Ôn thi THPT môn Hóa học: Học tốt lý thuyết để “rinh” điểm cao

GD&TĐ - Theo cô Nguyễn Hằng - giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), từ việc nghiên cứu ma trận đề thi Kỳ thi THPT quốc gia cho thấy, lý thuyết nhiều hơn bài tập. Câu hỏi lý thuyết thường ngắn gọn, gắn liền với thực tiễn. Do đó cần học tốt phần lý thuyết để có thể “rinh” điểm cao về cho mình.

Cô Nguyễn Hằng chia sẻ kinh nghiệm về ôn thi THPT quốc gia môn Hóa học. Ảnh: T.G
Cô Nguyễn Hằng chia sẻ kinh nghiệm về ôn thi THPT quốc gia môn Hóa học. Ảnh: T.G

Bật mí về phương pháp tổ chức ôn tập

Cô Hằng cho biết, để giúp học sinh nắm chắc kiến thức lý thuyết, Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tổ chức thi vấn đáp cho HS khối 12. Theo đó, đề thi vấn đáp tập trung vào kiến thức cơ bản, không để HS có tâm lý ỷ lại vào sự may rủi. Qua đó đã thúc đẩy được việc học lý thuyết của học sinh, giúp nâng cao kết quả bài thi trắc nghiệm.

Cùng với đó nhà trường đã xây dựng hệ thống câu hỏi ôn tập theo các cấp độ: Biết, hiểu, vận dụng và giao nhiệm vụ sát với từng đối tượng HS để các con tự tin học tập tiến bộ. Đồng thời xây dựng bộ đề thi thử từ dễ đến khó và sát dần với ma trận đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để học sinh được rèn luyện kỹ năng làm bài thi.

Tuy nhiên, theo cô Hằng, về phía giáo viên, trước hết cần làm công tác tâm lý, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của HS, để động viên khích lệ kịp thời khi thấy HS có biểu hiện chệch choạc trong học tập. Kiểm tra miệng, vấn đáp thường xuyên để thúc đẩy việc học lý thuyết của HS.

Ngoài ra, giáo viên dạy thật kĩ các kiến thức cơ bản, yêu cầu HS học đến đâu chắc đến đó, không tham kiến thức ở cấp độ vận dụng, vận dụng cao. Mặt khác, giáo viên chủ động đổi mới phương pháp dạy học: Xây dựng nhóm học tập, giao cho nhóm trưởng kèm và kiểm tra lý thuyết nhóm HS đó.

Bên cạnh đó, giáo viên cần thường xuyên có bài kiểm tra khảo sát để HS được rèn kĩ năng làm bài, giáo viên đánh giá được hiệu quả học của HS, thông báo để phụ huynh biết lực học của con. Cùng với đó, phân loại trình độ HS ngay trong lớp được phân công giảng dạy. Phân dạng bài tập phù hợp, sát đối tượng để HS có hứng thú làm bài.

Giáo viên cũng có thể áp dụng phương thức: Có thưởng, có phạt với những HS tích cực ôn tập và những HS còn lười, ham chơi, chưa chú ý vào học tập. Đồng thời thường xuyên chủ động liên hệ, trao đổi về tình hình học tập của HS với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh để kịp thời xử lý, giúp HS có thái độ đúng đắn hơn, tích cực hơn trong học tập.

Những lưu ý quan trọng

Về nội dung lý thuyết cô Hằng lưu ý, cả giáo viên và học sinh nên tham khảo đề thi của những năm trước và bám sát vào đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố. Tuy nhiên, cần tập trung vào các mảng kiến thức sau:

Thứ nhất: Phần tính chất vật lý, trạng thái tự nhiên, ứng dụng của các chất. Theo phán đoán của cô Hằng, phần này sẽ có một số câu hỏi trong khi học sinh thường bỏ qua, chỉ tập trung học tính chất hóa học.

Thứ hai: Phần lý thuyết hóa học đại cương. Học sinh nên ôn kỹ lý thuyết về phản ứng hóa học, phản ứng oxy hóa khử, sự điện li, thuyết cấu tạo hóa học...

Thứ ba: Kiến thức cơ bản thường gặp trong cấu trúc đề thi như: Hiđrocacbon, ancol, phenol, anđehit, axit cacboxylic, este, chất béo, cacbohiđrat, amin, aminoaxit, peptit, protein, polime, các kim loại (IA, IIA, nhôm, sắt, crom) và hợp chất của chúng, các phi kim (nitơ, photpho, cacbon, silic) và hợp chất của chúng.

Theo cô Hằng, phần lý thuyết của môn Hóa học trong đề thi chiếm tỉ lệ khá nhiều và câu hỏi đa dạng, nên để ghi nhớ học sinh cần soạn riêng những kiến thức tiêu biểu như: Phản ứng thủy phân; tráng gương; lưỡng tính; phân loại polime; kim loại phản ứng với: Nước, axit, dung dịch muối…

Công thức của: Hiđrocacbon, ancol, phenol, anđehit, axit, este, cacbohiđrat, amin, aminoaxit, polime, nước cứng, thạch cao, phèn chua, criolit, boxit, hematit, manhetit, pirit sắt, xiđerit...; số lượng đồng phân (hiđrocacbon, ancol, anđehit, axit, este, amin, aminoaxit, peptit)…

Tính chất vật lý chung của kim loại như: Kim loại nào dẻo nhất/cứng nhất/mềm nhất/dẫn điện và dẫn nhiệt tốt nhất….

Ngoài ra, một số câu tổng hợp, đòi hỏi phải hiểu và vận dụng nhiều kiến thức. Ví dụ: Cho dãy các chất, có bao nhiêu chất tác dụng với...? cho một số phát biểu, có bao nhiêu phát biểu đúng?

“Học sinh cần phải hệ thống hóa nội dung ôn tập với các phần kiến thức có liên quan khác. Ví dụ: Ôn tập về oxit và hiđroxit nhôm có tính chất lưỡng tính; từ đó mở rộng cho các chất có tính lưỡng tính là: Muối axit của axit yếu; muối tạo bởi bazơ yếu và axit yếu; oxit và hiđroxit của: Crom (III), kẽm, thiếc, chì; aminoaxit...” - cô Hằng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ