Ngày 21/2, Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức Hội thảo “Triển khai xây dựng hệ sinh thái học tập hướng đến giáo dục 4.0”. Đây là một hoạt động quan trọng trong kế hoạch thực hiện dự án EMVITET (Empowering Vietnamese VET Teachers for Transformation towards Education 4.0 - Tăng cường năng lực cho giảng viên Việt Nam hướng đến giáo dục 4.0) là một dự án tăng cường năng lực thuộc chương trình Erasmus+ được tài trợ bởi cộng đồng châu Âu.
Tham gia dự án này có 3 đối tác tại châu Âu là Trường Đại học Khoa học và Ứng dụng Häme (HAMK, Phần Lan), Đại học Dublin (Ireland), Đại học Katholieke (Bỉ) và 6 trường đại học, cao đẳng Việt Nam tham gia gồm: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế.
Theo Ban tổ chức, tại hội thảo các đại biểu sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề chính như: Tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện dự án liên quan đến triển khai xây dựng hệ sinh thái học tập đáp ứng giáo dục 4.0. Các đơn vị và các giảng viên tham gia dự án sẽ báo cáo, chia sẻ các kết quả triển khai việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục 4.0 gồm 3 nội dung trọng tâm: áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số trong dạy học và đánh giá, xây dựng hệ sinh thái học tập mới.
Bên cạnh đó, trao đổi, thảo luận để xây dựng cẩm nang hướng dẫn về giáo dục 4.0 phù hợp với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi thành viên Việt Nam tham gia dự án xây dựng cẩm nang hướng dẫn về giáo dục 4.0 phù hợp với thực tiễn áp dụng của mỗi trường để làm cơ sở cho việc xây dựng và phát triển bền vững hệ sinh thái Giáo dục 4.0 tại trường của mình...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, chuyển đổi số hiện nay là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục Đại học, giáo dục nghề nghiệp, với mục tiêu chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Trong kỷ nguyên số hóa, giáo dục sẽ thay đổi sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học cho đến phương pháp dạy và học.
“Giáo dục thay đổi không chỉ ở những giảng viên giảng dạy mà còn cả cách dạy thông qua chuyển đổi số bao gồm: nền tảng kỹ thuật số, phương tiện kỹ thuật số, thiết bị và phương pháp giảng dạy học tập dựa trên nền tảng công nghệ.
Do đó việc ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần thay đổi hoàn toàn cách giáo dục truyền thống, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy. Mang lại những trải nghiệm sáng tạo cho người dạy và người học. Chính vì thế, các trường tham gia dự án về lâu dài chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao, đa dạng hơn, sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn trong quá trình học tập để từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo…”, PGS.TS Phan Cao Thọ nhấn mạnh.
PGS.TS Ngô Văn Thuyên - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Điều phối viên dự án EMVITET đánh giá, đến thời điểm này, dự án EMVITET đã gần kết thúc, hầu hết các mục tiêu của Dự án EMVITET đã được giải quyết. Điều quan trọng của dự án chính là sự giao lưu giữa các trường Đại học, cao đẳng trong thời gian qua.
“Tôi hy vọng hội thảo sẽ xây dựng thành công cẩm nang hướng dẫn về Giáo dục 4.0, để từ đó lan tỏa của việc áp dụng hệ sinh thái học tập 4.0 đến tất cả các trường”, PGS.TS Ngô Văn Thuyên chia sẻ.
Hội thảo sẽ được tổ chức từ ngày 21/2 đến ngày 25/2.