Liệu robot có thể làm thay vai trò của người thầy?

GD&TĐ - Trong vài năm trở lại đây, thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp 4.0” đã trở nên dần quen thuộc với tất cả các ngành nghề và giáo dục cũng không ngoại lệ. Trong một thế giới không ngừng phát triển với công nghệ, nhiều ngành nghề lao động chân tay đã được thay thế bằng robot nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cũng như tiết kiệm được nguồn nhân lực từ con người. Một số câu hỏi được đặt ra: Liệu robot có thể làm thay vai trò của người thầy?

Liệu robot có thể làm thay vai trò của người thầy?

Trong xu thế chung của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những giáo viên nào sẽ tiếp tục được phát triển?. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu lên những quan điểm nhận định cá nhân từ thực tế bản thân để phần nào trả lời các câu hỏi bên trên.

Giáo viên cần đón nhận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thế nào?

Trong những năm tới, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những thay đổi mạnh mẽ trong cách giáo dục để đáp ứng lại những thay đổi của công nghệ mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Công nghệ có khả năng xác định lại cách chúng ta làm việc. Đó sẽ là một khoảng thời gian thú vị nhưng không kém phần lo lắng đối với tất cả chúng ta.

Để thích ứng, bản thân mỗi người giáo viên cần đón nhận cuộc cách mạng này như một thách thức nhưng cũng cần xem đó như cơ hội phát triển bản thân mình. Điều quan trọng là giáo viên sẵn sàng học hỏi và thay đổi khi công nghệ phát triển và bước vào lĩnh vực giáo dục.

Hãy tích cực học hỏi, thích ứng, và sẵn lòng chia sẻ những thành công và thất bại của bạn. Sự sẵn lòng cộng tác và học hỏi từ những người khác là một kỹ năng quan trọng trong thế giới ngày nay và trong tương lai.

Trong một thế giới phẳng, không còn lý do gì để bạn không cộng tác với những người khác để học hỏi và phát triển. Hãy không ngừng sáng tạo cũng như biết chấp nhận sai lầm để cải thiện cũng là điều không kém phần quan trọng khi hòa mình vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Những giáo viên nào sẽ tiếp tục phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Giáo viên hình mẫu của việc học tập suốt đời

Chúng ta cần ra khỏi ranh giới của các lớp học, sách giáo khoa và nội dung giảng dạy còn hạn chế để làm cho học sinh có cơ hội sáng tạo và đổi mới. Học sinh không thể tiến bộ nếu chỉ biết và hài lòng với những kiến thức được giảng dạy trong sách giáo khoa. Muốn vậy, bản thân người giáo viên phải là hình mẫu trong việc thường xuyên cập nhật kiến thức để đáp ứng được các yêu cầu mang tính thời đại của xã hội.

Giáo viên toàn cầu

Bạn không thể mong đợi học sinh của mình trở thành những công dân toàn cầu trong khi bạn chưa là một giáo viên toàn cầu. Giáo viên cần là người biết đánh giá cao và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau cũng như sự khác biệt của từng cá thể. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ như Skype, Zoom, Hangout,.. việc kết nối thế giới đang nằm trong tầm tay.

Thông qua sức mạnh của công nghệ, chúng ta có thể học hỏi và thậm chí chứng kiến các nền văn hóa khác nhau của thế giới mà không cần phải rời khỏi vị trí hiện tại của mình. Bên cạnh đó, công nghệ còn là người hỗ trợ đắc lực để công tác quản lí lớp học, giảng dạy của giáo viên,.. trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, giúp cho khoảng cách của giáo dục Việt Nam và các nước tiên tiến dần được rút ngắn.

Giáo dục sự cảm thông

Bạn có nhận ra con người hiện nay đang mang sự vô cảm cao hơn các thế hệ trước đó. Hàng loạt các vụ bạo lực học đường là một minh chứng rõ ràng nhất. Bên cạnh việc trao dồi các kiến thức học thuật cho học sinh thì giáo dục sự đồng cảm là điều cần được quan tâm. Chính sự đồng sẽ tạo nên sự khác biệt giữa con người và máy móc trong tương lai.

Thời đại của 6Cs

Đã từ lâu chúng ta chú trọng đến việc hình thành các kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh với mô hình 4Cs (critical thinking: tư duy phản biện; communication: giao tiếp; collaboration: hợp tác; creativity: sáng tạo).

Tuy nhiên, dường như mô hình ấy vẫn chưa đáp ứng được nhịp độ phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để có thể hình thành một thế giới có sự hòa trộn giữa con người và máy móc, giáo viên cần mở rộng sang mô hình 6Cs với hai nhân tố mới Citizenship (quyền công dân) và Character Development (phát triển nhân cách). Với sự thay đổi này, chúng ta có thể giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của mình.

Giáo dục STEM, STEAM (viết tắt của Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học)

Với xu thế phát triển nghề nghiệp trong tương lai, một thế hệ có sự hiểu biết, kỹ năng tổng hòa các kiến thức nhiều môn học sẽ là nguồn nhân lực được mong đợi. Đừng để các giờ học trở nên nhàm chán với cách dạy và học của nhiều năm về trước. Hãy để cho học sinh của bạn trở thành một phần của quá trình học tập bởi ai là người có cơ hội khám phá tri thức thì người đó sẽ chủ động chiếm lĩnh các kiến thức ấy.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ