Sân khấu hóa môn Ngữ văn: Đâu là điểm dừng?

Việc sân khấu hóa môn Ngữ văn cần xác định đâu là ngưỡng an toàn để người dạy, người học không đi quá xa trong quá trình thăng hoa cùng nghệ thuật.

Sân khấu hóa môn Ngữ văn: Đâu là điểm dừng?

Việc mới đây một giáo viên tại TP HCM bị nhà trường kỷ luật do cho học sinh lớp 11 đóng cảnh nhạy cảm trong quá trình sân khấu hóa môn Ngữ văn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để hoạt động sáng tạo này được duy trì và đâu là ngưỡng an toàn để người dạy, người học không đi quá xa trong quá trình thăng hoa cùng nghệ thuật.

Là người đưa ra hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học với mong muốn tạo thêm hứng thú học tập cho học sinh, ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản ở quận 12, TP HCM cho biết vô cùng bức xúc khi bị nhà trường kỷ luật. Lý do nhà trường phản ứng gay gắt với ông Đạt chính là việc xuất hiện một vài phân cảnh nhạy cảm do chính học sinh thực hiện trong quá trình sân khấu hóa một số tác phẩm như Quan Âm Thị Kính, Bỉ vỏ, Số đỏ. 

san khau hoa mon ngu van: dau la diem dung? hinh 1
Một cảnh tái hiện nhân vật Tám Bính trong "Bỉ vỏ" bị hãm hiếp (Ảnh: Cắt từ video của học sinh quay lại).

Giáo viên Phạm Quốc Đạt cho rằng ông đồng ý để học sinh tái hiện phân cảnh nhân vật Xuân Tóc Đỏ và Tuyết ân ái hay cảnh Tám Bính bị hãm hiếp vì đó là phân cảnh thể hiện nghịch cảnh cũng như tính cách của nhân vật. Theo thầy giáo này, các em học sinh đã chọn cách tinh tế để thể hiện chứ không trần trụi, dung tục nên có thể chấp nhận được. Vậy nên, thầy giáo này khá bất ngờ khi nhận về những phản ứng trái chiều gay gắt từ phía nhà trường và một bộ phận trong dư luận.

Ông Phạm Quốc Đạt tâm tư: “Một bộ phận trong dư luận không đồng ý với điều này là do họ chưa được xem trực tiếp toàn bộ vở kịch mà các em học sinh đã đầu tư rất công phu trong từng khâu. Thứ hai là phân cảnh nhạy cảm nhỏ đó cần được đặt trong bối cảnh, ngữ cảnh của vở kịch chứ không thể bóc tách ra theo động cơ của người làm rò rỉ phân cảnh này”.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học, dạy học theo dự án là những phương pháp giáo dục được nhiều giáo viên trẻ tại TP HCM mạnh dạn triển khai trong vài năm trở lại đây. Cách truyền đạt kiến thức sáng tạo này khiến đa phần học sinh cảm thấy thích thú.

Một học sinh bày tỏ:  “Việc sân khấu hóa môn Ngữ văn rất hay vì giúp sinh động hóa môn học và làm cho học sinh cảm thấy thích thú học tập”.

Học sinh khác nêu quan điểm: “Em cảm thấy việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học giúp cho các bạn học sinh dễ tiếp thu kiến thức, đồng thời đây cũng là cơ hội để các bạn bộc lộ tài năng diễn xuất”.

“Việc sân khấu hóa những môn xã hội như vậy sẽ giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức bài học. Theo em, tuy theo tác phẩm mà có điểm dừng khác nhau và tuy theo cách nhìn của mỗi người mà điểm nhạy cảm cũng khác nhau”, một học sinh khác chia sẻ.

Là người thường xuyên sân khấu hóa tác phẩm văn học, ông Đỗ Đức Anh, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân ở Quận 1 cho rằng, vụ việc này nếu không xử lý khéo có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của không ít giáo viên. Trong quá trình sáng tạo, giáo viên có thể gặp thiếu sót do không thể giỏi hết các lĩnh vực nhưng khi người thầy chọn cách làm công phu này chứng tỏ họ tâm huyết, yêu nghề và quan tâm đến học sinh. Trước khi đi đến quyết định kỷ luật, cần có một hội đồng thẩm định đầy đủ chuyên môn để phân tích cụ thể từng phân cảnh chứ không thể nhận xét theo cảm tính chủ quan. Vì nếu không có cái nhìn thiện cảm với sự phá cách, nhà trường có thể tạo ra rào cản hạn chế óc sáng tạo của người thầy trên bục giảng.

Ông Đỗ Đức Anh phân tích: “Cái gì mới mẻ bao giờ cũng gây ra tình trạng người ta khó đồng thuận, chấp nhận nên sự sáng tạo rất dễ bị đốn ngã ngay lập tức. Nếu như người thầy không đủ mạnh mẽ, không đủ bản lĩnh thì sẽ rất sợ hãi khi phải đối diện với những điều này. Chắc chắn quyết định kỷ luật này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các giáo viên, nhất là giáo viên trẻ. Người ta có tâm huyết, sáng tạo nhưng bây giờ như bị dội một gáo nước lạnh”.

Đồng ý với quan điểm này nhưng bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft cho rằng bản thân người thầy cũng cần rút kinh nghiệm sau sự cố đáng tiếc. Ngữ văn không đơn thuần là môn học truyền đạt kiến thức mà còn dạy học sinh cách làm người. Bên cạnh yếu tố nhạy cảm, chính trị, người thầy cần có quan điểm vững vàng để định hướng cho học sinh.

Muốn làm tốt điều này, cả thầy và trò cần chuẩn bị thật kỹ các khâu, nhất là kịch bản để lọc bớt yếu tố rủi ro nhưng vẫn đảm bảo giá trị tác phẩm. Các thành viên tổ bộ môn trong trường cũng cần phải thường xuyên phản biện, góp ý để giúp giáo viên nhìn lại quá trình sáng tạo và điều chỉnh hợp lý nếu cần.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên nói:“Trong bất kỳ môn học nào khi sáng tạo, người thầy cũng phải hình dung ra được hiệu quả và cả hậu quả của phương pháp đó. Đó là kỹ năng nghề nghiệp của các thầy cô giáo. Mặc dù sáng tạo nhưng chúng ta vẫn phải theo sợi chỉ đỏ xuyên suốt để không đi quá lố hay dẫn đến phản ứng ngược”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, điều quan trọng là nhà trường và giáo viên phải ngồi lại cùng nhau để tìm ra tiếng nói chung trong các vụ việc như thế này. Vì nếu trường cứ cứng nhắc thì vô tình sẽ khiến không ít giáo viên e dè đổi mới, chọn cách dạy an toàn. Khi đó, người chịu thiệt chính là học sinh.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ