"Tuyệt đối không làm việc riêng khi đang học online"

GD&TĐ - Xung quanh chuyện clip nhạy cảm trong lúc học online do dịch Covid-19 của một sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) lan truyền rộng rãi trên mạng, một giảng viên luật đã có cuộc trao đổi với PV Báo GD&TĐ.

TS Bùi Kim Hiếu (trái) trong một sự kiện trao bằng tốt nghiệp cho SV.
TS Bùi Kim Hiếu (trái) trong một sự kiện trao bằng tốt nghiệp cho SV.

TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM cho biết:  Chúng ta không thể phủ nhận được phương thức học trực tuyến là cách tuyệt vời dành cho những sinh viên đang có kinh tế khó khăn, đặc biệt là trong thời buổi Covid-19 như hiện nay.

Tuy nhiên, học trực tuyến cũng có những hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, sự tập trung dễ bị phân tán. Trên thực tế, rất ít sinh viên đảm bảo được sự tập trung xuyên suốt toàn buổi học. Chỉ một tiếng động nhỏ cũng đủ làm gián đoạn quá trình tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, việc chăm chú nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại trong khoảng thời gian dài sẽ khiến nhiều người bị mỏi mắt, đau đầu, làm giảm chất lượng của sự tập trung.

Thứ hai, hạn chế tương tác trực tiếp giữa người học và người dạy. Hoạt động trao đổi trực tiếp giữa hai bên không thể diễn ra như trước. Không khí buổi học trở nên nặng nề khi giảng viên chỉ tập trung dạy, cung cấp tài liệu, còn sinh viên chỉ ngồi lắng nghe và ghi chép qua màn hình.

Thứ ba, việc học phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Một trong những nhược điểm lớn nhất của việc học trực tuyến đó là phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Đây cũng là nỗi lo lắng của giảng viên và sinh viên mỗi lần tổ chức và tham gia buổi học. Không ai có thể lường trước được sự cố kĩ thuật sẽ xảy ra trong quá trình truyền đạt thông tin. Đường truyền kém, nghẽn mạng, lỗi ứng dụng… là các yếu tố khiến buổi học trực tuyến bị gián đoạn. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí, sức sáng tạo của người học và làm giảm sự nhiệt huyết, hưng phấn của người dạy.

Thứ tư, sự quản lý của giảng viên đối với sinh viên/người học gặp nhiều hạn chế. Giảng viên không thể nào kiểm soát hết tất cả các hoạt động của sinh viên trong cùng một lúc, đặc biệt là trong những trường hợp lớp học có quá nhiều người học. Đồng thời, giảng viên không thể vừa giảng dạy vừa trình chiếu các nội dung bài giảng lại vừa kiểm soát các hoạt động của sinh viên. Ngoài ra, khi có những tình huống xảy ra thì cho dù có xử lý của giảng viên cũng sẽ rất chậm chạp.

Thứ năm, nguy cơ có thể xảy ra những tình huống/hình ảnh không mong muốn của giảng viên và của cả người học. Nếu không cẩn thận và kiểm tra kỹ các tính năng trình chiếu hay webcam thì trong quá trình giảng dạy có thể những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm của các bên bị chia sẻ rộng rãi.

Ảnh chụp từ clip của nam sinh viên lộ cảnh phòng the với bạn gái ngay khi học trực tuyến.

Ảnh chụp từ clip của nam sinh viên lộ cảnh phòng the với bạn gái ngay khi học trực tuyến.

-Từ sự cố đáng tiếc xảy ra với clip được cho là của một sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) lan truyền rộng rãi trên mạng gây xôn xao dư luận, theo ông cần phải làm gì để nâng cao chất lượng việc dạy và học trực tuyến?

- Dù tồn tại bất cập nhưng không thể phủ nhận rằng, học trực tuyến chính là giải pháp hữu hiệu nhất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Nhiều trường đại học trên cả nước đã lựa chọn hình thức học này để duy trì chương trình giảng dạy và đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội. Nếu phải học trực tuyến lâu dài, mỗi sinh viên cần tích cực rèn luyện sự tập trung, nâng cao tinh thần tự giác, chủ động để việc học diễn ra suôn sẻ và đạt chất lượng cao nhất.

Để đạt được mục tiêu trên cần phải có sự phối hợp giữa các đối tượng liên quan là giảng viên, sinh viên và cơ sở đào tạo.

Về phía giảng viên: Thứ nhất, mỗi thầy cô giáo cần lựa chọn kỹ thuật dạy học trực tuyến. Căn cứ vào đặc thù và điều kiện của sinh viên để lựa chọn các phần mềm sao cho phù hợp. Từ đó, kiểm tra tốt hệ thống đường truyền, máy móc và các điều kiện phục vụ cho dạy trực tuyến.

Thứ hai, trước khi tiến hành bài giảng, mỗi thầy cô giáo phải xác định mục tiêu cần đạt trong bài giảng, xác định trọng tâm kiến thức hay kiến thức cơ bản cần truyền đạt đến sinh viên. Do điều kiện thời gian, yếu tố tương tác nên trong một khoảng thời gian nhất định, giảng viên không thể dạy hết các đơn vị kiến thức trong bài mà cần chú trọng đến kiến thức trọng tâm, lược bỏ những phần không nhất thiết phải dạy trong bài.

Thứ ba, giảng viên cần đầu tư cho những tiết giảng của mình thật sinh động, thu hút, vận dụng các ứng dụng, công nghệ phần mềm để kích thích và tăng cường tương tác với sinh viên.

Thứ tư, giảng viên cần phải có những quy định rõ ràng, chặt chẽ về tác phong, phương pháp học tập đối với sinh viên. Giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng trong từng buổi học cho sinh viên hoặc nhóm sinh viên.

Thứ năm, giảng viên phải là người làm chủ được tình huống và luôn dự phòng trước một số tình huống phát sinh. Cần có sự tương tác với sinh viên để tránh sinh viên làm việc riêng trong giờ học.

Về phía sinh viên: sinh viên cần phải xác định việc học tập là cho tương lai của mình, do vậy cần phải có thái độ học tập thật nghiêm túc cho dù học theo hình thức nào.

Thứ nhất, sinh viên tuyệt đối không làm việc riêng khi đang học. Việc mở webcam khi học có thể dẫn đến những trường hợp khóc dở mếu dở. Do vậy phải thật cẩn thận bởi vì một thoáng sơ sẩy thì webcam ‘phản chủ’ và trả giá đắt ngay". Hãy nói không với việc làm chuyện khác khi đang học. Hoặc trường hợp cần thiết buộc phải rời lớp học nên xin phép giảng viên và tạm thời tắt webcam. Có như vậy thì sẽ không rơi vào cảnh ‘bẽ mặt’ trước giảng viên và sinh viên học cùng.

Thứ hai, sinh viên cần cần phải cẩn trọng và có những phòng ngừa. Bởi vì, việc học trực tuyến như nói trên luôn tiềm ẩn những rủi ro nếu như sinh viên lẫn giảng viên hớ hênh, sơ hở. Do vậy, sinh viên phải luôn trong tâm thế học nghiêm túc dù là trực tuyến. Hãy chuẩn mực ngay trong tác phong và hành xử. Phải luôn cẩn trọng với webcam và micro vì cùng một lúc có rất nhiều người quan sát, ghi lại những hành vi của chúng ta.

Về phía cơ sở đào tạo: Trước tình hình thực tế hiện nay, mỗi cơ sở đào tạo cần phải ban hành quy chế về tổ chức và quản lý đào tạo trực tuyến trong đó quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dạy và người học.

-Hành vi lan truyền clip nhạy cảm có bị coi là vi phạm pháp luật không?

- Dù cố ý hay vô ý, hành vi lan truyền clip, đặc biệt là các clip riêng tư là hành động cực kỳ đáng lên án, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bên cạnh đó người lan truyền, người phát tán clip này nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ phải đối diện với tội danh “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hành vi phát tán clip nhạy cảm bằng hình thức mạng xã hội facebook đã vi phạm điểm g khoản 2 Điều 326, tùy tính chất vi phạm, người vi phạm sẽ có thể đối diện với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 15 năm, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

   -Xin cảm ơn ông.

"Hiện tại, các trường chỉ kiểm soát việc người lạ thì không cho vào lớp học trực tuyến để không bị ảnh hưởng, còn với sinh viên của lớp thì quan trọng là ý thức người học. Tất nhiên, ở góc độ khác về vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thì vẫn có thể xử lý SV..." - TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM bàn luận về vấn đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ