Để trẻ hứng thú học tiếng Anh

GD&TĐ - Việc cho trẻ mầm non (MN) tiếp xúc với tiếng Anh sẽ giúp cho trẻ làm quen với tiếng Anh một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, thoải mái. Có rất nhiều cách giúp trẻ MN làm quen với tiếng Anh thông qua các hoạt động vui chơi như tập hát, đọc thơ, nghe kể chuyện và một số hoạt động khác. 

Để trẻ hứng thú học tiếng Anh

Cho trẻ làm quen với tiếng Anh qua chuyện kể

Theo cô Tô Thị Thanh Vân – Trường MN Thực hành Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ MN có thể làm quen với tiếng Anh qua truyện kể. Đây là “món ăn” không thể thiếu cho trẻ trong trường MN. Những cầu truyện ngắn sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc phát triển các kỹ năng. Như việc trẻ làm quen với cách dùng từ, cách miêu tả trong văn học, những ngữ âm, ngữ điệu và đặc biệt là giúp trẻ biết đánh giá các nhân vật trong truyện và trẻ có thể phát triển những câu nói đơn giản.

Và kể truyện bằng tiếng Anh giúp trẻ làm quen với từ vựng, làm quen cấu trúc câu; giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe, nói, phát triển trí não (để hiểu được câu chuyện trẻ sẽ chú ý có chủ định, đồng thời trẻ cũng tưởng tượng ra những cảnh là tình tiết của câu chuyện, cung cấp việc suy nghĩ có logic cho trẻ) và trẻ cũng học được nhiều bài học giáo dục bổ ích.

Một việc cũng không kém phần quan trọng là sau mỗi câu chuyện GV nên cho trẻ ôn lại nội dung câu chuyện sau khi kết thúc bằng nhiều hình thức. Với mục đích chơi nhiều hơn học, GV nên lấy hoạt động vui chơi làm phương thức để tiến hành việc cho trẻ là quen với tiếng Anh; còn GV đóng vai trò chủ đạo, là người hướng dẫn và tổ chức.

Sử dụng các trò chơi, các yếu tố chơi một cách thoải mái đối với trẻ, tránh mọi hình thức áp đặt. Ngoài ra cô giáo cũng cần phát huy tính tích cực ham hoạt động và khả năng tự hoạt động của trẻ.

Trên cơ sở hoạt động vui chơi đó trẻ sẽ hiểu được một số mệnh lệnh, hỏi đáp đơn giản và giúp trẻ phát huy khả năng bắt chước, có một phản xạ nhạy bén trong việc bắt chước phát âm tiếng Anh do vậy trẻ có thể phát âm chính xác hơn.

Sử dụng bài hát và trò chơi trong hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh

Theo TS. Lại Hải Hà - Phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học – Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: Việc sử dụng âm nhạc, cụ thể là các bài hát để cho trẻ làm quen với tiếng Anh là một phương pháp phổ biến và đánh giá cao về tính hiệu quả bởi nó góp phần vào việc giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ rất nhanh và có hiệu quả lâu dài. Đặc điểm của các bài hát tiếng Anh đó là giai điệu vui nhộn ca từ đơn giản, dễ nhớ do có sự lặp đi lặp lại về giai điệu, từ, ngữ và câu mà giáo viên muốn truyền đạt.

Một số các bài hát có kết hợp với sự thể hiện động tác tương ứng và biểu cảm khuôn mặt, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm bằng nhều giác quan của cơ thể, giúp trẻ khắc sâu nội dung cần ghi nhớ.

Bài hát giúp trẻ bớt căng thẳng, tăng sự hứng thú, giúp tập trung và chú ý. Bài hát còn là nguồn tài liệu phong phú giúp ích cho việc mở rộng vốn từ của trẻ. Các bài hát tiếng Anh rất đa dạng về nội dung và chủ đề. Giáo viên có thể dễ dàng lựa chọn và phân loại để phù hợp với mục đích giáo dục đề ra. Lời bài hát không những giúp trẻ cung cấp vốn từ vựng phong phú mà còn hàm chứa nội dung, ý tưởng, cảm xúc, hành động được truyền đạt một cách biểu cảm. Đồng thời bài hát cũng giúp trẻ tiếp cận với tiếng Anh một cách gần gũi, tự nhiên.

Hoạt động cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh đang trở thành đề tài nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Mặc dù có nhiều nghiên cứu chứng minh khả năng tích cực của trẻ trong việc tiếp nhận một ngôn ngữ mới, nhưng việc lựa chọn sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức phù hợp của giáo viên cho trẻ là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả chất lượng. việc sử dụng phương pháp kể chuyện, bài hát, trò chơi được các nhà giáo dục ghi nhận và đánh giá cao.

Nhờ vào sự phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lý và đặc điểm nhận thức của trẻ, trò chơi, bài hát và kể chuyện chính là những phương thức duy trì tối đa sự hứng thú, tập trung và tích cực nhận thức của trẻ, là một gợi ý thích hợp cho các GV trong việc cho trẻ MN làm quen với tiếng Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ