Trưởng nữ cố nhà văn Kim Lân: Nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn làm họa sĩ

Trưởng nữ cố nhà văn Kim Lân: Nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn làm họa sĩ
Đi học - sơn mài.
Đi học (Sơn mài)

(GD&TĐ) - Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền (trưởng nữ của cố nhà văn Kim Lân) - "thần đồng hội họa" năm nào sau 60 năm cầm cọ vẫn khẳng định được tài năng, sức sáng tạo không ngừng. Vừa tổ chức triển lãm “Dòng chảy VI - Những đứa trẻ”, nữ họa sĩ đã rất cởi mở, chân tình chia sẻ về quan niệm đối với hội họa, nghệ thuật và cuộc sống.

"Tôi sinh ra để làm họa sỹ!"

Giữa thời buổi kinh tế bất ổn, dường như người ta không quan tâm lắm đến nghệ thuật, tại sao bà vẫn say sưa sáng tác tranh? Và quan niệm của bà như thế nào về đồng tiền và nghệ thuật?

h
Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền trong buổi tọa đàm với báo chí

Thực ra trong cuộc đời của mỗi người đều trải qua rất nhiều những thăng trầm, đối với tôi cũng vậy, có những lúc rất khó khăn trong việc lập nghiệp, xây dựng gia đình, nuôi dạy con nên người. Đó là những giai đoạn mình phải hy sinh rất nhiều và nghệ thuật lúc ấy cũng không được đặt lên hàng đầu.

Nhưng qua tất cả những chiêm nghiệm trong cuộc đời, tôi có thể khẳng định tôi sinh ra để làm họa sĩ. Nếu có kiếp sau và mọi người có hỏi tôi muốn được làm nghề gì thì tôi vẫn sẽ trả lời tôi muốn được làm họa sĩ, tôi muốn được vẽ.

Vậy nên dù đang sống trong thời buổi kinh tế khó khăn cũng không ảnh hưởng đến niềm say mê vẽ của tôi. Bởi sự say mê sáng tạo nghệ thuật là do mình tạo ra. Khi bắt đầu cầm cọ đặt vào tấm toan thì mình nghĩ chính mình tạo mình cảm hứng bởi thực sự mình là người yêu nghệ thuật, đam mê công việc của mình. Đối với tôi, tôi làm công việc khác kiếm tiền rồi để dành thời gian vẽ.

- Bà vẽ những đứa trẻ dù ở thành thị hay nông thôn, dù ở thời chiến hay thời bình nhưng tất cả đều rất tươi sáng, rực rỡ. Bà nghĩ sao về lứa tuổi thơ ấu đã qua?

Tôi vẽ những đứa trẻ quanh tôi, những đứa trẻ đi qua đời mình, các em, con, cháu tôi; trẻ hàng xóm, và những đứa trẻ tôi đã bắt gặp trên những hành trình khắp mọi miền đất nước... Càng vẽ, tôi như càng đi sâu vào ký ức, tôi chợt thấy thấp thoáng đâu đây chính cuộc đời mình, cuộc đời bạn bè mình - chặng đường đã đi qua, từ những ngày còn đội mũ rơm đi học thời chiến tranh gian khổ...”.

Và tất cả Những đứa trẻ của tôi, tôi muốn chúng có một sự tươi sáng, nhìn thấy cái gì đó tốt đẹp với tương lai tốt đẹp.

Họa sĩ Nguyễn Việt Tuấn (em trai của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền) - nguyên mẫu trong bức tranh Em Tuấn
Họa sĩ Nguyễn Việt Tuấn (em trai của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền) - nguyên mẫu trong bức tranh Em Tuấn

- Đây là dòng chảy thứ 6 trong dự án của chị, vậy nó có sợi dây kết nối nào đối với 5 dòng chảy trước?

Khi bắt đầu thực hiện những cuộc triển lãm cá nhân tôi lấy tên là Dòng chảy vì cuộc đời của mình, con đường nghệ thuật của mình cũng giống như một dòng chảy vậy, lúc thì tuôn trào mạnh mẽ, nhưng có lúc chắt chiu từng giọt mật, rồi có những lúc mình làm mạch nước ngầm chảy âm thầm trong lòng đất.

Nhưng đối với tôi, lòng đam mê nghệ thuật tôi nghĩ rằng mình không bao giờ buông bỏ. Đó là lý do dòng chảy là chủ đề của tất cả các cuộc triển lãm cá nhân của mình. Mỗi dòng chảy 1, 2, 3 tôi lại đưa cho mình một đề tài để theo đuổi - những đề tài mà tôi rất quan tâm.

- Trong Dòng chảy 6, họa sĩ đã đặt hết tâm huyết vào những đứa trẻ Việt Nam. Bà đã đi nhiều nơi trên thế giới có cơ hội gặp gỡ nhiều trẻ em nước ngoài. Vậy bà có thể so sánh giữa trẻ em Việt nam và trẻ em nước ngoài?

Tôi đã vẽ khá nhiều bức chân dung trẻ em nước ngoài. Nói về màu sắc, hình dáng thì có khác những đứa trẻ châu Á. Cảm giác đầu tiên khi vẽ về những đứa trẻ nước ngoài: đó là sự hồn nhiên, tự tin, chủ động làm tôi chạnh lòng, suy nghĩ nhiều và nghĩ đến những đứa trẻ Việt Nam trong thời kỳ mà tôi sống, vào thời chiến tranh, bao cấp. Những năm gần đây, những đứa trẻ thế hệ mới đã rất tự tin, cởi mở và hiểu biết rộng hơn so với thời xưa nhiều.

- 6 dòng chảy bao gồm một  lượng tranh lớn, điều đó chứng tỏ sức lao động của nữ họa sỹ rất dẻo dai. Họa sĩ có thể cho biết sau Dòng chảy 7 sẽ là đề tài gì?

Tôi xin được bật mí với mọi người, thực ra tôi đã có một chương trình cụ thể trong dòng chảy 7, tôi sẽ vẽ chân dung bạn bè. Đó là những người tôi đã từng gặp trong thuở ấu thơ như bác Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng… Họ có thể là những người cùng giới, bạn văn chương và những người cùng thời. Chỉ có điều, những bức tranh này tôi sẽ không bán, không cho, cũng chẳng tặng ai, mà chỉ để trưng bày tại nhà, để hễ ai có dịp ghé thăm có thể ngắm nhìn bất cứ lúc nào.

- Xin chúc họa sỹ thành công với những dự định tiếp theo.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Sinh ngày 10/9/1946 tại xã Tân Hồng (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh);

1967: Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Hà Nội;

1968 đến nay: Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội;

1984 đến nay: Hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh;

Thanh Thủy ghi

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ