Hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của nhà văn Kim Lân

GD&TĐ - Kim Lân viết không nhiều nhưng những gì mà nhà văn để lại cũng đủ để khẳng định một gương mặt riêng, một phong cách riêng trong văn học Việt Nam hiện đại. Sáng tác của Kim Lân hầu hết xoay quanh mảng đề tài nông thôn. Ông là nhà văn của làng quê, của những người nông dân một lòng đi với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn (Nguyên Hồng).

Bìa sách “Vợ nhặt”.
Bìa sách “Vợ nhặt”.

1.

Kim Lân là gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, ông sáng tác cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Kim Lân viết không nhiều nhưng những gì mà nhà văn để lại cũng đủ để khẳng định một gương mặt riêng, một phong cách riêng trong nền văn xuôi nước nhà. Sáng tác của Kim Lân hầu hết xoay quanh mảng đề tài nông thôn. Ông chủ trương viết về những người nông dân nghèo bởi họ bao giờ cũng thiệt thòi.

Ở mảng đề tài quen thuộc này, Kim Lân đã khai mở lối đi riêng, ông hướng tới khám phá vẻ đẹp khỏe khoắn, đôn hậu, chất phác trong tâm hồn những người nông dân, phản ánh những phong tục, những thú “phong lưu” đồng ruộng. Ông là nhà văn của làng quê, của những người nông dân một lòng đi với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn (Nguyên Hồng). 

2.

Truyện ngắn Vợ nhặt được xếp vào loại gần như thần bút của nhà văn Kim Lân với những khám phá mới mẻ về hình tượng người nông dân trong những biến động dữ dội của lịch sử dân tộc. Truyện được viết sau Cách mạng tháng Tám 1945 nhưng lại viết về số phận của những người nông dân trong thảm họa khủng khiếp nhất của lịch sử dân tộc: Nạn đói năm Ất Dậu. Dựa vào hiện thực lịch sử mà bản thân đã từng trải nghiệm nhà văn đã sáng tạo nên một tình huống độc đáo, hấp dẫn. Cái đói, cái chết không phải là những số liệu thống kê mà nó được cụ thể hóa trong không gian, thời gian, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, bóng tối, ánh sáng…

Cõi dương bao trùm bởi âm khí, tử khí như là thế giới của những oan hồn trong Văn tế thập loại chúng sinh. Cuộc sống tối sầm vì đói khát, người chết đói nằm còng queo bên vệ đường, người đói từ các vùng lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, khắp nơi vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Trong bối cảnh đó anh nông dân ngụ cư nghèo khổ Tràng lấy vợ. Cuộc tình duyên kì lạ giữa Tràng và người vợ nhặt được kể lại có chút giọng điệu hài hước.

Một con người thô tháp, có phần hoang dã, nghèo, lại là dân ngụ cư, với bốn bát bánh đúc ngày đói là “nhặt” được vợ, hiển hách như một chàng trai đào hoa tốt số nhưng bên dưới tiếng cười ấy đọng lại thật nhiều nỗi buồn và niềm xót xa thương cảm. Câu chuyện Tràng nhặt vợ thật bi hài: Một tình huống trớ trêu, nghịch cảnh vừa buồn vừa vui, vừa mừng vừa lo, vừa đáng cười vừa đáng khóc.

Những người dân xóm ngụ cư xôn xao khi thấy Tràng trở về cùng người đàn bà lạ. Họ tò mò, náo nức quên cả cái đói, những khuôn mặt u tối, hốc hác bỗng chốc rạng rỡ hẳn lên Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống của họ. Nhưng từ đám đông có cả những lời đầy ái ngại, xót xa Ôi chao! Giời đất này còn rước của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?

Bà cụ Tứ - mẹ của Tràng vừa mừng lòng nhưng vẫn không nén nổi những xót thương, buồn tủi, âu lo. Ngay đến cả người trong cuộc như Tràng cũng bàng hoàng khi nhìn cô vợ nhặt ngồi giữa nhà Đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư? Các nhân vật khi được đặt trong cảnh ngộ đó đã bộc lộ hết cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất của con người nhân tính, con người nhân loại, đó là sự vận động tâm lí từ ngạc nhiên đến sự thật, từ xa lạ đến gần gũi, từ lo sợ phấp phỏng đến hòa hợp, từ buồn đến vui. Truyện là một cơ hội vô song để biểu hiện sự bất diệt của nỗi khát khao được sống, được hạnh phúc, được thương yêu, hi vọng, ao ước hạnh phúc cứ âm thầm vươn lên từ đói khát đến tối tăm. 

Nhân vật người vợ Tràng, Tràng và bà cụ Tứ trong truyện ngắn bị bủa vây bởi cái đói và cái chết nhưng họ đối mặt với cái đói, cái chết, vượt lên trên hoàn cảnh để sống, để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, để sống cho ra người cho dù hoàn cảnh sống của cuộc sống loài vật. Tràng nhặt được vợ đã mang đến những đổi thay lớn trong con người này. Lần đầu tiên chàng trai vụng về, thô kệch được nếm trải cảm giác yêu thương, biết gắn bó một “người dưng”. Trong lòng Tràng trỗi dậy niềm vui sướng khiến anh ta hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng. 

Cảm giác đó càng rõ nét hơn khi Tràng chứng kiến sự đổi thay trong ngôi nhà dúm dó, xiêu vẹo của mình vào buổi sáng hôm sau. Tràng trưởng thành với ý thức về bổn phận của một người đàn ông trụ cột trong gia đình Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn có bổn phận phải lo cho vợ con sau này. Nhân vật người vợ nhặt là một nhân vật đặc biệt. Kim Lân không đặt cho chị một cái tên, không tuổi, không quê quán họ hàng. Cái đói hành hạ người đàn bà đến bước đường cùng trở thành kẻ liều lĩnh.

Thị xuất hiện với bộ quần áo tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt, bộ dạng đanh đá, cong cớn, ăn nói chao chát, chỏng lỏn. Hai con mắt của thị sáng lên trước miếng ăn, thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Lâm vào bước đường cùng, thị theo không về làm vợ Tràng nhưng trong lòng không khỏi tủi phận, e thẹn, ngượng ngập.

Dưới những cặp mắt tò mò của xóm ngụ cư thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Khi gặp bà cụ Tứ, thi e thẹn, khép nép, lúng túng chào u. Hạnh phúc tình người đã đem đến cho thị sự đổi thay, thị dậy sớm cùng mẹ chồng quét nhà, nấu nướng, thị trở thành người phụ nữ hiền thục trong mắt Tràng Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực không có gì vẻ chao chát chỏn lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài tỉnh.

Nếu nhân vật Tràng hiện thân cho khát vọng hạnh phúc luôn tiềm ẩn trong tâm hồn con người thì bà cụ Tứ là biểu tượng lòng nhân ái và tinh thần lạc quan. Lúc đầu bà rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn bà xa lạ trong nhà mình chào mình bằng u. Khi hiểu ra cơ sự, trong lòng bà mẹ già nua nghèo khổ ấy chồng chất bao cung bậc cảm xúc: Hờn tủi, xót thương, lo lắng… nụ cười và nước mắt cứ đan xen, trộn lẫn vào nhau. Bà mừng lòng vì con trai đã yên bề nhưng lo âu cho đôi vợ chồng mới cưới biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không?

Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không. Nhưng vượt lên tất cả, bà cụ vẫn tin tưởng vào cuộc sống, vào tương lai. Sáng hôm sau, bà dậy sớm với dáng vẻ nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn mọi ngày, khuôn mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bên mâm cơm ngày đói chỉ có cháo cám bà cụ vẫn tươi cười, vui vẻ, bà nói toàn những chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này.

Vợ nhặt là bài ca về tình người, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người. Con người khát vọng hạnh phúc và tình thương đến lượt hạnh phúc và tình thương làm thay đổi con người. Chuyện Tràng lấy vợ như đùa hóa thành chuyện nghiêm túc. Họ thành đôi thành lứa trước hết thể hiện khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc nhưng còn là một biểu hiện của đạo lí thương người như thể thương thân. Tình người biểu hiện rõ nhất ở nhân vật bà cụ Tứ. Bà không hề rẻ rúng người phụ nữ “theo không” ấy dù biết cô ta lấy con trai mình, đột ngột bước vào gia đình mình chỉ vì sắp chết đói. Hơn thế bà còn cảm thương cho nỗi thống khổ khốn cùng, thậm chí “hàm ơn” người vợ nhặt. Bà chấp nhận con dâu lòng đầy thương xót: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được. Bà chấp nhận việc Tràng lấy vợ như một chuyện đáng mừng.

Người mẹ với tấm lòng nhân hậu, giàu đức hi sinh ấy lại nêu cao một lối sống đẹp: Đạo lí sống biết trước biết sau, bà ao ước có dăm ba mâm cúng tổ tiên sau trình làng xóm. Tình yêu người cũng khiến người vợ nhặt từ người đàn bà chanh chua, chao chát, trơ trẽn, cong cớn dường như mất hết sĩ diện trở thành người vợ, người con dâu hiền hậu đúng mực. Nhân vật Tràng từ con người thô tháp, hoang dã, tình người đã làm cho Tràng thăng hoa, hắn thấy hắn nên người. Đọng lại vẫn là cách nhìn đời, nhìn người đầy xót xa và thương yêu, đầy niềm tin của nhà văn Kim Lân bừng sáng lên từ những hình tượng nhân vật. Cuộc sống dù có bi thảm đến đâu thì cái cội nguồn nhân văn, nhân bản lưu giữ trong con người vẫn là điều bất diệt. Đó là niềm tin của nhà văn gửi vào tác phẩm, vào nhân vật.

Bìa sách “Làng”.
Bìa sách “Làng”.

3.

Truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân khám phá vẻ đẹp người nông dân trong một hoàn cảnh lịch sử mới – cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ hoàn cảnh lịch sử ấy, vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân được khám phá trên một bình diện mới: Tình yêu làng quê hợp lưu, thống nhất với tình yêu đất nước, yêu cách mạng.

Người nông dân yêu làng quê của mình một cách hồn nhiên, tự nhiên như một tình cảm cội nguồn nhân bản tất yếu sẽ gặp gỡ, hợp lưu với tình yêu đất nước, yêu cách mạng trong hoàn cảnh lịch sử mới.

Gamzatov đã từng khẳng định: Có thể bứt con người ra khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương ra khỏi con người. Một ý kiến thật xác đáng với trường hợp của ông Hai với làng quê chợ Dầu của mình.

Ông Hai trong quá khứ thuộc loại khố rách áo ôm, đã từng bị bọn hương lí trong làng truất ngôi trừ ngoại xiêu dạt đi, lang thang hết nơi này đến nơi khác, lần mò đến vào tận đất Sài Gòn, Chợ Lớn kiếm ăn. Ba chìm bảy nổi mười mấy năm trời mới lại được trở về quê hương bản quán. Hơn hết ông thấm thía cảnh tha hương cầu thực, ông yêu làng quê của mình, tự hào, và tôn thờ nó. Đi đâu xa ông cũng khoe làng quê của ông.

Trước Cách mạng ông khoe cái làng to đẹp giàu có với cái sinh phần của viên tổng đốc làng ông. Trong kháng chiến đi tản cư xa làng ông có một niềm tự hào kiêu hãnh về cái làng ấy: Khoe cái không khí sôi nổi cách mạng những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng mà ông gia nhập phong trào từ hồi kì còn bóng tối, những buổi tập quân sự, những hố, những ụ, những giao thông hào… ông kể rành rọt từng cái một. Ngay trong cách khoe của ông đã thể hiện một sự chuyển biến to lớn về tình cảm đối với làng quê, từ đẹp giàu sang đến một làng quê kháng chiến, từ tình yêu nước thể hiện một cách thật hồn nhiên.

Bứt con người ra khỏi quê hương một khoảng cách về không gian nhà văn Kim Lân làm nổi bật tình cảm gắn bó sâu sắc, lòng yêu quê hương đất nước, tình yêu cách mạng thông quan diễn biến tâm trạng nhân vật. Nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông buồn phiền, tủi hổ, căm tức bọn theo Tây phản bội dân làng cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân, ông lão lặng đi tưởng như đến thở không được. Ông nguyền rủa chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này. Nghe tin làng theo giặc mặc cảm tội lỗi đau đớn buồn tủi, ông lão vừa như bị mất đi cái gì quý giá và thiêng liêng nhất. Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đây? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đây? Khốn nạn bằng ấy tuổi đầu…

Ông trằn trọc không sao ngủ được hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Nghe tin địa phương đuổi người làng Dầu vì làng chợ Dầu theo Tây, nỗi đau khổ lo sợ lên đến cực điểm, thật là tuyệt đường sinh sống, đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Hay là quay về làng nhưng lập tức ông gạt đi cái ý nghĩ tội lỗi đó cho dù rất tha thiết với làng về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi, về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ. Không thể được. Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù.

Tình yêu làng khi đối lập với tình yêu nước, yêu cách mạng thì ông Hai chỉ có một sự lựa chọn dứt khoát, quyết liệt là đặt tình yêu nước lên trên tình yêu làng. Nhà văn Kim Lân đã cho thấy tình cảm cách mạng, tình yêu nước thật tha thiết, là nét đẹp đẽ trong tâm hồn của người nông dân - lực lượng chủ lực trong cuộc chiến tranh yêu nước của lịch sử dân tộc ta, nó lí giải cội nguồn sức mạnh của dân tộc.

Khi nhận được tin chính xác là làng ông vẫn kháng chiến ông mừng như mở cờ trong bụng, cảm thấy mình được minh oan, chiêu tuyết. Niềm vui ngập tràn trong lòng, quần áo chỉnh tề, mặt tươi vui rạng rỡ hẳn lên, mồm bỏm bẻm nhai trầu, ông hồ hởi chia quà cho con. Một chi tiết như một nghịch lí khi ông lão bô bô khóc: Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn. Câu văn được nhắc lại hai lần thể hiện tâm trạng hả hê: nó như một minh chứng hùng hồn minh oan cho mình, cho làng. Làng Dầu vẫn kháng chiến. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định tình yêu làng quê thiết tha, sâu đậm của nhân vật ông Hai.

4.

Từ những người nông dân trong Vợ nhặt – những nạn nhận khốn khổ của xã hội cũ đến người nông dân trong truyện ngắn Làng – những chủ nhân của xã hội mới là một quá trình chuyển biến phát triển cách mạng. Là nạn nhân của hoàn cảnh họ vẫn lưu giữ những phẩm chất tốt đẹp để những phẩm chất ấy phát triển thăng hoa trong điều kiện sống mới: Vợ chồng Tràng đến nhân vật ông Hai đánh dấu sự đổi mới, sự trưởng thành để họ tự thay đổi số phận của chính mình.

Từ quá trình biến đổi số phận của người nông dân trong truyện, Kim Lân đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống, những biến động của thời đại, hành trình của lịch sử dân tộc. Thành công của Kim Lân tạo nên được tác phẩm như là thần bút, khái quát được hiện thực lịch sử của thời đại bởi những tác phẩm ấy hội tụ, kết tinh một tài năng về văn xuôi, một vốn sống, sự hiểu biết sâu sắc về người nông dân và đặc biệt là tấm lòng của nhà văn đối với con người và đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ