Sinh viên năng động nhờ phương thức đào tạo “mềm dẻo”

GD&TĐ - Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số được đặt ra cấp bách đối với các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề. Một trong những giải pháp được trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện hiệu quả là triển khai phương thức đào tạo “mềm dẻo”, linh hoạt.

Nền kinh tế số đòi hỏi nguồn nhân lực phải năng động và linh hoạt.
Nền kinh tế số đòi hỏi nguồn nhân lực phải năng động và linh hoạt.

Phương thức đào tạo linh hoạt và mềm dẻo

Hiện, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đang tiến hành 3 phương thức đào tạo. Thứ nhất, đó là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE (Professional Oriented Higher Education). Mô hình giáo dục này lấy nhu cầu của các nhà tuyển dụng cũng như yêu cầu về năng lực làm việc thực tiễn là cơ sở để từ đó đào tạo ra các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đi làm ngay, dễ dàng thích ứng với môi trường công việc, không cần đào tạo thêm hay đào tạo lại từ đầu, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực cho xã hội.

Chương trình đào tạo theo hướng mở và dựa vào năng lực của người học. Qua đó, phẩm chất nghề nghiệp của sinh viên được xác định rõ ràng. Các cơ sở sử dụng lao động cũng tham gia vào quá trình đào tạo. Phương pháp học dựa vào năng lực cá nhân.

Thứ hai, chương trình đào tạo dựa trên tự chủ học thuật của người giảng viên. Hình thức này nhằm đổi mới căn bản toàn diện hoạt động tổ chức đào tạo tại các khoa và của người giảng viên, từ khâu xây dựng, phát triển chương trình đến hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng như công tác giảng dạy và bồi dưỡng của người giảng viên. Trên cơ sở đó tạo ra các sản phẩm đào tạo, mà cụ thể ở đây là người học dễ dàng tiếp cận thị trường lao động. Bên cạnh đó, mô hình đào tạo này còn phát huy vai trò của người giảng viên trong hoạt động học thuật và tiếp cận cơ chế tự chủ của khoa đào tạo.

Theo TS. Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, chương trình đào tạo này đã tập trung giải quyết được những vấn đề về phát triển chương trình đào tạo, hoạt động giảng dạy (trong đó có các hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp), kiểm tra, đánh giá, cố vấn học tập, phát triển học liệu, liên kết, hợp tác với đối tác doanh nghiệp.

Thứ ba, là đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh tiếp thu những mô hình nói trên, các khoa của Trường Đaị học Thủ đô Hà Nội thiết kế chương trình đào tạo chất lượng cao trên cơ sở của việc trang bị trang bị kỹ năng ngoại ngữ để có thể thực hành nghề nghiệp một cách hiệu quả.

Cô và trò trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Cô và trò trường Đại học Thủ đô Hà Nội 

Các nhóm giải pháp

Để thực hiện phương thức đào tạo một cách “mềm dẻo”, linh hoạt, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội – T.S Lê Thị Thu Hương cho rằng cần thay đổi hình thức quản trị trường đại học, nhân sự, chương trình đào tạo, tư duy người học và nhà sử dụng lao động.

Nhà trường đã tháo bỏ cơ chế quản lý tập trung và những quy định hành chính cứng nhắc. Phát huy tính sáng tạo và đề cao tinh thần tự chủ của người giảng viên trong hoạt động nghề nghiệp. Tích hợp và xây dựng chương trình theo nhóm ngành để người học có cơ hội học thêm ngành đào tạo trong quá trình học tập (học cùng lúc 2 chương trình); chuyển đổi ngành đào tạo (dịch chuyển nhóm ngành); học nâng cao trình độ (đào tạo sau đại học); bồi dưỡng sau tốt nghiệp (đáp ứng các yêu cầu của nghề nghiệp thay đổi).

Chương trình đào tạo đảm bảo 2 yếu tố là nền tảng toàn cầu và tư duy nghề nghiệp. Đội ngũ các nhà tuyển dụng được tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức thực hiện.

“Đối với sinh viên, chúng tôi muốn xây dựng phương thức đào tạo linh hoạt để khi ra trường và những năm sau, các bạn sinh viên không phải “giá như” hay hối tiếc về sự lựa chọn lúc nhập học bởi trong suốt quá trình học tập, sinh viên được tiếp cận với lượng kiến thức rộng, đa dạng, phù hợp với cá tính, năng lực cá nhân, có thể theo đuổi ước mơ mà không sợ ước mơ có thể giết chết công việc mưu sinh”, TS. Lê Thị Thu Hương chia sẻ.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có 23 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Toàn trường có 1 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư, 57 Tiến sĩ và 172 Thạc sĩ. Đội ngũ nhân sự kinh nghiệm, trình độ cao và khả năng nghiên cứu tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.