Ôn tập thi THPT quốc gia năm 2019: Những lưu ý theo đặc thù bộ môn

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Lập kế hoạch ôn tập bài bản, nội dung ôn tập sát đối tượng

Về ôn tập các môn thi, giáo viên phải bám sát các công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, của trường và tổ nhóm để chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập, kiến thức của chương trình theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học và thi THPT quốc gia năm 2019.

Kế hoạch ôn tập tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Giáo viên bám sát đề minh họa thi THPT quốc gia của Bộ năm 2019 để biên soạn đề kiểm tra thi thử (1 đề/tuần).

Trong quá trình ôn thi cho học sinh, giáo viên thực hiện ôn theo 2 vòng. Vòng 1: ôn tập theo từng bài học, từng chủ đề, từng chương cụ thể. Vòng 2: ôn tập theo từng chuyên đề tổng hợp nhằm sâu chuỗi kiến thức của các chủ đề, các bài học. Ở giai đoạn này, giáo viên dựa vào cấu trúc đề thi minh họa của Bộ để xây dựng đề thi thử nhằm luyện tập, kiểm tra kiến thức của học sinh.

Giáo viên biên soạn nội dung ôn tập theo hướng phân hóa học sinh. Cụ thể: Đối với học sinh thi để lấy điểm xét tốt nghiệp, giáo viên chỉ ôn tập cho học sinh những kiến thức cốt lõi, rèn những kĩ năng cơ bản. Đối với học sinh thi để lấy điểm xét ĐH, CĐ, ngoài ôn tập cho học sinh kiến thức cốt lõi, rèn kĩ năng cơ bản, giáo viên tập trung ôn cho các em những kiến thức mở rộng, những chuyên đề mang tính chất chuyên sâu và những kĩ năng chuyên biệt.

Giáo viên hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập bằng cách tự lập sơ đồ tư duy và làm bài tập ở nhà để củng cố kiến thức qua từng bài học, từng chương. Thầy cô cũng có thể cho học sinh đăng ký điểm theo khả năng thực tế, qua đó hướng dẫn học sinh lập kế hoạch, phương pháp ôn tập hiệu quả. Hướng dẫn học sinh tự tìm kiếm nguồn đề chất lượng để luyện tập…

Lưu ý khi làm bài thi

Các thầy cô dạy Lịch sử lưu ý học sinh: Không nhất thiết phải làm theo trình tự, số thứ tự của câu hỏi. Câu nào thấy dễ và tự tin thì làm trước, câu khó làm sau. Đọc kỹ yêu cầu của câu hỏi và tìm “từ khóa”, có thể lấy bút chì khoanh tròn hoặc gạch chân “từ khóa” đó để lựa chọn phương án trả lời với những kiến thức nào.

Đây được xem là cách để học sinh giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm kiến thức. Nếu không nhớ chính xác phương án trả lời, thí sinh không nên đoán mò hoặc khoanh bừa đáp án một cách may rủi mà cần dùng phương pháp loại trừ để lựa chọn đáp án mình cảm thấy khả thi nhất.

Với môn Giáo dục công dân, thầy cô nhấn mạnh, học sinh cần chú ý phân tích đề, nội dung kiến thức cần thi; xác định mức điểm từng cấp độ nhận thức, nội dung kiến thức ứng với từng mức điểm đó. Ngoài việc mang đủ dụng cụ cần thiết, chủ động tâm thế làm bài, học sinh nên chọn làm những câu chắc chắn (trong vùng kiến thức thế mạnh của bản thân) hoặc câu dễ trước.

Không dành quá nhiều thời gian cho câu khó ngay từ đầu (vì điểm các câu là như nhau). Đánh dấu rõ ràng những câu chưa làm xong. Đảm bảo có điểm tối đa trong phần nhận biết, thông hiểu. Cuối cùng quay lại những câu khó; đảm bảo không để trống đáp án, không tô 1 câu 2 đáp án. Soát lại phiếu trả lời kỹ, đối chiếu lại kết quả từng câu trong đề và đáp án trước khi hết giờ.

Riêng môn Địa lý, ngoài các lưu ý như trên, học sinh cần rèn luyện kĩ năng nhận dạng biểu đồ, kĩ năng tính toán, kĩ năng nhận xét, kĩ năng sử dụng Atlat. Thành thục kĩ năng này là ưu thế giúp học sinh tự tin và có thể ăn chắc một số điểm nhất định trong bài thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ