Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát, bổ sung quy định về mở ngành đào tạo, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH khi mở ngành cần khảo sát nhu cầu của người học, của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Để công tác đào tạo ngày càng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, từng bước nâng cao khả năng có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo của sinh viên sau khi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 5694/BGDĐT-GDĐH ngày 14/12/2018 chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH, các trường cao đẳng và trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên thực hiện một số công việc:
Thứ nhất: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 9/12/2008 quy định nội dung và các điều kiện đảm bảo thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong cơ sở giáo dục ĐH và trung học chuyên nghiệp. Thứ 2: Tổ chức thực hiện việc khảo sát, công khai và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hằng năm. Thứ 3: Thực hiện các giải pháp để công tác đào tạo của cơ sở đào tạo tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động. Thứ 4: Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm và Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH công lập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trường sư phạm và các cơ sở giáo dục ĐH công lập, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời sáp nhập, giải thể những cơ sở giáo dục ĐH, những ngành đào tạo không đạt chuẩn chất lượng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để hỗ trợ công tác xây dựng kế hoạch đào tạo, phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục ĐH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình (Khoản 3 Điều 68). Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành khác để đẩy mạnh dự báo thị trường lao động, làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, củng cố các điều kiện bảo đảm chất lượng để đáp ứng yêu cầu của thị trường.