Đến dự Lễ trao giải có: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban chỉ đạo Giải; Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan hữu quan. Vì lý do tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không đến tham dự Lễ trao Giải. Bộ trưởng gửi lời chúc mừng đến các tác giả đạt giải và chúc Lễ trao Giải thành công tốt đẹp.
Năm 2020 là năm thứ ba Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”. Thống kê cho thấy, đã có hơn 700 tác phẩm được gửi về tham dự Giải.
Theo Hội đồng giám khảo, so với 2 mùa Giải trước, mặt bằng chung các tác phẩm đạt chất lượng hơn; đề tài khá toàn diện, có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
Từ hơn 700 tác phẩm, Hội đồng giám khảo đã chấm và lựa chọn 62 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Kết quả đã có 50 tác phẩm đạt giải, trong đó: 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 26 giải Khuyến khích, 1 giải Đặc biệt được Hội đồng giám khảo chọn từ 4 giải A và 3 nhân vật tiêu biểu được chọn trong 2 tác phẩm đạt giải.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam ghi nhận, các tác phẩm được vào chung khảo, đặc biệt các tác phẩm được trao giải A, B đều là tác phẩm xuất sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm, lao động sáng tạo, sự dấn thân của các nhà báo. Đây cũng là giải báo chí toàn quốc quan trọng bên cạnh Giải báo chí quốc gia, có ý nghĩa chính trị và ý xã hội sâu sắc.
Giải thưởng của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”; Chứng nhận của Bộ GD&ĐT; tiền thưởng bằng tiền mặt: giải Đặc biệt: 30.000.000 đồng; giải Nhất: 30.000.000 đồng; giải Nhì: 15.000.000 đồng/giải; giải Ba: 10.000.000 đồng/giải; giải Khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho tác giải đạt giải Đặc biệt.
Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10.000.000 đồng/tác phẩm.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Tác phẩm dự thi phủ rộng các vấn đề giáo dục
Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Thư ký – Biên tập (Đài tiếng nói Việt Nam – VOV); Trưởng Tiểu ban Phát thanh – Truyền hình Hội đồng Sơ khảo; ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020:
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020 vừa có độ rộng (số lượng tác phẩm dự giải lớn), vừa có chiều sâu chất lượng với sự phản ánh đa chiều, sâu sắc bức tranh toàn ngành Giáo dục. Các tác phẩm không chỉ bám sát vấn đề thời sự năm học, đó là những khó khăn và nỗ lực của toàn Ngành trước tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, mà còn phủ rộng các vấn đề giáo dục hết sức phong phú.
Trong quá trình chấm giải, tạo cho tôi nhiều xúc cảm sâu sắc là những tác phẩm về tấm gương các thầy cô giáo với sự hy sinh, cống hiến thầm lặng nhưng đầy cao cả cho sự nghiệp giáo dục; những tấm gương học trò vượt qua mọi khó khăn để đạt thành tích cao trong học tập… Nhiều gương nhà giáo rất điển hình được phát hiện.
Về hình thức, cách thức thể hiện các tác phẩm báo chí dự thi năm nay ở cả 4 loại hình (điện tử, báo in, phát thanh, truyền hình) đều được đổi mới, sáng tạo. Nhiều tác phẩm dự thi thể loại báo điện tử sử dụng công nghệ làm báo Mega Story, bài long-form, infographic rất công phu. Ở thể loại phát thanh, không ít tác phẩm có cách thể hiện mới và tương đối độc đáo, như phát thanh trực tiếp, thực tế. Các tác phẩm truyền hình cũng vậy, với việc áp dụng công nghệ hiện đại, nhiều tác phẩm tinh tế, sử dụng được nhiều khuôn hình, chi tiết tốt, có tác phẩm không cần lời bình mà chỉ có hình ảnh...
Hiếu Nguyễn
Chân dung người thầy được thể hiện sống động
3 năm liên tục tham gia làm giám khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, ông Bùi Sỹ Hoa – Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, điểm thành công nhất của Giải năm nay là đã thu hút được tất cả các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương ở tất cả các loại hình báo chí, các nhà báo chuyên và không chuyên, tạo nên những mảng đề tài, những chuyên đề hấp dẫn, có giá trị và đã tạo ra những tác phẩm xuất sắc tham dự giải báo chí năm nay.
Thông qua Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” cho thấy, ngành Giáo dục nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ hết sức nhiệt tình của báo chí nói riêng và của cả xã hội nói chung.
“Tôi cho rằng, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” là nơi thể hiện rõ nhất những những công lao, cống hiến của đội ngũ nhà giáo” – ông Hoa nhấn mạnh, đồng thời ghi nhận:
Các nhà báo vẫn là những người đi sâu, đi sát để tìm hiểu, phản ánh những vấn đề căn cốt, những vấn đề quan trọng nhất của ngành Giáo dục, cũng như những vấn đề đột xuất nổi bật trong năm học 2019 - 2020 của ngành như: đại dịch Covid-19 tác động đến dạy – học như thế nào? ….
Những tác phẩm thành công là những tác phẩm đi sâu vào vấn đề trọng tâm của ngành Giáo dục. Hơn bao giờ hết, hình ảnh người giáo viên nhân dân trong các tác phẩm ở cả 4 loại hình như: Báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình đã được khắc họa rõ nét.
Chân dung người thầy, chân dung sự nghiệp giáo dục đào tạo ngày càng được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn, có sức thu hút độc giả và có sự lan tỏa lớn trong xã hội.
Minh Phong (ghi)
Nhiều bài, loạt bài nổi trội về chất lượng
Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận; Ủy viên Tiểu ban Báo in Hội đồng Sơ khảo; Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020:
Bước sang mùa thứ 3, có thể thấy rõ Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" đã có sự tăng trưởng rõ rệt cả về lượng và chất. Qua thẩm định các tác phẩm tham dự thể loại báo viết ở vòng sơ khảo, có thể nói một điểm cộng ở mùa giải năm nay là các tác phẩm tham dự đã vẽ lên được bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam trong năm 2020. Những vấn đề nóng bỏng nhất của giáo dục Việt Nam trong năm qua đã được thể hiện một cách sắc sảo, trực diện, đa chiều và khá thấu đáo. Đơn cử như vấn đề: Sự tồn tại của trường chuyên; chất lượng đào tạo thạc sĩ; vấn đề giấy khen và việc khen thưởng trong các trường; kịch bản dạy học thời dịch Covid-19; chất lượng dạy học trực tuyến; văn minh học đường - văn hóa ứng xử trong trường học; chọn trường cho con, nhà vệ sinh trong trường học… Nhìn chung các tác phẩm đã có sự đồng đều hơn về chất lượng. Đặc biệt, có nhiều bài, loạt bài có sự nổi trội về chất lượng, có sự phát hiện mới mẻ về đề tài, có sự phân tích đa chiều, nhìn nhận từ nhiều góc độ.
Hiếu Nguyễn
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về giáo dục, mang đậm hơi thở cuộc sông
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2020:
Giải Báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2020 thu hút đông đảo các phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước tham gia. Các tác phẩm tham dự Giải lần này đã phản ánh sống động về hoạt động của ngành Giáo dục.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về giáo dục, mang đậm hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, những tác phẩm được trao giải đã thể hiện tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của các nhà báo; đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của các nhà báo đối với nền giáo dục của nước nhà.
Tôi đặc biệt ấn tượng với tác phẩm viết về một Lễ khai giảng đặc biệt, cảm động trên núi Ngọc Linh. Một Lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp, thấm đượm tình thầy – trò. Tác phẩm cũng phản ánh và ghi nhận những nhà giáo đang làm nhiệm vụ ở địa bàn đặc biệt khó khăn, khắc nghiệt, nhưng với tình yêu nghề, các cô giáo dù tuổi đời còn trẻ đã vượt lên tất cả, đem con chữ đến với học trò.
GD-ĐT đang đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện với nhiều cách làm sáng tạo cùng sự quyết tâm, nỗ lực lớn của toàn ngành. Thành tích có được rất đángg tự hào, nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Báo chí góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục; từ đó tạo niềm tin của xã hội với thầy, cô, nhà trường, rộng hơn là sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà; đó là trách nhiệm rất lớn đối với báo chí.
Minh Phong (ghi)
Niềm hạnh phúc trong cuộc đời dạy học
Thầy A- Phiên- GV trường Tiểu học Tu mơ rông, huyện Tu mơ rông, tỉnh Kon Tum đến tham dự Lễ trao giải từ sáng sớm. Thầy chia sẻ: Đi từ Kon Tum ra Hà Nội vô cùng háo hức, phấn khởi. Vinh dự được tham dự sự kiện lớn của ngành Giáo dục và báo Giáo dục và Thời đại, tôi coi đây là niềm hạnh phúc lớn trong cuộc đời dạy học của mình.
Tham quan các gian triển lãm tác phẩm đoạt giải, thầy A Phiên thấy sự sâu sắc, đa dạng và nhân văn trong mỗi bài báo. Trong đó có nhiều bài phản ảnh về giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa- nơi còn nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên để tiếp cận với tri thức, tìm cái hay, cái đẹp trong mỗi con chữ, kiến thức của nhân loại.
27 năm dạy HS tiểu học dân tộc Xơ đăng, thầy A Phiên thấy nghề dạy học của mình đã được báo chí ghi nhận xứng đáng, là động lực để thầy trò các vùng dân tộc khắc phục khó khăn, vươn lên đổi mới dạy và học...
Kiều Giang
Vinh dự cho những người làm báo
Nguyễn Khánh Hùng- PV báo Mực Tím.
Giải năm nay được tổ chức rất hoành tráng và chuyên nghiệp. Cơ quan chúng tôi ở trong miền Nam, các anh chị trong BTC liên tục liên hệ và tạo điều kiện để cơ quan cử tôi ra HN dự Lễ trao giải.
“Những tiết học không có SGK” là tác phẩm nhiều kỳ đăng trên báo Mực Tím. Trong chuyên đề này, tôi và một PV trong báo viết về những tiết học mới xuất hiện ở TP HCM và được các trường học nhân rộng. Những tiết học về văn hóa VN rất sinh động khác với cách dạy và học truyền thống. Hiệu ứng được lan tỏa mạnh, đem lại không khí học tập mới cho HS. Chúng tôi thực hiện tuyến bài này nhằm cổ vũ phong trào, cung cấp thêm kỹ năng về phương pháp dạy học để HS có thể tự học tốt hơn trong thời đại CMCN 4.0 hiện nay. Chúng tôi đã chọn tuyến bài này để dự thi.
Giải thưởng BC liên quan đến lĩnh vực GD như thế này đem lại giá trị rất quan trọng, khích lệ tác giả viết và lan tỏa những chủ đề, nội dung được viết trong cộng đồng. Việc đến dự Lễ trao giải là vinh dự cho báo Mực Tím và CBPV trong tòa soạn.
Hương- Giang
Cập nhật hữu ích vào công việc dạy học
Thầy Đặng Quang Vũ - Trường THPT Ngô Gia Tự (Phường Phú Lâm – Thành phố Tuy Hòa- Phú Yên) chia sẻ vui mừng và phấn khởi khi được tham dự lễ trao giải Báo chí toàn quốc lần thứ 3 “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2020. "Tôi đã xem qua một số tác phẩm được trưng bày và cảm nhận các tác phẩm rất hay, đề cập tới nhiều vấn đề "nóng" giáo dục mà xã hội đang quan tâm. Từ những bài báo tôi tìm được thêm nhiều thông tin cần thiết của ngành giáo dục nói riêng và của xã hội nói chung, từ đó cập nhật hữu ích vào công việc dạy học của mình" - thầy Đặng Quang Vũ nói.
Đức Trí
Mong có những tác phẩm báo chí hay đặt trong thư viện nhà trường
Cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hòa (Huyện Phú Bình – Thái Nguyên):
Tôi rất vui và phấn khởi khi được tham dự lễ trao giải Báo chí toàn quốc lần thứ 3 “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”. Mới đọc qua một số tác phẩm tại lễ trao giải nhưng tôi thấy rất thú vị. Mong rằng sau lễ trao giải, ban tổ chức sẽ in ấn những tác phẩm đoạt giải năm nay thành một cuốn sách để nhà trường có thể mua và đặt trong thư viện để tất cả giáo viên có cơ hội được đọc, truy cập thông tin, mở mang kiến thức...
Đức Hạnh
Giải báo chí viết về giáo dục rất cần thiết và quan trọng
PGS.TS Nguyễn Thành- Trường Đại học khoa học, Đại học Huế Hà Nội chăm chú theo dõi diễn biến Lễ trao giải cuộc thi. Theo TS Thành, đây là cuộc thi cần thiết và quan trọng, qui mô lớn toàn quốc để cung cấp bức tranh toàn cảnh, nhiều màu sắc về sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
GD&ĐT liên quan đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, xã hội và phát triển đất nước, vì vậy công tác truyền thông cho GD cần được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Những giải báo chí viết về GD cần được đẩy mạnh để huy động được đội ngũ PV, nhà báo viết, phân tích, ghi nhận và đề xuất những giải pháp kịp thời cho công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.
Kiều Giang
Niềm vui hội ngộ của những người kết nối trái tim
Từ sáng sớm, Nhà hát Âu Cơ trên Đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Hà Nội đã tấp tập các đại biểu đến nhận giải, chung vui và chúc mừng các tác giả được giải Báo chí viết về ngành giáo dục.
Tâm trạng chung của mọi người là hết sức phấn khởi. Các nhà báo, tác giả của những bài viết xuất sắc, bằng ngòi bút của mình đã thể hiện được một cách sinh động về đời sống giáo dục, đặc biệt là những hy sinh đóng góp của các thầy cô giáo. Những giá trị họ làm được thật đáng trân trọng.
Nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện – Báo Nhân dân, cho biết: Lần đầu tiên tôi tham gia giải, thấy ban tổ chức làm việc rất chuyên nghiệp. Giải báo chí đã có được tiếng nói rất riêng để ghi nhận đánh giá những mặt được và chưa được của giáo dục. Đặc biệt ý nghĩa là có những tác phẩm nói lên những đóng góp thầm lặng của các thầy cô, họ rất xứng đáng, cần phải để xã hội thấy điều đó.
Nhà báo Nguyễn Thị Ba, Báo Yên Bái cho biết: Tôi về Hà Nội từ hôm qua, đoàn của tôi có các thầy cô đến từ huyện miền núi Mù Căng Chải, Trấn Yên… là những nhân vật sẽ tham dự sự kiện “Thay lời tri ân 2020”. Được biết, thầy Định Quang Hợi là nhân vật chính trong tác phẩm của VTV. Từ địa phương, tôi thấy các đồng nghiệp đã lựa chọn đề tài và con người thật chính xác. Có rất nhiều thầy cô ở mọi miền đất nước xứng đáng được nêu danh. Trong đó có thầy Hợi, các thầy cô đang làm đẹp thêm cho vườn hoa giáo dục.
Còn với nhà báo Nguyễn Văn Ba – Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam là người đồng hành với Chương trình “Thay lời tri ân” từ nhiều năm qua. Những tác phẩm của anh đã chạm đến tận cùng trái tim, lấy đi bao nước mắt của khán giả. Tiêu biểu trong đó là Tác phẩm Thầy giáo Nguyễn Văn Cương và em học sinh tí hon. Nhà báo Nguyễn Văn Ba tâm sự: "Trách nhiệm của chúng tôi đầu tiên là viết mô tả chân thực nhất về đời sống giáo dục. Cám ơn Ban tổ chức Giải đã giúp chúng tôi làm tốt hơn điều đó".
Giờ này các nhà báo đã vào trong hội trường sẵn sàng cho lễ trao giải. Nhiều cung bậc cảm xúc, bồi hồi chờ xướng tên. Xúc động khi cùng trao đổi với nhau về những tấm lòng, nghĩa cử và việc làm đầy trách nhiệm của các nhà giáo – trên những chuyến đò hướng về tương lai tươi đẹp.
Ngọc Dư
Cảm ơn Ban Tổ chức vì trải nghiệm hết sức đặc biệt
Lê Kim My: Đài Phát thanh – Truyền hình Hậu Giang:
Tôi và các đồng nghiệp vô cùng vui mừng khi biết tác phẩm “Người thầy truyền cảm hứng” đoạt giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020. Vui vì tâm huyết, công sức của nhóm được ghi nhận; nhưng vui hơn vì đây là cái cớ tuyệt vời đề chúng tôi được ra Hà Nội. Lần đầu tiên ra Thủ đô, cảm xúc thật đặc biệt. Tôi rất xúc động khi chứng kiến không khí trước lễ trao giải, mọi sự chuẩn bị công phu, sự tiếp đón ấm áp, nhiệt tình. Rất cảm ơn Ban Tổ chức vì đã cho chúng tôi có được trải nghiệm đặc biệt này.
Hiếu Nguyễn
Mong muốn tuyên truyền cho công tác GD ở những vùng khó khăn
Nguyễn Ngọc Tân- Đài Phát thanh Truyền hình Phú Thọ- tác giả dự giải.
Chúng tôi đã tham gia nhiều giải thưởng của nhiều ngành, trong đó giải báo chí Vì sự nghiệp GD Việt Nam chúng tôi đã từng tham gia. Năm nay, chúng tôi tham gia tác phẩm “Ước mơ toàn cầu” viết về cô giáo Hà Ánh Phượng ở Phú Thọ. Cô Phượng là người đoạt giải top 10 GV toàn cầu vừa được công bố mới đây. Đây là cô giáo người dân tộc Mường, có ước mơ và hoài bão dạy tiếng Anh cho trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và kết nối với quốc tế, đó là những lớp học xuyên biên giới. Chúng tôi mang tác phẩm này tới dự thi với mong muốn tuyên truyền cho công tác GD ở những vùng khó khăn, truyền tải tới các khu vực thuận lợi và cả trên thế giới về công việc của những GV như cô Hà Ánh Phượng.
Chúng tôi mong rằng những nhân vật như cô Hà Ánh Phượng sẽ truyền cảm hứng cho các GV khác.
Khi tới dự Lễ trao giải hôm nay, vừa bước tới gian sảnh và Hội trường đã nhận thấy sự chu đáo của BTC, thể hiện sự trân trọng đại biểu đến dự. Do đó tôi cảm thấy rất ấm lòng và vinh dự.
Hương Giang
Thấy bóng dáng mình trong đó
Vui mừng khi được tham dự Lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, thầy Thái Thành Thuận – giáo viên Trường THCS Tam Bình (Cai Lậy, Tiền Giang), xúc động nói: “Qua các tác phẩm dự thi, tôi thấy bóng dáng của mình trong đó. Đó là sự ghi nhận, sự động viên, cổ vũ để chúng tôi có thêm nghị lực tiếp tục cống hiến với nghề”.
Thầy Thuận chia sẻ, đây là một Giải báo chí ý nghĩa, không chỉ tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về giáo dục, mà còn tôn vinh đội ngũ nhà giáo, tôn vinh sự nghiệp “trồng người”.
Thầy Thuận cho biết, dự lễ trao Giải sáng nay còn có vợ và con trai đi cùng. Vợ thầy cũng là nhà giáo và công tác cùng trường. 4 năm trước, thầy không may bị tai nạn khiến thầy phải ngồi xe lăn. Vì thế, với thầy được ra Hà Nội tham dự lễ trao giải lần này vừa là kỷ niệm đáng nhớ trong nghề.
Minh Phong (ghi)
Văn nghệ chào mừng
Liên khúc: Buổi sáng an lành; Tung tăng.
Sáng tác: Nhạc Đinh Lan Hương, lời Rainbow; Thiên Khôi.
Biểu diễn: Tốp thiếu nhi Be Singer.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2021
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đây là năm thứ 3, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, nhằm tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các phóng viên, nhà báo nói riêng và cơ quan thông tấn báo chí nói chung trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Giải năm nay ghi nhận sự vượt trội về chất lượng, nội dung và hình thức thể hiện của các tác phẩm dự thi. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu và ghi dấu ấn rõ ràng sự dấn thân của tác giả trong tác nghiệp. Đề tài của tác phẩm dự thi cũng được khai thác phong phú; bên cạnh những tác phẩm ghi nhận những tập tể, cá nhân điển hỉnh tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong dạy – học thì cũng có những bài viết xúc động, thể hiện sự trân trọng những tấm gương nhà giáo hy sinh thầm lặng, dành cả thanh xuân của mình để bám trường, bám lớp, đem con chữ đến với học trò ở các bản làng xa xôi của Tổ quốc.
Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chính thức phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2021.
Phóng sự về quá trình tổ chức giải
Trao giải Khuyến khích
Loại hình báo in
- Tác phẩm: Giáo dục học sinh trở thành… người bình thường; Tác giả: Tiêu Thị Mỹ Hằng; Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh
- Tác phẩm: Những tiết học không có sách giáo khoa; Tác giả: Nguyễn Khánh Hùng, Trương Thu Thảo; Báo Mực tím
- Tác phẩm: Chuyên đề: "Đòn bẩy" bất ngờ cho giáo dục thời 4.0; Tác giả: Vũ Mai Hoàng, Ngô Phương Thảo, Khúc Hồng Thiện, Bạch Ngọc Dư; Đơn vị: Báo Nhân dân
- Tác phẩm: Loạt bài "Chông chênh tuổi 15 vào trường nghề". Tác giả: Phạm Thị Anh; Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
- Tác phẩm: Tự chủ Đại học - Đừng để học phí trở thành nút thắt; Tác giả: Trần Lan Anh ; Báo Nhà báo & Công luận
-Tác phẩm: Loạt bài "Học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường phổ thông"; Tác giả: Lục Thị Khánh Chi; Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
-Tác phẩm: Đừng để nhà vệ sinh trường học là nỗi ám ảnh của học sinh; Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Huyền; Báo Công an nhân dân
-Tác phẩm: Loạt bài "Bước chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục - đào tạo từ một Đề án"; Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Ba; Báo Yên Bái
Loại hình báo điện tử
- Tác phẩm: Chàng trai vượt rào cản dạy trẻ mầm non và cô giáo nén lòng xa con 6 tháng tuổi lên vùng cao Lai Châu – Tác giả: Đinh Thị Thu Hương, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tài Việt, Nguyễn Đình Hoàn, Hoàng Thị Minh Thu -Báo điện tử VTV News
- Tác phẩm: Kháng chiến chống Mỹ và mặt trận đặc biệt của ngành giáo dục – Tác giả: Phạm Thị Mai - Báo điện tử VietnamPlus
- Tác phẩm: Mở cửa đón du học sinh - Phan Thị Nga, Ngô Sỹ Điền, Nguyễn Thị Nhung, Hoàng Công Chương, Lê Việt Cường- Báo Giáo dục và Thời đại điện tử
-Tác phẩm: Mường Khoe - Những câu hỏi lặng vào thinh không – Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thủy, Hà Hải Yến, Nguyễn Tuấn Anh - Báo Điện Biên Phủ điện tử
- Chuyên đề viết về "Công bố quốc tế của ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2020" – Tác giả: Vũ Thị Hồng Hạnh - Báo điện tử Dân trí
- Tác phẩm: 75 năm giáo dục Việt Nam - từ chính sách đến thực tiễn – Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Ánh, Đặng Thị Hương Sen, Hoàng Thị Cẩm Vân, Lê Thị Thủy - Báo Đại biểu Nhân dân
Loại hình báo phát thanh:
- Tác phẩm: Mang yêu thương và ánh sáng tri thức đến với trẻ em nghèo khó
Tác giả: Dương Thị Tuyết Ngân - Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương
- Tác phẩm: Có nên tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT khi phải thực hiện giãn cách xã hội
Tác giả: Phan Thanh Hà, Trịnh Đình Thiệu, Vũ Thu Cúc - Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Miền Trung
-Tác phẩm: Chuyện một thầy giáo trẻ
Tác giả: Đỗ Quang Hà, Dương Thị Hồng - Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Giang
- Tác phẩm: Loạt 3 bài "Ngược dòng gieo những mầm xanh"
Tác giả: Đào Thị Thanh Xuân, Trương Thị Hồng Thúy, Nguyễn Thị Tố Tâm - Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
-Tác phẩm: Người thầy truyền cảm hứng
Tác giả: Nguyễn Thị Duy Anh, Đoàn Vũ Luân - Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang
Loại hình báo truyền hình:
-Tác phẩm: Truyền dạy kiến thức qua ống nhựa
Tác giả: Phạm Thanh Hùng, Nguyễn Thị Lan Anh - Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
-Tác phẩm: Trái tim hướng về phía núi
Tác giả: Thái Trương Duy Bình, Phạm Văn Lợi - Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam
-Tác phẩm: Chạm đến ước mơ
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, Trần Hải Đăng, Nguyễn Công Hiệp, Nguyễn Thị Hảo - Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp
- Tác phẩm: Chuyến đò chở những ước mơ
Tác giả: Trịnh Chí Hải, Lê Tiến Lên - Đài Phát thanh -Truyền hình Cà Mau
-Tác phẩm: Tọa đàm sự kiện và bình luận: "Năm học bình thường mới"
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Hải, Bùi Thị Bích Ngọc, Đặng Thị Thùy Linh, Vũ Thị Thu Hà, Nguyễn Vũ Hải - Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam
Tác phẩm: Ước mơ toàn cầu
Tác giả: Vũ Thanh Hằng, Trần Thị Thương Huyền, Trần Anh Tuấn, Khổng Hoài Lam, Nguyễn Ngọc Tân - Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ
-Tác phẩm: Người gieo chữ
Tác giả: Nguyễn Trọng Dũng, Phạm Thành Phong - Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long
Chia sẻ của PV Nguyễn Thị Duy Anh: Giải Khuyến khích (Phát thanh)
PV Nguyễn Thị Duy Anh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang, đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Người thầy truyền cảm hứng” (loại hình phát thanh), đã hơn 5 năm công tác và gần 4 năm phụ trách mảng Giáo dục tại Đài PT- TH tỉnh Hậu Giang. Chị chia sẻ: “Càng làm mình cảm thấy càng yêu học sinh, giáo viên khi vượt qua những khó khăn về điều kiện nghiên cứu để chinh phục ước mơ sáng tạo”.
Điều mà PV Duy Anh ấn tượng nhất khi thực hiện phóng sự “Người thầy truyền cảm hứng” là hình ảnh một thầy giáo trẻ ở vùng đất Hậu Giang. Nơi còn nhiều khó khăn nhưng có một thầy giáo dành tình yêu với nghiên cứu khoa học. Thầy muốn làm gì đó cho các em học sinh vùng quê để các em tiếp cận với những tiến bộ của khoa học công nghệ.
“Những gì ấn tượng nhất, cảm xúc nhất về thầy giáo mà mình muốn chuyển tải đến với mọi người đều được thể hiện qua tác phẩm “Người thầy truyền cảm hứng”. Đó là mong muốn truyền cảm hứng cho những người làm nghề giáo và hy vọng lan toả một phần năng lực tích cực đến với mọi người. Đặc biệt là những nhà giáo đang công tác ở những vùng khó khăn nhất của đất nước có thể tiếp tục vươn lên, vượt qua những khó khăn, gắn bó với nghề.”, PV Duy Anh nói.
Chia sẻ về cơ duyên đến với Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, PV Duy Anh cho biết, đã biết được giải báo chí này từ 3 năm qua, nhận thấy đây là sân chơi dành cho các phóng viên cả nước, đặc biệt là những phóng viên phụ trách mảng Giáo dục. Được tham gia cũng là cơ hội để các nhà báo thể hiện tình yêu báo chí và tinh thần trách nhiệm với ngành Giáo dục nước nhà.
Quốc Ngữ
Chia sẻ của PV Nguyễn Thị Thanh Ba, giải Khuyến khích (loại hình báo in):
Nguyễn Thị Thanh Ba, PV chuyên trách giáo dục của Báo Yên Bái, đoạt giải Khuyến khích với loạt bài "Bước chuyển mình mạnh mẽ của GD-ĐT từ một Đề án". Loạt bài đã ghi nhận và phân tích những giá trị tích cực đạt được của Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020.
“Tôi còn nhớ, lúc Đề án mới được đưa ra, nhiều người cho rằng đó là một đề án "không tưởng” đối với một tỉnh miền núi còn nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn. Sau 5 năm Đề án đã hiện thức hóa hiệu quả của công tác xã hội hóa, góp phần giải quyết những khó khăn cho các cơ sở giáo dục nhất là ở những trường có đông học sinh bán trú. Đây là kết quả sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Cùng với sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và phụ huynh về chủ trương sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp mới thành công.”, PV Nguyễn Thị Thanh Ba chia sẻ.
PV Nguyễn Thị Thanh Ba cho rằng, dư luận thường nói về những tiêu cực nhưng đây chỉ là những hạt sạn nhỏ, còn vô vàn những việc làm đẹp và ý nghĩa trong toàn ngành. Thật mừng là Giải báo chí viết về sự nghiệp giáo dục đã giúp chúng tôi có những bài viết hay, ý nghĩa để phản ánh đúng đủ những đóng góp của thầy cô và toàn ngành với sự nghiệp chung.
Hà An
Chia sẻ của Phóng viên Trịnh Chí Hải: Giải Khuyến khích (Truyền hình)
Phóng viên Trịnh Chí Hải, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau với “Chuyến đò chở những ước mơ”, đoạt giải Khuyến khích (thể loại Truyền hình) - tác phẩm tâm huyết về Giáo dục vùng khó.
Phóng viên Trịnh Chí Hải đang công tác tại Phòng Thời sự - Chuyên đề (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau). Đến nay đã tròn 10 năm gắn bó với nghề, đối với anh, là một người con của vùng đất mũi Cà Mau, anh cũng từng có một tuổi thơ phải lụy đò và hiểu hơn những khó khăn của các em học sinh. Khi giao thông đường bộ vẫn chưa về đến được nhiều địa bàn, không chỉ thiếu cầu, đường mà các em còn thiếu một chuyến đò an toàn, một nguồn chi phí ổn định để đi đò đến trường.
Chia sẻ về tác phẩm “Chuyến đò chở những ước mơ”, phóng viên Trịnh Chí Hải không giấu được niềm xúc động: Tôi quyết định chọn đề tài này dự thi bởi vì một sự đồng cảm với các em học sinh. Đồng thời muốn thông qua diễn đàn của Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam để chia sẻ câu chuyện của các học sinh vùng cửa biển. “Vì biết đâu đó sẽ có thêm những sự giúp đỡ đến với các em trong hành trình đến trường cho những năm học sau này”.
PV Chí Hải chia sẻ “Theo dõi Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam qua 3 năm, ngoài việc được tiếp cận với những đề tài hay của các anh chị em đồng nghiệp. Tôi còn học hỏi được những cách thể hiện mới, những góc nhìn mới, nhiều màu sắc của ngành. Từ đó giúp tôi có cái nhìn rộng hơn, đa chiều hơn về công tác này để có thể làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền tại địa phương mình, trong đó có mảng Giáo dục”.
Q. Ngữ - T. Tiến
Trao giải Ba cho 12 tác phẩm
Giải Ba loại hình báo in:
Tác phẩm: Thị trường ngầm mua bán bài báo khoa học
Tác giả: Nguyễn Phạm Đăng Khoa, Nguyễn Thị Mỹ Quyên - Báo Thanh niên
Tác phẩm: Giấy khen không có lỗi
Tác giả: Nguyễn Thị Huyên - Báo Lao động
Tác phẩm: Anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam và lá thư viết bằng máu
Tác giả: Đỗ Doãn Hoàng - Báo Tuổi trẻ Thủ đô
Giải Ba loại hình báo điện tử:
Tác phẩm: Gieo chữ ở vùng cao Tây Bắc
Tác giả: Trần Văn Hoàng, Lục Thị Thu, Nguyễn Quang Cường - Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam
Tác phẩm: Loạt bài "Gỡ khó cho các trường dự bị đại học dân tộc"
Tác giả: Trần Hồng Quỳnh, Hoàng Thị Phương Liên - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Tác phẩm: Sự thật bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Trang, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Diệu Bình, Vũ Mai Hương - Báo VietNamNet
Giải ba loại hình báo phát thanh:
Tác phẩm: Những người thầy ở Nậm Ban và hành trình đưa học sinh dân tộc Mảng đến trường
Tác giả: Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Khắc Kiên - Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc
Tác phẩm: Rời giảng đường, bám biên cương chống dịch
Tác giả: Vũ Thị Hồng Linh, Phạm Văn An - Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội
Tác phẩm: Người gieo chữ nơi triền sóng
Tác giả: Lê Thị Vân - Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa
Giải Ba loại hình báo truyền hình
Tác phẩm: Giáo viên hợp đồng hành trình tìm lại con chữ
Tác giả: Phạm Văn Cường, Lê Thị Hương Giang, Nguyễn Tiến Cường, Trịnh Thế Anh, Ninh Quốc Tùng, Vũ Trung Hiếu, Cao Xuân Đông - Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Tác phẩm: Ta Đăng - Đăng Nưm
Tác giả: Vũ Hồng Anh, Nguyễn Hồ Trí, Chu Sỹ Thanh, Vương Văn Cơ - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam
Tác phẩm: Hạt ngọc Phương Nam
Tác giả: Lưu Thu Thảo, Trương Thành Luân, Nguyễn Thanh Toàn - Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hậu Giang.
Hương- Giang
Trao giải Nhì cho 8 tác phẩm
Loại hình báo in:
Tác phẩm: Để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài; Tác giả: Nguyễn Thị Thảo, Ngô Bích; Báo Sài Gòn Giải phóng. (Báo in)
Tuyến bài Năm học đáng nhớ; Tác giả: Nguyễn Minh Thịnh, Nguyễn Thị Nhung, Ngô Sỹ Điền, Hoàng Công Chương, Nguyễn Thị Dung, Hà Ánh Ngọc, Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Thị Dịu, Nguyễn Quốc Ngữ. Nơi sản xuất: Báo GD&TĐ; (Báo in).
Loại hình báo điện tử:
Tác phẩm: Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn
Tác giả: Nguyễn Thành Chung, Hoàng Thị Mỹ Hà, Nguyễn Kỷ Đức Anh - Báo Nghệ An điện tử
Tác phẩm: Tạm dừng đến trường, không dừng học
Tác giả: Nguyễn Thị Nhung - Báo Giáo dục & Thời đại điện tử
Loại hình báo phát thanh:
Tác phẩm: Người nhìn bằng Tim
Tác giả: Nguyễn Văn Quang - Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng
Tác phẩm: Loạt ba bài Đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị
Tác giả: Huỳnh Thị Thùy Linh - Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Loại hình báo truyền hình:
Tác phẩm: Người thầy vùng lũ
Tác giả: Nguyễn Thị Thúy, Phạm Đức Anh, Lê Quang Hòa, Nguyễn Mạnh Tuấn - Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa
Tác phẩm: Những lớp học trong mây
Tác giả: Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Tài Việt, Nguyễn Đình Hoàn, Hồ Nữ Thị, Nguyễn Việt Anh - Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam
Chia sẻ của tác giả loạt bài “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn”, giải Nhì
Loạt bài viết “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn” (loại hình báo Điện tử) của nhóm tác giả Nguyễn Thành Chung, Hoàng Mỹ Hà, Nguyễn Đức Anh (Báo Nghệ An), đoạt giải Nhì báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2020”.
Đây là loạt bài viết về công tác bồi dưỡng đại trà cho giáo viên Tiểu học, THCS tại huyện miền núi cao Kỳ Sơn, Nghệ An. Dù xét về bằng cấp, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn, nhưng năng lực thực tế của nhiều người không đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới giáo dục. Chính những GV kém là một trong những nguyên nhân kéo lùi sự phát triển của GD địa phương...
Để thay đổi điều này, huyện rẻo cao Kỳ Sơn đã thực hiện một cuộc “cách mạng” mà cụ thể bắt đầu từ “thay máu” đội ngũ những người thầy và nội ngành giáo dục nói chung.Vì vậy, ngành giáo dục huyện đã rà soát lại chất lượng giáo viên và tổ chức bồi dưỡng cho những người chưa đạt yêu cầu.
Nhóm PV Báo Nghệ An đã thực hiện chuyến công tác tại Kỳ Sơn để tìm hiểu rõ thực tế, để có cái nhìn toàn diện về vấn đề.
Đại diện nhóm tác giả, PV Hoàng Mỹ Hà chia sẻ: “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là giải có uy tín, sức lan tỏa lớn. Vì vậy, khi nhận tin tác phẩm của mình đạt giải, tôi và đồng nghiệp cảm thấy rất vui và trân trọng. Giải thưởng là động lực để chúng tôi tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành GD”.
Hồ Lài
Chia sẻ của tác giả Nguyễn Thị Thảo, Giải Nhì (loại hình báo in)
Tác giả Nguyễn Thị Thảo (Phan Thảo, Báo SGGP) đồng tác giả giải Nhì, với loạt bài 4 kỳ về đề tài “Để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài”.
Quan điểm cá nhận này của PGS - TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, một cựu học sinh Trường Ams khóa 1992 - 1995 về mô hình trường chuyên như chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tạo nên các cuộc tranh luận nảy lửa trong cộng đồng mạng cũng như trên nhiều tờ báo về vai trò, sứ mạng của trường chuyên, tình cảm của mô hình trường chuyên trong giai đoạn hiện nay.
Theo tác giả Nguyễn Thị Thảo: Với việc phản ánh thực tế thi vào trường chuyên hiện nay, những tranh cãi luôn hiện hữu về mô hình trường chuyên, mong ước của phụ huynh xã hội về mô hình giáo dục đặc biệt này… bài báo cũng đã đưa ra những kiến nghị để cơ quan quản lý đầu tư mạnh hơn và cải tổ triệt để mô hình.
Thông qua loạt bài, tác giả mong muốn góp thêm tiếng nói để Chính phủ, ngành giáo dục có thêm quyết sách cho vấn đề trường chuyên, để trường chuyên thực sự là nơi bồi dưỡng nhân tài.
Chia sẻ cảm nghĩ về cuộc thi, tác giả Nguyễn Thị Thảo bảy tỏ: Giáo dục luôn là lĩnh vực nóng, được xã hội quan tâm, rất nhiều vấn đề thiết thân đến từng gia đình, con người trong xã hội. Đây là lần thứ 2 chị tham gia cuộc thi. Giải thưởng tiếp thêm động lực để các PV Giáo dục tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, đào sâu, thể hiện sinh động các vấn đề của ngành để phục vụ bạn đọc.
Đức Hạnh
Trao giải Nhất cho 4 tác phẩm
Loại hình báo in:
Tác phẩm: Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh
- Tác giả: Thái Bá Dũng
- Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh
Loại hình báo điện tử
Tác phẩm: Đổi mới giáo dục từ dịch Covid-19 - Tác giả: Đặng Thị Chung, Nguyễn Thị Thùy Linh, Phạm Thị Thảo Anh, Vi Tô Thế, Trần Duy Hưng - Báo Lao động điện tử
Loại hình báo phát thanh
-Tác phẩm: Tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục
- Tác giả: Đào Thị Minh Hường, Nguyễn Thị Thu Hiền
- Ban Thời sự (VOV1) - Đài Tiếng nói Việt Nam
Loại hình báo Truyền hình
- Series phim tài liệu Cha mẹ thay đổi
- Nhóm tác giả: Vũ Thị Việt Nga, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Hồng Hạnh, Trịnh Thanh Hà, Phạm Hoàng Quỳnh Phương, Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Thùy Linh, Nguyễn Lan Chi, Đặng Thị Ngọc Trâm, Nguyễn Hà Thương, Chu Diệu Cẩm Nhung, Trịnh Phương Anh
- Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (Kênh VTV7) - Đài Truyền hình Việt Nam
Chia sẻ của tác giả Đặng Chung, giải Nhất (Loại hình báo Điện tử)
Loạt bài “Đổi mới giáo dục từ dịch COVID-19” do nhóm tác giả của Báo Lao Động (Đặng Chung, Thảo Anh, Thuỳ Linh, Tô Thế, Duy Hưng) đã vinh dự đoạt giải Nhất giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục năm 2020.
Đại diện nhóm tác giả đoạt giải, nhà báo Đặng Chung cho biết: Dịch COVID-19 đã mang đến những khó khăn và thách thức, nhưng học sinh, giáo viên trên cả nước và toàn ngành giáo dục đã biến nó thành động lực để thay đổi và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, với mục tiêu kép “vừa thi vừa chống dịch”; đẩy mạnh dạy học online, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học.
Đặc biệt trong cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19, ngành giáo dục như một điểm sáng trong công tác phòng chống dịch. Không chỉ giữ cho học sinh, sinh viên, giáo viên của mình được an toàn, mà toàn ngành đã xuất hiện những “siêu anh hùng” góp công cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh. Họ là những nhà giáo và chiến sĩ khoa học, sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm khoa học để cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân chống dịch COVID-19.
Về cơ duyên đến với Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, nhà báo Đặng Chung bày tỏ: “Chúng tôi thấy rằng, đây sân chơi chuyên nghiệp dành cho các phóng viên cả nước, đặc biệt là những phóng viên phụ trách mảng Giáo dục. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thể hiện tình yêu báo chí và tinh thần trách nhiệm với ngành Giáo dục nước nhà”.
Vân Anh
Giải Đặc biệt được Ban tổ chức chọn từ 4 các tác phẩm đoạt Giải Nhất
Trong các hạng mục của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” có 1 Giải Đặc biệt được Ban tổ chức chọn từ 4 các tác phẩm đoạt Giải Nhất.
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt năm nay là: "Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh" của tác giả Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ của Tác giả Thái Bá Dũng – Giải đặc biệt:
Tác giảThái Bá Dũng, Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhân tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh”, đoạt giải Đặc biệt Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục năm 2020.
Trong tác phẩm đặc biệt này, một lễ khai giảng đơn sơ với hình ảnh của hai cô giáo tuổi mới đôi mươi tổ chức chu tất cho lũ trẻ vùng cao đã thật sự đánh thức bao ký ức đẹp đẽ, nguyên vẹn về nghề dạy học.
Nhà báo Thái Bá Dũng xức động cho biết: Khi nhận được tin đoạt giải, tôi không có cảm xúc vì thực sự… không dám tin. Thực sự cảm xúc khó diễn tả thành lời.
Với người làm báo, bài viết được đón nhận đã là niềm vui, còn gì hơn khi được tôn vinh trước một làng báo với rất nhiều các tờ báo lớn, nhiều nhà báo giỏi nghề. Xin cám ơn vì tất cả những đồng nghiệp của tôi, cám ơn Báo GD&TĐ, Bộ GD-ĐT và Ban tổ chức đã cho chúng tôi – những người làm báo một cơ hội để có thể chơi, thi thố một cách rất sòng phẳng và chuyên nghiệp.
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự quan tâm của toàn dân đối với ngành giáo dục như ít năm trở lại đây. Cũng chưa bao giờ mà quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện được lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, Bộ GD-ĐT thể hiện mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Chúng tôi, những người làm báo luôn đồng hành và xin là cánh tay nối dài để chuyển tải những thông tin nóng hổi, những thông điệp đổi mới từ ngành giáo dục.
Kim Thoa
Trao giải Nhân vật Ấn tượng
Trong các hạng mục giải của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2020” thì Giải Nhân vật Ấn tượng luôn dành được sự quan tâm lớn của khán giả. Đó là những tấm gương nhà giáo tiêu biểu thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Hai nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm báo chí năm nay gồm:
Nhà giáo Nguyễn Văn Bôn - Nhân vật trong tác phẩm “Anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam và lá thư viết bằng máu” của Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Cô giáo Trà Thị Thu - Nhân vật trong tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” của Báo tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
Kim Thoa -Việt Cường
50 tác phẩm đoạt giải
Trong 62 tác phẩm vào vòng Chung khảo Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020, có 50 tác phẩm đoạt giải, gồm 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba và 26 giải Khuyến khích. 1 giải đặc biệt được Ban giám khảo chọn từ 4 giải A và 3 nhân vật tiêu biểu được chọn trong 2 tác phẩm đoạt giải.
Chia sẻ tại họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020 ngày 12/11, ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại cho biết: Năm 2020, năm thứ ba Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những thành quả, mô hình đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trên mọi miền Tổ quốc. Thống kê cho thấy, có hơn 700 tác phẩm gửi về tham dự Giải. So với 2 mùa Giải trước, nhìn chung chất lượng các tác phẩm tốt hơn; đề tài khá toàn diện và có sự đầu tư công phu về cách thức thể hiện cũng như văn phong bút pháp.
Theo Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại, nội dung các tác phẩm đề cập chân thực, sâu sắc, phản ánh góc nhìn đa chiều đến nhiều khía cạnh của lĩnh vực GD-ĐT: Từ sự hy sinh cống hiến của các giáo viên vùng khó; nỗ lực vượt khó học giỏi của học sinh, đến tinh thần mạnh dạn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhiều giáo viên cũng như các cơ sở giáo dục.
Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng giám khảo đã chọn 62 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đề xuất 50 tác phẩm đoạt giải.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm nay thu hút đông đảo phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương. Các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên đã nhiệt tình hưởng ứng, gửi tác phẩm tham gia. Qua đó cho thấy, sự lan tỏa mạnh mẽ của Giải trong “làng báo” nói riêng và xã hội nói chung.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, Giải năm nay ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện. Giải năm nay có nhiều mảng đề tài được đề cập, trong đó đậm nét nhất là ghi nhận những cống hiến của các nhà giáo cho sự nghiệp “trồng người”; đó là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, sự sáng tạo, tìm tòi của các nhà giáo trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục cũng được các tác giả phân tích thấu đáo, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
PV