Kinh nghiệm giúp trẻ mầm non làm quen tiếng Anh

GD&TĐ - Cho trẻ làm quen với tiếng Anh (LQTA) không phải là mới trong nhiều trường mầm non (MN) hiện nay. Tuy nhiên, để tổ chức được một giờ LQTA cho trẻ thật sự như là một hoạt động học ngôn ngữ đòi hỏi giáo viên (GV) phải có kinh nghiệm và phương pháp giáo dục.

Kinh nghiệm giúp trẻ mầm non làm quen tiếng Anh

Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Tú Anh - Hiệu trưởng Trường MN Thăng Long Kidsmart (Hà Nội) - chia sẻ.

Vai trò quan trọng của giáo viên

Trong quá trình tham gia giảng dạy, quản lý MN, tôi nhận ra rằng, không gì giúp trẻ MN LQTA tốt nhất chính là những giáo viên (GV) có trình độ tiếng Anh chuẩn và có phương pháp dạy MN. GV ấy sẽ hiểu rõ đặc điểm tâm sinh lí, nắm bắt nhanh những nhu cầu cảm xúc của trẻ để từ đó đưa ra những nội dung phù hợp với những phương pháp tổ chức cho trẻ tiếp cận, làm quen với tiếng Anh thông qua các hoạt động vui chơi cá nhân, vui chơi theo nhóm (nhỏ và lớn), chơi tại các góc lớp tiếng Anh hoặc vui chơi ngoài trời.

Thực tế đã chứng minh, trẻ nhỏ có khả năng bắt chước rất nhanh đặc biệt là về ngôn ngữ. Vì thế nếu lần đầu trẻ được tiếp cận, LQTA không chuẩn thì trẻ cũng sẽ phát âm không chuẩn. Nó khắc sâu thành thói quen của trẻ và sẽ rất khó sửa. GV tiếng Anh phải luôn chú ý kiểm tra lại cách phát âm chuẩn của mỗi từ hay cụm từ sắp cung cấp cho trẻ bằng nhiều cách như nghe băng, đĩa, mạng Internet hay hỏi ý kiến chuyên gia/giáo viên bản ngữ.

LQTA là tiếp cận với nền văn hóa mới. Vì thế GV tiếng Anh phải luôn tích cực trong việc tiếp thu những cái mới và chọn lọc những điều hay để phát triển công việc của mình. Trong mỗi giờ tổ chức hoạt động cho trẻ MN LQTA, giáo viên cần mang đến cho trẻ một không khí giao tiếp, vui chơi, học tập thật tự nhiên, gần gũi để khuyến khích trẻ hòa mình vào môi trường Anh ngữ, cùng nhau khám phá những điều thú vị trong môi trường ấy. Điều này được thể hiện trên từng khuôn mặt háo hức và sự tương tác tích cực của trẻ mỗi khi tham gia vào hoạt động làm quen tiếng Anh. Chỉ có hứng thú của trẻ mới có thể giúp GV thực hiện được kế hoạch của mình một cách tốt nhất.

Dạy trẻ học tiếng mẹ đẻ đã khó, cho trẻ tiếp cận và làm quen một ngôn ngữ khác nữa lại càng khó hơn. Chính vì vậy, ngoài việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ thì GV cần phải có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể thật hấp dẫn và cuốn hút trẻ: Vừa nói vừa sử dụng các động tác diễn tả, minh họa cho lời nói. Có như thế tiếng Anh – thứ ngôn ngữ mới lạ - mới trở nên hấp dẫn và kích thích trẻ hơn.

Lựa chọn nội dung phù hợp

GV cần nghiên cứu và đưa ra nội dung bài dạy dựa trên nhu cầu, khả năng, hứng thú của trẻ về một chủ đề nào đó, các chủ đề ban đầu thường là các chủ đề quen thuộc, gần gũi với trẻ như: Chào hỏi/Greetings, Màu sắc/Colors, Gia đình/Family, Con vật/Animals, Bản thân/Myself, Số đếm/Number… Nhưng khi học đến thời điểm cuối năm học, GV có thể cho trẻ tiếp cận với các chủ đề rộng hơn, mới mẻ hơn như là: Hình dạng/Shaper, Cảm xúc/Feelings, Đối lập/Opposites, Ngôi nhà của tôi/My house… Bên cạnh đó, việc lựa chọn các từ loại khác nhau để cung cấp cho trẻ như: danh từ, tính từ hay động từ có ý nghĩa quan trọng trong việc bước đầu giúp trẻ sử dụng một số cụm từ và câu ngắn hướng tới mục tiêu cao hơn đó là giao tiếp bằng tiếng Anh.

Khi cho trẻ LQTA, GV cần giúp trẻ dần hình thành cho mình kĩ năng sử dụng được tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên giông như trẻ học và nói tiếng mẹ đẻ. Làm sao trong các giờ LQTA, GV và trẻ thật thoải mái tự nhiên, không nên chỉ chú trọng vào dạy, mà cần thiết hơn là cho trẻ LQTA với những mẫu câu giao tiếp phù hợp, để trẻ dễ dàng ghi nhớ và vận dụng một cách tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ