Kinh nghiệm thế giới phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Đề giải quyết tồn tại xã hội, các nghiên cứu đề xuất mô hình và đánh giá hiệu quả mô hình phòng chống bạo lực và bắt nạt học đường đã ra đời.

PGS.TS.Trần Thành Nam chia sẻ tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường
PGS.TS.Trần Thành Nam chia sẻ tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường

PGS.TS.Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) – điểm lại một số mô hình và cách tiếp cận phòng chống bạo lực học đường trên thế giới hiện nay. Nội dung này được chia sẻ tại hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường Bộ GD&ĐT vừa tổ chức.

Mô hình y tế công cộng trong phòng chống bạo lực

Ở phương diện vĩ mô với vai trò triển khai của chính phủ, của ngành và toàn xã hội, nhiều học giả cho rằng cần xem xét phòng ngừa bạo lực nói chung theo cách tiếp cận của y tế công cộng.

Theo cách tiếp cận này, có 6 lĩnh vực chính cần thực hiện là: Nâng cao nhận thức về phòng ngừa; Phát triển quan hệ đối tác giữa các ngành; Củng cố nhận thức về tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu về bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên, mức độ gây tử vong và không gây tử vong, và về các yếu tố nguy cơ và bảo vệ; Nâng cao năng lực đánh giá các chương trình phòng ngừa hiện có; Thiết lập khung pháp lý, chính sách; Xây dựng năng lực phòng chống bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiếp cận mô hình sinh thái xã hội

Theo quan điểm của lý thuyết sinh thái – xã hội thì để phòng ngừa can thiệp bạo lực học đường có hiệu quả thì cần hiểu hành vi bạo lực của HS qua việc xem xét tất cả các bối cảnh môi trường tác động đến các em.

Hay nói một cách khác, để hiểu hành vi bạo lực của một cá nhân, cần phải xem xét tất cả các bối cảnh môi trường tác động tới HS (như những yếu tố nguy cơ từ gia đình, trường học, cộng đồng cũng như những đặc điểm văn hóa cố súy bạo lực trong xã hội)

Và các chương trình phòng chống bạo lực học đường hiệu quả cần phải tác động vào tất cả các hệ thống trên, quản lý các yếu tố nguy cơ và cải thiện hoạt động chức năng của toàn hệ thống Ví dụ như với gia đình sẽ triển khai các chương trình huấn luyện kỹ năng dạy con cái, giúp cha mẹ nêu gương hành vi cho con, lôi kéo phụ huynh tham gia các quyết định và ủng hộ nhà trường địa phương giảm thiểu bạo lực và tạo không gian an toàn.

Can thiệp vào hệ thống học đường gồm cải thiện văn hóa học đường, nội quy rõ ràng, khen thưởng nhất quán; huấn luyện ứng xử phi bạo lực cho GV nhân viên và HS trong trường; tăng cường các biện pháp kiểm tra việc ra vào trường, bố trí camera, gương cầu ở những góc khuất. chiếu sáng hợp lý các khu vực và tăng cường giám sát an ninh duy trì trật tự và an toàn phòng ốc.

Đối với cộng đồng và xã hội xây dụng và phát triển các chương trình giám sát HS sau giờ học, phong trào tuyến phố an toàn, giờ giới nghiêm cho thanh thiếu niên, giám sát các dịch vụ giải trí như (quán game); Tố chức liên gia canh gác để đảm bảo an ninh khu phố phối hợp với công an; Giảm bạo lực trên truyền thông, phổ biến pháp luật và quy ước xã hội tích cực; Củng cố hệ thống pháp luật và tạo công ăn việc làm nhằm xóa đói giảm nghèo.

Mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học

Ở phương diện vi mô, trường học được xem là địa bàn hạt nhân để triển khai các chính sách phòng chống bạo lực học đường. Cách tiếp cận phòng ngừa và can thiệp toàn diện bạo lực học đường dựa vào trường học cũng đã được xây dựng và chứng mình là 1 mô hình có hiệu quả.

Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, một mô hình phòng chống bạo lực dựa vào trường học có hiệu quả khi tích hợp được các thành tố sau:

Xem xét khung pháp lý, điều chỉnh chính sách có liên quan; Định kỳ thu thập dữ liệu về bạo lực và theo dõi sự thay đổi theo thời gian; Triển khai các chương trình phòng ngừa bạo lực phù hợp với lứa tuổi; Phản ứng nhanh với bạo lực khi nó xảy ra;

Thực hiện các chính sách và đào tạo GV phù hợp; Xem xét và điều chỉnh môi trường an toàn cho HS; Kết nối, thu hút phụ huynh tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực; Kết nối, thu hút cộng động tham gia vào hoạt động phòng chống bạo lực; Định kỳ đánh giá hoạt động phòng chống bạo lực học đường.

Còn theo quan điểm của Lane, Kalberg và Menzies (2009) thì một mô hình phòng chống bạo lực hiệu quả phải là một mô hình toàn diện tích hợp 3 tầng. Tầng thứ nhất với mục tiêu phòng ngừa khả năng gây hại tập trung triển khai trong toàn trường cho tất cả HS, GV và nhân viên.

Tầng thứ 2 đảo ngược khả năng gây hại tập trung vào hệ thống một nhóm HS có nguy cơ bạo lực ở mức thấp (Vd như hệ thống hòa giải) và tầng thứ 3 giảm thiểu khả năng gây hại tập trung vào những HS có nguy cơ bạo lực cao (bao gồm cả chương trình theo dõi, cam kết hành vi và chuyển tuyến chăm chữa về sức khỏe tâm thần...)

Mô hình phòng chống bạo lực học đường toàn diện, tích hợp ba tầng
Mô hình phòng chống bạo lực học đường toàn diện, tích hợp ba tầng 

Yêu cầu của mô hình phòng chống bạo lực học đường hiệu quả gồm các yêu cầu: khả năng lãnh đạo mạnh mẽ; môi trường học đường an toàn và hòa nhập; phát triển kiến thức, thái độ và kỹ năng; mối quan hệ hợp tác hiệu quả; thực hiện các cơ chế báo cáo và cung cấp hỗ trợ/ dịch vụ phù hợp dựa trên đánh giá định kỳ

Các trường cần tuyên truyền phổ biến rộng rãi chính sách quốc gia/ ngành và chính sách/nội quy/quy tắc ứng xử của nhà trường; cam kết tạo ra môi trường học tập an toàn, toàn diện và có tính hỗ trợ cho tất cả HS; đào tạo và hỗ trợ GV và nhân viên nhà trường về kỷ luật tích cực;

Cung cấp các chương trình giảng dạy và tài liệu học tập có liên quan đến phòng chống bạo lực học đường; phối hợp với các bên liên quan (cộng đồng, tổ chức xã hội) và đặc biệt có sự tham gia tích cực của chính HS; tiếp cận một cách an toàn, tự tin, thân thiện với các cơ chế báo cáo và các dịch vụ hỗ trợ dành cho trẻ em; tiến hành nghiên cứu, theo dõi và đánh giá.

Can thiệp bạo lực học đường tập trung vào việc thay đổi văn hóa của các trường học, nhất quán thể hiện lập trường mạnh mẽ chống lại bạo lực và hỗ trợ GV sử dụng các cách kỷ luật tích cực và quản lý lớp học tích cực.

Về mặt nhân lực tham gia vào mô hình phòng ngừa và can thiệp bạo lực học đường, cần huy động đa dạng các nguồn: Ban giám hiệu, GV, và các nhân viên trong trường học; HS; Phụ huynh HS; Chuyên viên tham vấn, tư vấn học đường, nhân viên công tác xã hội học đường; Cơ quan thực thi pháp luật của địa phương; Cơ sở chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần thuộc địa phương.

Về nội dung hoạt động, các cơ sở giáo dục cần phải triển khai xây dựng môi trường học đường an toàn; xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm HS có nguy cơ bạo lực cao; phản ứng nhanh, hiệu quả với các khủng hoảng học đường.

Theo đó, xây dựng môi trường học đường an toàn gồm: Huấn luyện kỹ năng Giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực; triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp HS giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực); tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho GV; triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt (cho mọi đối tượng trong toàn trường).

Xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm HS có nguy cơ bạo lực cao, cụ thể: Thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường; lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với GV, HS, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ); tiến hành can thiệp sớm: Hướng dẫn và tư vấn cho cá nhân/nhóm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ