toàn thể học sinh, giáo viên mong chờ. Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là ngôi trường đặc thù của huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An với 100% học sinh đều là người Mông.

Thầy Lô Khăm Phu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, người Mông rất có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Cho đến nay, những nét văn hóa độc đáo vẫn được duy trì trong cuộc sống, từ tiếng nói, trang phục, nhạc cụ, và các tập tục, tín ngưỡng. Vì vậy, trường bán trú, nơi giữ học sinh ở trường sinh hoạt để thuận lợi cho học tập cũng phải tôn trọng văn hóa của các em, có những hoạt động giáo dục tạo cơ hội để học sinh thể hiện, phát huy bản sắc dân tộc mình. Bên cạnh đó, tuyên truyền phòng chống những phong tục đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, ảnh hưởng đến học tập, sức khỏe học sinh như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Ngày tết ở trường, các em mặc trang phục truyền thống rực rỡ, trang trí gian hàng với sản vật đặc trưng như cành đào, cành mận, tham gia gói bánh chưng, bánh tét và bánh gạo nếp truyền thống của người Mông… Cùng với chương trình tết, nhà trường khéo léo lồng ghép dặn dò học sinh khi về tết không tham gia tệ nạn xã hội, sử dụng pháo nổ, tuân thủ pháp luật và trở lại đi học sau tết theo đúng lịch.

Giữ nét đẹp truyền thống trong giáo dục hiện đại

Hoạt động thu hút sự quan tâm đặc biệt trong ngày tết tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) không phải là chương trình văn nghệ hay thể thao sôi nổi, mà là cuộc thi viết câu đối. Cuộc thi có sự tham gia của cả giáo viên, học sinh với nhiều câu đối ý nghĩa về mùa xuân, về quê hương, đất nước và truyền thống hiếu học của xứ Nghệ, của học trò trường Phan. Để thuyết phục ban giám khảo cũng như khán giả, các lớp còn chuẩn bị rất kỹ về giấy viết câu đối, màu sắc, trang trí và chọn kiểu viết thư pháp.

Còn tại Trường Tiểu học Hưng Bình, chương trình Xuân ấm áp - tết yêu thương được tổ chức trong 2 ngày với chuỗi hoạt động vừa chơi vừa học phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các em học sinh cùng phụ huynh tham gia trang trí cây mai, cây đào, gói bánh chưng, gala văn nghệ đốt lửa trại. Giáo viên và học sinh lớp 1, 2, 3 sẽ phụ trách gian trưng bày Ngày hội Stem với chủ đề chào Xuân. Còn khối 4, 5 được nhà trường tổ chức ngày hội Tiếng Anh với chủ đề “Ngày tết quê em”. Bên cạnh đó còn có phiên chợ ẩm thực với nhiều món ăn do giáo viên, học sinh và phụ huynh các lớp cùng chuẩn bị. Ngoài việc khám phá và thưởng thức các món ăn truyền thống, một phần lợi nhuận từ các gian hàng sẽ được quyên góp để hỗ trợ các học sinh khó khăn trong nhà trường.

truong-hoc-giao-duc-tet-truyen-thong-2.jpg
Không gian tết truyền thống được tái hiện trong lớp học tại Trường Tiểu học Hưng Bình (thành phố Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Cô Nghiêm Thị Mai Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình, cho biết: Chúng tôi lồng ghép giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh bằng hoạt động cụ thể, trực quan nhất để học sinh hào hứng và dễ tiếp thu. Điều bất ngờ là trong ngày hội STEM hay giao lưu tiếng Anh, học sinh đều giới thiệu được những nét đặc trưng của tết cổ truyền và cảm xúc vui mừng, háo hức đón chào đón ngày lễ đặc biệt của dân tộc.

Cùng với đó, nhà trường đặt mục tiêu vận động được 20 triệu đồng từ các gian hàng để tặng quà Tết cho các học sinh khó khăn. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng tôi tin những chiếc áo ấm, những món quà xinh sẽ đem đến niềm vui cho học trò, để các em có một cái tết thật nhiều ý nghĩa. Đồng thời cũng góp phần giáo dục tinh thần tương thân, tương ái cho học sinh.

Trước đó, trong chuyến thăm và chúc tết các trường học trên địa bàn, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển quê hương, đất nước. Ngành giáo dục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá xứ Nghệ cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vừa hiện đại hoá những giá trị văn hoá Việt Nam. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng mong muốn các nhà trường, giáo viên, học sinh tích cực trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng đồng thời “quốc tế hoá” những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam và quê hương ra quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ