Nghề nuôi chó ngao Tây Tạng từng có thời kỳ phát triển cực thịnh ở Trung Quốc. Khi đó, giá mỗi con thần khuyển này lên tới 200.000 USD. Giống chó mặt xệ sở hữu lớp lông và bờm dày như sư tử trở thành biểu tượng của giới siêu giàu Trung Quốc. Nhưng đó là câu chuyện của hai năm trước.
Hồi đầu năm, người ta tìm thấy hơn 20 con chó ngao Tây Tạng bị nhồi nhét cùng khoảng 150 con chó khác tại một trang trại tồi tàn. Nếu không vì một lệnh cấm do các nhà hoạt động vì quyền động vật ở Bắc Kinh ban hành thì có lẽ cuộc đời chúng đã kết thúc tại một lò mổ ở phía đông bắc Trung Quốc với giá chỉ 5 USD mỗi con, theo New York Times.
Sức mua đối với các mặt hàng xa xỉ của Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng vì áp lực từ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Số phận của những con chó ngao Tây Tạng, giống chó chăn gia súc hung dữ nhất nhì thế giới, có nguồn gốc từ cao nguyên Himalaya, từng là "trang sức" không thể thiếu của các đại gia Trung Quốc, cũng không nằm ngoài guồng quay đó.
Năm 2011, một con chó ngao Tây Tạng thuần chủng với màu lông đỏ rực được bán với giá kỷ lục 1,6 triệu USD. Nhiều người mua lúc đó nói sẵn sàng chi đến 250.000 USD để sở hữu một con chó ngao Tây Tạng có dáng chuẩn.
Nổi tiếng vì sự dũng mãnh và thừa hưởng ý chí của những người du mục Tây Tạng, chó ngao khiến chủ nhân hãnh diện bởi mức độ quý giá cũng như phong thái khó có thể tìm thấy ở một giống vật nuôi thông thường, bà Liz Flora, Tổng biên tập tờ Jing Daily, tạp chí chuyên nghiên cứu về thị trường xa xỉ phẩm ở Trung Quốc cho hay. "Người tiêu dùng Trung Quốc thường không ngần ngại chi trả khoản tiền lớn cho bất cứ thứ gì liên quan đến xứ Tây Tạng huyền bí".
Dân du mục Tây Tạng từ lâu sử dụng chó ngao để canh gác vào ban đêm, chống lại kẻ trộm gia súc và chó sói. Là một loài chó hoang dã được thuần hóa, với tiếng sủa lớn, ngao Tây Tạng có khả năng thích nghi cao với cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông và điều kiện không khí loãng ở vùng cao nguyên.
"Chúng thừa sức mạnh để bảo vệ chủ, tài sản và đàn gia súc của chủ trước bất kỳ mối đeo dọa nào mà không hề sợ hãi, khiến người chủ tự hào", ông Gombo, người nuôi chó ở Thanh Hải, phía tây bắc Trung Quốc nói, chỉ vào ba con chó ngao xích ở giữa sân nhà, đang gầm gừ trước một nhóm người lạ.
Lúc cao trào, nhiều người nuôi còn chịu chi tiền để đưa chúng đi phẫu thuật thẩm mỹ. Hồi đầu năm 2013, một chủ chó kiện bệnh viện thú y ở Bắc Kinh và yêu cầu bồi thường 140.000 USD sau khi con chó ngao Tây Tạng của ông chết trên bàn mổ khi đang phẫu thuật nâng mặt.
"Nếu chó của tôi trông oai dũng hơn, các chủ chó cái sẽ sẵn lòng bỏ ra nhiều tiền để lấy giống", Global Times dẫn lời một người nuôi chó ngao giải thích lý do ông yêu cầu bệnh viện chỉnh hình lại khuôn mặt xệ của con vật cưng.
Bác sĩ thú y đang kiểm tra một con chó ngao Tây Tạng sau khi nó được các nhà hoạt động vì quyền động vật giải cứu khỏi lò mổ. Ảnh: NYT |
Trào lưu chóng tàn
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những người nuôi chó ngao Tây Tạng vẫn bám trụ với nghề ở Trung Quốc đang phải vật lộn vì tình trạng cung vượt quá cầu. Người mua ngày một ít còn giá bán thì tuột dốc không phanh. Giá chào bán trung bình cho một con đực tốt giống hiện vào khoảng 2.000 USD. Nhưng nhiều chủ chó còn chấp nhận cái giá thấp hơn thế, theo NY Times.
"Nếu có cơ hội làm ăn tốt hơn, tôi sẽ từ bỏ nghề này", Gombo nói. Ông cho biết tiền thức ăn một ngày cho mỗi con chó từ 50 - 60 USD. "Áp lực mà chúng tôi phải gánh quá lớn", ông nhấn mạnh.
Từ năm 2013 đến nay, khoảng một nửa trong số 95 người nuôi chó ngao chuyên nghiệp ở Trung Quốc đã bỏ nghề, theo số liệu của Hiệp hội Chó ngao Tây Tạng. Trại nuôi chó ngao thuần chủng từng phát triển rất thịnh vượng ở Thành Đô, Tứ Xuyên, hiện bị biến thành một chợ bán thú cưng và công viên thủy sinh.
Về mặt nào đó, niềm đam mê dần nguội lạnh đối với giống chó ngao Tây Tạng phản ánh tính "có mới nới cũ" của một bộ phận người mua hàng ở Trung Quốc. Họ dễ dàng theo đuổi một trào lưu và nhanh chóng từ bỏ khi nó hết thời, bà Flora bình luận.
Li Quin, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, chuyên gia về chó ngao Tây Tạng, cho hay các nhà đầu cơ là một phần nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của thị trường từng được coi là rất lành mạnh này.
Ngoài ra, khi giá cao, người nuôi vô đạo đức đã phối giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng với những loài chó khác nhằm đánh lừa khách hàng. "Năm 2013, thị trường đầy rẫy chó lai", ông Li nhận xét.
Hàng loạt câu chuyện ngao Tây Tạng tấn công người cũng khiến chủ chó nản lòng. Ngoài ra, những năm gần đây, nhiều thành phố ở Trung Quốc còn cấm nuôi chó dữ. Điều này càng khiến nhu cầu suy giảm.
Suốt 25 năm ở Trung Quốc, Mary Peng, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Thú y Quốc tế ở Bắc Kinh, chứng kiến hàng loạt trào lưu nuôi chó rộ lên rồi kết thúc bằng việc lũ chó bị bỏ rơi.
"10 năm trước, phong trào nuôi chó becgie, golden retriever, chó đốm, rồi husky rất thịnh", bà Peng nói. "Nhưng nhìn vào mức gia trên trời của giống chó ngao Tây Tạng cách đây vài năm tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày chúng lại bị nhồi nhét trên những xe chở thịt".