Giáo viên sẽ sử dụng sách giáo khoa mới thế nào?

GD&TĐ - Sách giáo viên có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên thực hiện yêu cầu của các bài học trong SGK nhằm đạt các mục tiêu của chương trình. Mỗi bộ sách sẽ có một cách thiết kế khác nhau. Ở bộ sách“Cùng học để phát triển năng lực” các chủ biên, tác giả của một số môn học cho biết, họ đặt ra các tiêu chí dễ hiểu, dễ làm và đặc biệt là có tính mở để giáo viên tùy theo điều kiện, đặc thù vùng miền có thể sáng tạo.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

“Nhúng SGK trong sách giáo viên”

“Nhúng SGK trong sách giáo viên” là điểm khác biệt thấy rõ trong cách thức thiết kế sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. PGS.TS Phan Doãn Thoại, Phó trưởng ban biên soạn SGK “cùng học để phát triển năng lực” giải thích:

Theo mô hình hoạt động, SGK thiết kế các hoạt động học của học sinh, và vì vậy sách giáo viên tập trung hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động học đó. Vì thế, Chúng tôi thống nhất sách giáo viên thiết kế cấu trúc “hai trong một”.

Cụ thể, nội dung hoạt động học ở mỗi bài trong SGK được thu nhỏ, “nhúng” trong sách giáo viên. Phần còn lại dành để hướng dẫn tổ chức các hoạt động khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng.

Cách “Nhúng” thế này sẽ giúp giáo viên dễ đối chiếu, nhìn nhận từ bài học (trong SGK) để xem hướng dẫn các bước triển khai thế nào.

Sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” chỉ rõ mục đích, các bước tiến hành và kết quả đạt được của học sinh với mỗi hoạt động. Các bước tổ chức hoạt động cho học sinh chỉ là phương án gợi mở.

Giúp giáo viên hình dung được các bước phải thực hiện

TS Nguyễn Thụy Anh, Chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm- Một nội dung rất mới được đưa vào chương trình bắt buộc sẽ thực hiện tới đây - chia sẻ quá trình thực nghiệm viết sách cho thấy khá nhiều giáo viên lúng túng khi Hoạt động trải nghiệm còn rất mới mẻ. Có lẽ cũng vì thế mà cuốn sách giáo viên Hoạt động trải nghiệm là một trong những cuốn sách dày dành cho giáo viên trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực”.

Hoạt động trải nghiệm dựa trên hoạt động thực tế của học sinh. Với mỗi chủ đề, chúng tôi thiết kế các hoạt động tương ứng. Nhưng đó là thiết kế mở, chỉ mang tính gợi ý cho giáo viên. Tùy theo điều kiện, đặc điểm vùng miền, giáo viên có thể lựa chọn các bài tập, hoạt động, giao các nhiệm vụ khác nhau cho học sinh chứ không phải tuân thủ máy móc các bước hoạt động chúng tôi đưa ra.

Cũng vì thế trong SGK, khi thiết kế các hoạt động học tập của học sinh, chúng tôi chỉ muốn trình bày với các thầy, cô giáo nguyên lý của việc tạo động lực, thu hút sự quan tâm cho học sinh để từ hoạt động, các em được trải nghiệm và có được các năng lực, kĩ năng cần thiết”.

PGS-TS Nguyễn Thị Hạnh, Chủ biên môn Tiếng Việt bậc Tiểu học khẳng định: “Chúng tôi có một niềm tin là với cách thiết kế sách giáo viên trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, giáo viên sẽ dễ dạy hơn. Ví dụ khi hướng dẫn giáo viên tổ chức một hoạt động, chúng tôi mô tả rõ hoạt động đó thế nào, từng bước cụ thể để giáo viên triển khai cho học sinh, gợi ý cho giáo viên tổ chức hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý không bắt buộc giáo viên phải thực hiện đúng các bước sách đưa ra mà đó chỉ là một gợi ý. Nếu giáo viên có cách thực hiện tốt hơn thì có thể linh hoạt áp dụng”.

Cô Trần Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Thị trấn Phố Lu-Bảo Thắng- Lào Cai phản ánh: Nhiều giáo viên lúc đầu khá hoang mang khi chuẩn bị phải thực hiện chương trình mới, nhưng khi tiếp cận với SGK, đặc biệt là sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” thì đã yên tâm hơn rất nhiều vì họ hình dung được các bước phải thực hiện.

Không chỉ bớt lúng túng, giáo viên của chúng tôi rất hào hứng khi nghiên cứu SGK và Sách giáo viên, vì không bị gò bó, cứng nhắc mà được chủ động, linh hoạt thực hiện theo các bước gợi ý của sách”.

Giáo viên sẽ có thêm tài liệu hỗ trợ

Theo PGS.TS Phan Doãn Thoại, Ban soạn thảo đã triển khai xây dựng một hệ thống phần mềm kèm theo học liệu điện tử giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập theo bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực”. Trong giai đoạn đầu, mỗi môn học có 3 học liệu điện tử kèm theo: Các bài giảng điện tử dành cho giáo viên; Sách mềm – Sách bài tập có tương tác; Sách mềm- Kiểm tra, đánh giá nhanh (đi kèm SGK).

PGS.TS Trương Anh Hoàng - Cố vấn CNTT cho bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cho biết: “Với chiến lược của công nghệ là lấy SGK làm xương sống, chúng tôi khai thác tiềm năng của công nghệ để tăng hiệu quả của nội dung đã có trong sách giấy, như tương tác hóa, chấm điểm tự động.

Hệ thống học liệu điện tử cũng bổ sung nhiều chất liệu, bám sát theo nội dung sách giáo khoa - những nội dung mà khuôn khổ sách và phương tiện giấy không truyền tải được, đảm bảo đủ học liệu cho giáo viên và học sinh khai thác sử dụng bằng phương pháp kết hợp cả nội dung chính thống (sách) và nội dung do người dùng đóng góp dưới sự kiểm duyệt chặt về chất lượng".

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho bài học, môn học mà hệ thống học liệu nói trên giúp giáo viên có cái nhìn tổng quan, hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ, kiến thức, kĩ năng với tài liệu tập huấn mềm; phân phối chương trình, giáo án điện tử; file trình chiếu powerpoint xây dựng theo nội dung sách giáo viên; ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì; mô phỏng ảo, thí nghiệm ảo…

“Không phải chỉ online giáo viên mới sử dụng được mà chúng tôi có một bộ slide có thể chạy được offline. Giáo viên chỉ cần tải về một lần và sử dụng cả trong điều kiện không có kết nối internet. Các slide này lại thiết kế sẵn theo bộ sách, đồng thời lại cho phép giáo viên chỉnh sửa, vì nó là High-Power Point nên có thể thoái mái như là thêm hình ảnh hay tùy biến theo nhu cầu giảng dạy ở địa phương của mình. Đây được coi là một trong những bộ công cụ mới ở trong bộ sách này" - PGS.TS Trương Anh Hoàng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ