Học trải nghiệm: “Hành trình trên đất Chín Rồng”

GD&TĐ - Tại buổi báo cáo dự án “Hành trình trên đất Chín Rồng”, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM) đã mang đến những nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầy ấn tượng qua những mô hình đặc sắc.

Học sinh đại diện các nhóm thực hiện dự án giao lưu, trò chuyện chia sẻ về quá trình thực hiện. Ảnh. T.Nguyên
Học sinh đại diện các nhóm thực hiện dự án giao lưu, trò chuyện chia sẻ về quá trình thực hiện. Ảnh. T.Nguyên

Ngay tại sân trường, hội chợ nông sản, lễ hội văn hoá, những gian hàng trưng bày sản phẩm về nhà chống lũ, biệt thự nổi, hệ sinh thái, giải pháp phát triển kinh tế… được học sinh chuẩn bị công phu bằng chính sự sáng tạo qua khám phá, học tập trải nghiệm. 

“Vùng đất Chín Rồng” thu nhỏ

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết “Hành trình trên đất Chín Rồng” là dự án học tập liên môn được Trường THPT Lê Quý Đôn triển khai từ đầu năm học 2020 - 2021. Dự án có sự tham gia của gần 600 học sinh lớp 12, 11 và 7 tổ bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý, Công nghệ, Sinh học.

Thực hiện dự án, học sinh được chia theo nhóm và bắt đầu hành trình học tập, khám phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú.  Thông qua kiến thức đa môn các em sẽ nhận thấy được điều kiện tự nhiên, quá trình hình thành và phát triển của khu vực, cảm nhận được cái hay, đẹp của văn hóa và lịch sử Nam Bộ.

Đồng thời, học sinh có thêm hiểu biết thực tế và bước đầu nghiên cứu tạo ra những sản phẩm góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi tổng kết dự án mới đây, học sinh đã tái hiện lại vùng đất Chín Rồng thông qua nhiều ý tưởng độc đáo gây ấn tượng mạnh.

Các em đã tổ chức hội chợ nông sản với nhiều gian hàng khác nhau, trưng bày và bán các loại đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, học sinh còn thuyết trình về đặc điểm địa lý và tiềm năng kinh tế của khu vực. Ở một không gian khác, các em biểu diễn một số tiết mục múa hát, hoạt cảnh để giới thiệu về nét văn hoá, lịch sử, con người của nơi đây.

Học sinh được chia theo từng tổ, tương ứng với từng bộ môn để thực hiện các sản phẩm, như tổ Vật lý, Công nghệ dựa vào thực trạng khu vực và tiềm năng phát triển du lịch để làm những mô hình nhà chống bão, nhà khắc phục tình trạng ngập của thành phố, tuabin gió tận dụng năng lượng thiên nhên, biệt thự nổi. Tổ Sinh học, Hóa học sử dụng nguyên liệu thiên nhiên để làm chất chỉ thị, đo lường độ nhiễm phèn của vùng đất đó.

Hay tổ Địa lý gây ấn tượng khi tự tìm hiểu, thu thập thông tin, mã hoá cho “bản đồ đất Chín Rồng” thông qua quét mã QR code. Khi khách tham quan dự án quét mã xong, tại từng địa danh, xuất hiện thông tin về vị trí địa lý của vùng về khoáng sản, các loại cây trồng, vật nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tình hình khai thác, hướng khắc phục, cải tạo…

Mỗi một sản phẩm của từng nhóm được học sinh thuyết trình, bên cạnh đó là thực hiện các video clip ghi lại quá trình thực hiện. 

Gian trưng bày về mô hình tuabin gió của học sinh. Ảnh T. Nguyên
Gian trưng bày về mô hình tuabin gió của học sinh. Ảnh T. Nguyên

Đi để trưởng thành

Tham gia dự án, học sinh cho biết đã nhận được những bài học ý nghĩa, bổ ích, không chỉ dừng lại ở việc vận dụng các kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn, mà còn được rèn thêm nhiều kỹ năng, phát huy sở trường, năng lực và trưởng thành hơn.

Em Ngô Nhã Uyên, lớp 12D2 chia sẻ, em từng là một học sinh khá rụt rè, sợ đám đông. Nhưng rồi qua 3 năm học với rất nhiều dự án, bản thân em đã trưởng thành và đã tự tin thuyết trình trước mọi người, năng nổ trong các hoạt động.

Tham gia dự án, với vai trò là nhóm trưởng nhóm Hoá học, Nhã Uyên cho biết, ai cũng bất ngờ và đặt câu hỏi “tại sao em theo khối D mà lại có thể yêu thích với môn Hoá như thế?”.

Theo Uyên, việc học tập môn Hoá học qua hình thức trải nghiệm thực tiễn vô cùng thú vị. Nhóm của Uyên sau khi tìm hiểu đã trăn trở về tình trạng nhiễm phèn của đất miền Tây nên đã trao đổi với cô giáo bộ môn Hoá học về việc tìm giải pháp giúp  người nông dân có thể đo độ phèn của đất. Để cho ra sản phẩm cuối cùng trưng bày tại buổi dự án, nhóm đã mất khoảng 3 tháng. Các em phải trải qua một số công đoạn như bàn về cách làm, ngâm giấy, làm thử…  

“Chúng em được  làm các thí nghiệm, tự dựng clip để chia sẻ về sản phẩm của mình - Giấy chỉ thị màu từ các vật liệu thân thiện với môi trường. Nắm kiến thức Hóa và vận dụng bài học vào thực tiễn nên ai cũng cảm thấy môn học gần gũi, bổ ích, rất hào hứng”, Uyên nói.

Dương Trúc Thảo Anh, học sinh lớp 12D3 chia sẻ, sau dự án, em đã học được rất nhiều kỹ năng, không chỉ là kiến thức trong sách giáo khoa, mà còn là những trải nghiệm bổ ích, giúp em hiểu được con người, vùng đất, về những thế mạnh, hạn chế của vùng đất nơi đây trong quá trình phát triển kinh tế… Và đặc biệt, mỗi nhóm, mỗi thành viên đều có cơ hội để thể hiện sở trường, khả năng của mình như thuyết trình, ứng dụng CNTT, hát múa, thiết kế, nấu ăn…

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du đánh giá, dự án năm nay tuy không tròn trịa như mọi năm do ảnh hưởng dịch covid-19 nhưng các em đã cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ do các thầy cô đề ra. Sản phẩm ở các bộ môn xã hội thể hiện tính sâu sắc, kỹ năng phần mềm tốt. Sản phẩm ở bộ môn tự nhiên độc đáo thể hiện tính sáng tạo và bắt đầu tiệm cận với thực tế cuộc sống và hướng tới cộng đồng.

Thực hiện dự án, học sinh sẽ được đánh giá thay cho bài kiểm tra định kỳ (45 phút) của môn Địa lý, Lịch sử, Công nghệ, Sinh học; điểm kiểm tra thường xuyên (15 phút) cho môn Ngữ văn, Hoá học ở học kỳ II. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ