Trào lưu 'khỏi giặt đồ'

GD&TĐ - Gần đây, thế giới đột ngột nổi lên xu hướng hạn chế giặt hoặc không giặt quần áo.

Trào lưu 'khỏi giặt đồ' đang gây chú ý trên toàn cầu. Ảnh: Youtube.com
Trào lưu 'khỏi giặt đồ' đang gây chú ý trên toàn cầu. Ảnh: Youtube.com

Những người tham gia sẽ thi đua mặc một bộ đồ nhiều ngày nhất và hết lời khen ngợi vẻ đẹp của những trang phục bị bạc màu không do chất tẩy rửa.

Thi mặc đồ không giặt

Từ năm 2019, những người say mê vải denim có thể tham gia cuộc thi khác thường nhất: Indigo Invitational – vải thô phai màu đẹp nhất. Nó khuyến khích mọi người khiến trang phục bằng vải denim mà mình đang sử dụng phai màu nhanh bằng mọi cách và trong đó có một cách vô cùng dễ dàng, nhàn nhã là không bao giờ giặt.

Vải denim đặc trưng bởi dễ nhàu khi bị ướt hoặc dính xà phòng, nên một trong những chìa khóa “làm đẹp” cho nó là ít hoặc không giặt. Khi không bị tiếp xúc với nước hoặc xà phòng, trang phục denim sẽ bạc đi một cách tự nhiên và phô bày màu sắc, họa tiết khác lạ, khiến những người mê quần áo, đặc biệt là quần jean cực kỳ thích thú.

Bryan Szabo (Canada) là một trong các tín đồ của vải denim bạc màu. Mỗi ngày, anh đều dành hàng tiếng đồng hồ để ngắm nghía, trầm trồ ảnh quần jean và denim bạc màu đẹp trên cộng đồng mê denim bạc màu trực tuyến. Không chỉ thế, anh còn là một trong các tiên phong của trào lưu khỏi giặt đồ.

“Tôi bắt đầu ít giặt khi mua chiếc quần jean bằng vải denim đầu tiên vào năm 2010”, anh Szabo cho biết. Vào năm này, anh du lịch vòng quanh châu Âu và đã mặc chiếc quần denim mới mua liên tiếp 6 tháng không giặt.

“Nó bốc mùi”, anh thừa nhận. Tuy nhiên, chính cái quần bốc mùi này lại trở thành “ông tơ” dẫn lối anh đến với người sẽ trở thành vợ của mình trong tương lai, một tín đồ của “khỏi giặt đồ” ở Budapest, thủ đô Hungary.

Hàng năm, cứ đến tháng 1, Szabo và các tín đồ của “khỏi giặt đồ” lại háo hức tham gia phần thi ai mặc đồ không giặt lâu nhất của Indigo Invitational. Chí ít, các “trang phục tuyển thủ” cũng phải được người mặc chưa giặt sau khi đã mặc từ 150 – 200 lần. Một số người thi còn đi xa hơn không giặt là nhét chúng trong không gian chật hẹp để có được kiểu phai màu lạ và cả mùi khác biệt.

'Khỏi giặt đồ' lợi cả cho bản thân lẫn sức khỏe hành tinh. Ảnh: Bbc.com

'Khỏi giặt đồ' lợi cả cho bản thân lẫn sức khỏe hành tinh. Ảnh: Bbc.com

Không giặt vẫn tốt

“Trong cuộc sống hàng ngày, tôi tuân thủ một quy tắc bất di bất dịch là những gì không nhất thiết phải giặt thì khỏi giặt”, nhà thiết kế thời trang Stella McCartney (Anh) tuyên bố. “Tôi không thay đồ lót hàng ngày và cũng không vứt đồ vào máy giặt chỉ vì đã mặc qua. Dù vậy, điều đó cũng không có nghĩa là tôi ở bẩn”, cô nói thêm.

Thay vì giặt giũ, các tín đồ của “khỏi giặt đồ” chăm sóc quần áo bằng những cách khác như phơi nắng, phơi gió… “Tôi lớn lên trong ngôi nhà mà mọi thứ đều phải được giặt giũ, rửa ráy chỉ sau một lần sử dụng”, Chelsea Harry (Mỹ) chia sẻ.

“Bà nội luôn nhắc nhở tôi phải đặt sẵn một bộ đồ ngủ sạch sẽ dưới gối vào buổi sáng để tối chỉ việc thay trước khi lên giường. Tuy nhiên, khi lớn lên, trong một chuyến đi bộ đường dài, tôi đã phát hiện không nhất thiết phải như thế. Bạn biết đấy, không ai có thể tắm rửa và giặt giũ đều đặn khi đi bộ đường dài. Tôi đã mặc một bộ đồ suốt nhiều ngày và cảm thấy không có gì khó chịu cả. Và rồi tôi nghĩ, tại sao mình không làm thế này luôn trong cuộc sống hàng ngày?”.

Thay vì giặt, Harry nhận ra có thể khử mùi bằng nhiều cách khác như phơi quần áo qua đêm hoặc xịt giấm, rượu vodka vào phần nách áo. “Bây giờ, tôi thích phơi váy len, quần len, tất len… trên cửa sổ qua đêm và sáng mai lại lấy xuống mặc lại”, cô nói. Bằng cách này, Harry có thể mặc một chiếc váy cả 100 lần trước khi nó được giặt.

Nhà thiết kế thời trang Stella McCartney tự tin 'ít giặt nhưng vẫn rất vệ sinh'. Ảnh: Bbc.com

Nhà thiết kế thời trang Stella McCartney tự tin 'ít giặt nhưng vẫn rất vệ sinh'. Ảnh: Bbc.com

Có 2 lợi ích lớn thúc đẩy các tín đồ của “khỏi giặt đồ” trì hoãn giặt giũ tối đa. Thứ nhất là vì sức khỏe của môi trường. Từ các chất tẩy rửa cho đến việc hao tốn điện, nước đều tác động tiêu cực lên sức khỏe của hành tinh.

Khi Mac Bishop, người sáng lập của công ty quần áo Wool & Prince giới thiệu mặt hàng “tiện lợi, không cần giặt giũ nhiều”, ông đã giành chiến thắng lớn trên thương trường.

Khách mua không chỉ là nam giới, những người vốn lười giặt giũ, mà còn có rất nhiều phụ nữ, những người không ngại giặt giũ nhưng muốn hạn chế vì bảo vệ môi trường. Hiện, Wool & Prince đang dẫn đầu xu hướng thử thách mặc cùng một chiếc váy 100 ngày liên tiếp. Nó được khá nhiều tín đồ của “khỏi giặt đồ” tham gia.

“Bên cạnh bảo vệ môi trường thì “khỏi giặt đồ” còn bảo vệ cả trang phục mà bạn đang mặc nữa. Bởi vì, giặt giũ khiến quần áo nhanh bị mục, co rút và bạc màu hơn”, ông Bishop chỉ ra thêm.

Lợi ích thứ 2 của “khỏi giặt đồ” là dư dả thời gian. Giặt giũ, cho dù là giặt tay hay giặt máy cũng tiêu tốn thời gian của một người. “Thành thật mà nói, so với bảo vệ môi trường, tôi vì lợi ích của bản thân nhiều hơn”, Szabo thừa nhận, “Tôi khá lười dọn dẹp và tôi còn việc khác phải làm, ví dụ như dắt chó cưng đi dạo”.

Trong mắt các chuyên gia thì “khỏi giặt đồ” không phải là trào lưu nên được khuyến khích. Tuy nhiên, xét trên cả 2 lợi ích thì hạn chế giặt giũ quá thường xuyên vẫn là chuyện nên làm.

“Tôi nghĩ, chúng ta nên phân loại quần áo theo các mức độ cần giặt thường xuyên, thỉnh thoảng mới phải giặt và không cần giặt, rồi áp dụng những cách làm sạch hiệu quả nhất với từng mức”, Mark Sumner (Anh), giảng viên về thời trang bền vững làm việc tại Đại học Leeds đưa ra lời khuyên.

Theo bbc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.