Soạn giáo án Ngữ văn theo phương pháp tổ chức hoạt động

GD&TĐ - Theo quan điểm của PGS Hoàng Hòa Bình (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), để tổ chức hoạt động đạt hiệu quả, giáo án cần được biên soạn thích hợp với từng kiểu bài học trong SGK.

Soạn giáo án Ngữ văn theo phương pháp tổ chức hoạt động

Về các bài học lí thuyết

Các bài học lí thuyết Tiếng Việt và Làm văn trong SGK hiện nay có thể gồm 3 phần (Nhận xét, Ghi nhớ, Luyện tập) hoặc 2 phần (Bài học, Luyện tập).

Kiểu bài có cấu tạo ba phần có thể coi là bản thiết kế hoạt động của học sinh (HS) nhằm chiếm lĩnh kiến thức và phát triển kĩ năng theo đúng quá trình nhận thức của con người: bắt đầu từ quan sát thực tế đi đến khái quát hoá, rồi từ nhận thức khái quát trở về thực tế khách quan.

Trong kiểu bài này :

Phần Nhận xét cung cấp ngữ liệu và nêu câu hỏi (bài tập) gợi ý cho HS phân tích nhằm rút ra kiến thức lí thuyết.

Phần Ghi nhớ chốt lại những điểm chính yếu về kiến thức được rút ra từ việc phân tích ngữ liệu.

Còn Luyện tập là phần củng cố và vận dụng kiến thức đã học.

Đối với kiểu bài này, để tổ chức hoạt động cho HS, giáo viên (GV) chỉ cần thực hiện đúng trình tự các công việc nêu trong SGK: cho HS phân tích ngữ liệu, rút ra những điều cần ghi nhớ và làm bài tập thực hành.

Hoạt động phân tích ngữ liệu được tiến hành theo trình tự các câu hỏi trong SGK. Về nguyên tắc, các câu hỏi trong sách đã được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. 

Căn cứ vào tình hình cụ thể, GV có thể chia các câu hỏi này thành những câu hỏi nhỏ hơn cho dễ hiểu hoặc dễ thực hiện nhưng không nên thay đổi trình tự của chúng.

Kiểu bài có cấu tạo hai phần chỉ xuất hiện trong SGK THCS, THPT, trong đó phần Bài học trình bày kiến thức lí thuyết giống như một bài nghiên cứu hoặc phổ biến khoa học, còn phần Luyện tập dùng để củng cố, vận dụng kiến thức đã học.

Đối với kiểu bài này, GV cần giao nhiệm vụ cho HS đọc SGK, tự tổng hợp hoặc trao đổi với bạn để tổng hợp những vấn đề nêu trong sách rồi trình bày trước nhóm hay trước lớp.

Khi một HS trình bày, GV hoặc các HS khác có thể đặt thêm câu hỏi hoặc phát biểu ý kiến của mình để khai thác sâu thêm vấn đề. Khi tổng hợp ý kiến HS, GV không nhất thiết phải thuyết trình toàn bộ nội dung trong SGK mà nên chọn những vấn đề quan trọng, lí thú hoặc vấn đề trong thảo luận còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Kiểu bài tập đọc và bài học về tác phẩm

Khó nhất trong giảng dạy môn Ngữ văn là việc thực hiện PP tổ chức hoạt động đối với các bài tập đọc trong SGK Tiểu học và bài học về tác phẩm trong SGK THCS, THPT. Những bài học này thường gồm hai phần là văn bản (có thể kèm theo tiểu dẫn, chú thích) và câu hỏi hướng dẫn đọc - hiểu văn bản.

Đối với những bài này, trước đây, GV thường áp dụng PP thuyết trình (thông báo kèm theo phát vấn). Theo PP tổ chức hoạt động, GV có thể áp dụng cách dạy như dạy các bài lí thuyết Tiếng Việt và Làm văn có cấu tạo hai phần.

Cụ thể :

GV giao nhiệm vụ cho HS đọc SGK, tự trả lời hoặc trao đổi với bạn để trả lời những câu hỏi nêu trong sách rồi trình bày trước nhóm, trước lớp.

GV có thể tham gia thảo luận với một vài nhóm và tổng kết cuộc thảo luận chung của cả lớp bằng cách phát biểu ý kiến riêng của mình về những vấn đề quan trọng, lí thú hoặc vấn đề trong thảo luận còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Về các bài học thực hành

Bên cạnh các bài lí thuyết, SGK Ngữ văn còn có kiểu bài thực hành, là :

Những bài củng cố kiến thức, kĩ năng đã học ở bài lí thuyết trước đó (bài tập có trong SGK Tiểu học và các phần Tiếng Việt, Làm văn trong SGK THCS, THPT). Cách dạy các bài này giống như dạy phần Luyện tập ở bài lí thuyết.

Những bài vận dụng kiến thức và kĩ năng đọc - hiểu đã tích luỹ được qua giờ học một tác phẩm tiêu biểu để phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học khác cùng thể loại (phần Văn học).

Ví dụ, trong SGK Ngữ văn 6, tập một, các văn bản được bố trí thành từng cụm theo thể loại: Con Rồng cháu Tiên, Bánh chưng - bánh giầy, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Sự tích Hồ Gươm (thể loại truyền thuyết); Sọ Dừa, Thạch Sanh, Em bé thông minh, Cây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng (thể loại cổ tích); Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Đeo nhạc cho mèo, Chân – Tay – Tai – Mắt – Miệng (thể loại ngụ ngôn); Treo biển, Lợn cưới - áo mới (thể loại truyện cười),...

Giờ học tác phẩm đầu tiên trong mỗi cụm tác phẩm là giờ quan trọng nhất đối với mỗi thể loại. Mục tiêu của giờ học này không chỉ là giúp HS hiểu nội dung, ý nghĩa và một số đặc điểm của tác phẩm mà còn giúp các em bước đầu nắm được đặc trưng của thể loại thông qua tác phẩm đó, tức là trang bị cho các em chiếc chìa khoá để khám phá các tác phẩm khác cùng thể loại.

Với ý nghĩa này, có thể coi những bài học tiếp theo về các tác phẩm cùng thể loại như những bài luyện tập, mà ở đó vai trò chủ động của HS trong việc chiếm lĩnh tác phẩm cần được đề cao hơn.

GV sẽ dạy kĩ, dạy sâu tác phẩm mở đầu mỗi thể loại bằng PP phân tích mẫu. Với những tác phẩm còn lại, GV tạo điều kiện cho HS vận dụng những hiểu biết đã được hình thành qua phân tích văn bản mẫu để hiểu vững chắc hơn đặc trưng thể loại của tác phẩm, từ đó có khả năng cảm thụ những tác phẩm sẽ được đọc ngoài nhà trường.

Cách dạy này mang đặc điểm của chương trình hướng năng lực, coi trọng sự phát triển năng lực (khác chương trình hướng nội dung, chú trọng cung cấp kiến thức của những giai đoạn đã qua), đồng thời giải quyết được mối quan hệ giữa tính điển dạng với tính đơn nhất của tác phẩm văn chương.

Thực tế cho thấy: Mặc dù ba cấp học phổ thông dạy đến cả nghìn giờ văn nhưng khi tiếp xúc với văn chương HS vẫn không hiểu, không đánh giá được cái hay cái dở của tác phẩm.

Thực ra, mỗi tác phẩm văn chương là một sáng tạo đơn nhất, để hiểu nó không thể xuất phát từ những khuôn hình đánh giá có sẵn.

Nhưng nếu nhà trường, thông qua việc phân tích những tác phẩm điển dạng, có thể giúp HS nắm được PP tiếp cận tác phẩm thì chắc chắn các em sẽ đỡ bỡ ngỡ khi đối diện với tác phẩm ngoài nhà trường.

Để làm được điều này, không cần dạy nhiều mà chỉ cần dạy kĩ 1, 2 tác phẩm (hay trích đoạn tác phẩm) tiêu biểu cho mỗi thể loại, mỗi thời kì, mỗi trào lưu sáng tác; sau đó có những tác phẩm (hoặc trích đoạn) đọc thêm, coi như là những bài tập. Như vậy, HS sẽ tập được thói quen vận dụng những điều đã học vào thực tế...

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ