Đa dạng hình thức dạy học
Là cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán, cô Nguyễn Thị Minh Thịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Phú Thọ, nhận xét: Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, ngoài sách giáo khoa, các thầy cô sử dụng phần mềm, sách mềm, video… nhằm khơi gợi hứng thú cho học sinh và giảm gánh nặng cho giáo viên. Thông thường, nhà trường xây dựng một ngày học với nhiều nhất là bảy tiết. Mỗi tiết không quá 40 phút.
Trong các tiết dạy bài mới, thầy cô sẽ gợi mở nội dung, vấn đề để học sinh tự phát hiện. Sau đó, các em sẽ thảo luận theo nhóm để đưa ra ý kiến. Cuối cùng, giáo viên chốt lại nội dung cho học sinh thực hiện. Yếu tố sáng tạo sẽ được vận dụng khác nhau theo từng học sinh hoặc nhóm học sinh.
Cô Thịnh cho biết: Các tiết ôn tập hoặc luyện tập là thời gian để học sinh thực hành nhiều hơn. Trong những tiết này, thầy cô khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, cách thực hiện, làm sáng tạo dưới sự hỗ trợ, gợi mở và định hướng của giáo viên. Mục tiêu chung là giúp các em hiểu rõ bài học. Đến thời điểm này, học sinh cơ bản thành thạo các kỹ năng đọc, viết, tính toán, kỹ năng rèn luyện bản thân như tự lập, tự tin, tự giao tiếp.
Là giáo viên dạy lớp 1A1 tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cô Nguyễn Thị Thanh đã tham gia tập huấn Chương trình GDPT mới. Cô Thanh cho biết: Nhà trường đã tạo điều kiện để giáo viên hoàn thành 3 mô-đun về “Tìm hiểu Chương trình GDPT 2018”; “Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”; “Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”. Giáo viên được chuẩn bị kỹ về chuyên môn, nghiên cứu, tìm hiểu nội dung chương trình, sách giáo khoa mới. Giáo viên cũng được tập huấn và chuẩn bị tâm thế vững vàng để bắt tay vào chương trình mới.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường thiết lập nhóm Zalo cho tất cả thầy cô tham gia dạy lớp 1 để chia sẻ kinh nghiệp và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình dạy học. Giáo viên cũng tổ chức nhóm Zalo cha mẹ học sinh của lớp để lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc, đồng thời hướng dẫn cha mẹ học sinh đồng hành với con trong quá trình học tập theo chương trình mới.
Cô Thanh nhận xét: Thầy cô đã linh hoạt trong sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu khác để hoàn thành hoạt động của bài học một cách hiệu quả nhất. Giáo viên tận dụng triệt để các thiết bị dạy học, học liệu (sách giáo khoa, bài giảng điện tử, sách điện tử…) để tạo hứng thú, góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh. Cách thức tổ chức hoạt động trên lớp cũng linh hoạt và nhẹ nhàng hơn, đan xen hoạt động vui chơi, trải nghiệm nên không tạo quá nhiều áp lực cho học sinh.
“Sau kiểm tra, đánh giá học sinh cuối năm học 2020 - 2021, mặt bằng chất lượng học sinh lớp 1 năm nay của nhà trường nâng lên đáng kể so với những năm trước. Các em đọc to hơn, tự tin hơn trong bài luyện nói. Các năng lực, phẩm chất khác theo yêu cầu của chương trình lớp 1 đều đạt ở mức cao”, cô Thanh cho biết.
Linh hoạt trong từng giờ học
Sau khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường, tỉnh Hưng Yên, đánh giá Chương trình GDPT 2018 trao cho giáo viên quyền tự chủ sắp xếp nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Các thầy cô cũng chủ động trong việc chọn ngữ liệu dạy học cho phù hợp với HS, vận dụng các hình thức và nhiều phương pháp dạy học khác nhau.
Từ thực tế dạy học của nhà trường, thầy cô đã trao cơ hội học cho trẻ nhỏ qua nhiều phương pháp gồm đặt vấn đề và giải quyết vấn đề; hoạt động nhóm, tự tìm hiểu và trao đổi nội dung bài học với bạn bè, thầy cô; đóng vai; thuyết trình, hỏi đáp; trò chơi. Dù áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp, mục tiêu chung thầy cô nhà trường hướng đến là phát triển các năng lực cốt lõi cho học sinh lớp 1. Trong đó, năng lực chung gồm tự chủ, tự học, tự giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù gồm ngôn ngữ, tính toán, thẩm mĩ, thể chất…
Thầy Phan Văn Tầm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, thông tin: Để phát triển năng lực cá nhân cho học sinh lớp 1, thầy cô, nhà trường đã vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực nhờ tự bồi dưỡng trên Hệ thống trực tuyến (LMS), khai thác triệt để kiến thức, đồng thời phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh tại địa phương.
Trong các môn học cụ thể, giáo viên sẽ chủ động sử dụng phương pháp đặc thù. Ví dụ, ở giai đoạn học kỳ I, môn tiếng Việt sử dụng phương pháp rèn theo mẫu trong khi sang học kỳ II là kỹ thuật dạy đọc tích cực. Đặc biệt, thầy cô giáo đã định hướng cho học sinh phương pháp tự học, tự khám phá tri thức dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của người học.