Trao “quyền” tự chủ để phát huy sáng tạo

GD&TĐ - Trao quyền tự chủ cho giáo viên trong quá trình triển khai Chương trình (CT) GDPT 2018 và đặc biệt dạy học theo hình thức trực tuyến là đòi hỏi tất yếu, tiền đề quan trọng để thầy cô linh hoạt, sáng tạo...

Triển khai CT GDPT 2018 hiệu quả đòi hỏi giáo viên không ngừng linh hoạt, sáng tạo. Ảnh: NTCC
Triển khai CT GDPT 2018 hiệu quả đòi hỏi giáo viên không ngừng linh hoạt, sáng tạo. Ảnh: NTCC

Giáo viên được chủ động

Cô Phạm Thị Khánh Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Lào Cai, Lào Cai) - cho biết: Trao quyền tự chủ cho giáo viên trong quá trình triển khai CT GDPT mới tại nhà trường được thể hiện trên nhiều phương diện.

Trước hết, khi xây dựng kế hoạch giáo dục năm học (dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT), giáo viên có thể điều chỉnh cho phù hợp với học sinh trên lớp. Giáo viên cũng có thể dạy kĩ hơn ở nội dung này, cắt giảm ở nội dung khác, hoặc thay đổi nội dung trong các tiết học…

Cùng đó, trong khâu chọn sách giáo khoa (SGK), giáo viên được tham gia và đã chọn các đầu sách ở bộ sách khác nhau. Đặc biệt, trao quyền tự chủ cho giáo viên còn được thể hiện qua việc, dù chọn ra 1 bộ SGK để giảng dạy chung nhưng thầy cô vẫn có thể tham khảo thêm các bộ sách khác, lựa chọn ngữ liệu thích hợp để đưa vào tiết dạy.

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), khi dạy học chuyển sang hình thức trực tuyến, ban giám hiệu khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên phát huy tự chủ, nâng cao chất lượng dạy học.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi: Nội dung nào không cần thiết, giáo viên có thể chủ động lược bỏ dựa theo đặc điểm, trình độ của học sinh lớp đó sao cho trọng tâm và dễ hiểu nhất. Giáo viên có quyền đưa vào hình ảnh, video, âm nhạc, ngữ liệu ngoài SGK… khi soạn giáo án trực tuyến để bài giảng sinh động, cuốn hút nhất.

Mặt khác, giáo viên cũng có thể loại bỏ những vấn đề mang tính hình thức, nội dung khó thực hiện được thể hiện trong SGK khi dạy học qua phần mềm Room (thí nghiệm theo nhóm; cầm tay tô viết, trải nghiệm thực tế…).

Theo cô Ngọc, được trao quyền tự chủ, giáo viên đã phát huy được sự sáng tạo, linh hoạt để tạo ra tiết học trực tuyến hiệu quả. Phụ huynh ngày càng yên tâm với hiệu quả dạy học trực tuyến của trường.

Cho rằng khi được trao quyền tự chủ giáo viên sẽ chủ động tổ chức dạy học phù hợp với học sinh. Dù bài dạy dài, dạy buổi sáng chưa hết giáo viên có thể dạy tiếp vào buổi chiều. Cũng có thể linh hoạt thay thế những ngữ liệu trong SGK nếu thấy chưa phù hợp với học sinh mỗi vùng, miền bằng ngữ liệu gần gũi, thân thuộc hơn giúp trò dễ hình dung và tiếp nhận bài giảng.

Chia sẻ điều này, cô Trần Nguyễn Phương Linh – giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) - khẳng định: “Tôi và đồng nghiệp còn có thể phát huy sự sáng tạo khi xây dựng giáo án điện tử, đưa hoạt hình, bài kể chuyện vào bài giảng để học sinh thêm hứng thú học tập, ghi nhớ nội dung. Có thể tăng cường hoạt động trải nghiệm trong điều kiện cho phép giúp học sinh được nói, làm và thể hiện năng lực. Sự chủ động, sáng tạo của giáo viên giúp học sinh dễ dàng lĩnh hội kiến thức”.

Trao quyền tự chủ trong quá trình dạy học trực tuyến giúp giáo viên thêm chủ động, sáng tạo trong bài giảng. Ảnh: NTCC
Trao quyền tự chủ trong quá trình dạy học trực tuyến giúp giáo viên thêm chủ động, sáng tạo trong bài giảng. Ảnh: NTCC

Để tự chủ đúng mục đích, yêu cầu

Cô Phạm Thị Khánh Hường bày tỏ quan điểm: Giao quyền tự chủ cho giáo viên cần đi liền với việc kiểm soát, định hướng của ban giám hiệu sao cho những sáng tạo nằm trong “ngưỡng”, phù hợp với mục đích đặt ra của chương trình. Giáo viên phải cân đối được sự sáng tạo với yêu cầu đặt ra mới phát huy hiệu quả giáo dục.

Trường THCS Lê Quý Đôn kiểm soát “hậu” trao quyền tự chủ cho giáo viên theo cách: Kế hoạch giáo dục giáo viên đề xuất triển khai được tổ chuyên môn và ban giám hiệu cùng trao đổi, thống nhất. Mặt khác, trước khi thực hiện, nhà trường có thể tổ chức hội thảo để giáo viên cùng rà soát, thống nhất nội dung…

Khẳng định “hậu kiểm” là cần thiết, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc nêu quan điểm: Kiểm soát những “sản phẩm” chuyên môn của giáo viên khi được giao quyền tự chủ cần thiết như việc giao quyền tự chủ. Kiểm soát ở đây không phải để gây khó khăn hay phủ nhận, triệt tiêu sáng tạo của giáo viên. Mục đích chính nhằm điều chỉnh những sáng tạo chưa phù hợp, nâng cao hiệu quả dạy học.

Ban giám hiệu trường đã yêu cầu giáo viên đưa các nội dung, chương giảm tải, bài soạn giáo án sẽ giảng dạy vào nội dung sinh hoạt chuyên môn trước 1 tuần để ban giám hiệu, tổ chuyên môn trao đổi, thống nhất và giám sát thực hiện. Nội dung nào chưa phù hợp, học sinh khó tiếp nhận, ban giám hiệu  sẽ cùng giáo viên điều chỉnh, thay thế để bài giảng đạt chất lượng cao nhất.

Trao đổi về vấn đề trao quyền tự chủ cho giáo viên trong triển khai CT GDPT 2018 và dạy học trực tuyến, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) - cho rằng: CT GDPT 2018 đã giao quyền tự chủ, giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh thời lượng các bài học miễn sao bảo đảm số tiết trong năm học đúng theo quy định.

Việc phân bổ từng bài bao nhiêu tiết của nhóm tác giả SGK cũng chỉ là gợi ý, giáo viên có quyền điều chỉnh tăng giảm thời lượng theo thực tế giảng dạy. Thậm chí với ngữ liệu bài học cũng có thể thay thế miễn sao phù hợp với học sinh.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đồng thời lưu ý nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên: Khi phát huy quyền chủ động phải đáp ứng yêu cầu chung của chương trình cũng như mục đích giáo dục chứ không tùy tiện. Mọi thay đổi phải được thống nhất trong trường, tổ chuyên môn tránh thực hiện đơn lẻ. Thiếu thống nhất, trao đổi thì tự chủ, sáng tạo có thể dẫn đến chủ quan, duy ý chí.

Trao quyền tự chủ cho giáo viên khi triển khai CT GDPT mới và đặc biệt dạy học trực tuyến rất cần thiết để phát huy sự sáng tạo, linh hoạt của mỗi thầy cô giáo. Nếu máy móc theo đúng tiến độ sẽ khó triển khai CT GDPT mới hiệu quả; tăng áp lực cho cả thầy và trò… Và muốn tự chủ linh hoạt, sáng tạo, giáo viên phải hiểu đúng chương trình. Hiểu sai, sự sáng tạo sẽ “chệch” hướng và có hại. Để phát huy quyền tự chủ hiệu quả, các nhà trường cần tổ chức hội thảo chuyên môn để giáo viên nghiên cứu kĩ cấu trúc chương trình, hiểu đúng ý tưởng, yêu cầu của SGK mới… - PGS.TS Bùi Mạnh Hùng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

Đàn bà cô đơn nhất khi nào?

GD&TĐ - Không phải khi độc thân, cũng chẳng phải lúc thất tình… Phụ nữ cô đơn nhất chính là khi ở trong một mái nhà mà không tìm được cảm giác ấm áp.