Điện thoại vào lớp học - sao phải sợ hãi?

GD&TĐ - Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT đã chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó cho phép học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ việc tìm kiếm tài liệu dưới sự giám sát của giáo viên (GV).

HS Trường THPT Trần Hữu Trang (TPHCM) sử dụng điện thoại di động làm bài kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Công Chương.
HS Trường THPT Trần Hữu Trang (TPHCM) sử dụng điện thoại di động làm bài kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Công Chương.

Cũng như trước đó, khi dự thảo thông tư này được công bố thì lập tức gây tranh cãi trong dư luận. Cả phụ huynh và giáo viên, thậm chí cán bộ quản lý giáo dục cũng bất đồng ý kiến. Một phía cho rằng cần tận dụng lợi thế kết nối thông tin và công nghệ để nâng chất lượng giảng dạy. Phía còn lại phản đối vì cho rằng nguồn thông tin khổng lồ trên internet rất nguy hại với lứa tuổi học sinh bởi rất khó kiểm soát trong khi các em chưa vững vàng trong nhận thức để tự vệ. Bên nào cũng có lý và thực tế không chỉ Việt Nam mà ở các quốc gia có nền công ngệ tiên tiến cũng từng xảy ra tranh cãi tương tự và kéo dài cho đến tận hôm nay.

Nhưng có vẻ nỗi sợ hãi về những tác hại từ điện thoại đã nâng tầm cảnh giác của nhiều phụ huynh và giáo viên đến độ muốn loại trừ chúng ra khỏi môi trường giáo dục. Cảm xúc này giống như lần đầu các bậc phụ huynh sắm điện thoại cho con. Không thể không sắm vì sự cần thiết, nhưng không muốn chúng lạm dụng vì những mặt trái của nó. Vấn đề còn lại là cách kiểm soát thiết bị này.

Hãy đọc kỹ quy định tại điều 37 trong Thông tư 32, về Các hành vi học sinh không được làm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép...

Vậy thì có gì phải lo ngại và tranh luận. Không chỉ điện thoại mà bất cứ thiết bị nào không phục vụ học tập và không được giáo việc cho phép cũng không được sử dụng. Trong khi học sinh chưa đủ kinh nghiệm thì ở nhà phụ huynh giám sát; ở lớp học là giáo viên giám sát, cần thiết thì cấm.

Trong đà phát triển chung của xã hội, việc sử dụng các thiết bị điện tử trong giảng dạy, học tập là tất yếu. Điện thoại cũng thế, chưa bao giờ là nguyên nhân gây tác hại mà đơn thuần nó là thiết bị kết nối. Nhiều trường học có phương pháp quản lý tốt (kể cả trường công) vẫn cho học sinh dùng điện thoại lâu nay để học tập. Nhiều trường khác lo ngại và tìm được thiết bị phù hợp hơn thì vẫn đang cấm, và không vì có thông tư này mà cho sử dụng điện thoại.     

Chúng ta không thể chối cãi điện thoại là thiết bị phổ biến nhất, là công cụ sử dụng nhiều nhất. Tận dụng lợi thế mà một chiếc điện thoại mang lại là việc mà hầu như ai cũng đã từng làm. Nó hiện diện trong mọi mặt đời sống xã hội, không ngoại trừ giáo dục nên cũng không thể mãi e ngại nó gây ra những tác hại đối với học sinh. Xét cho cùng trong cuộc sống có điều gì mà không có nhiều mặt. Vấn đề phải làm là tận dụng tối đa mặt tốt, hạn chế tối đa mặt xấu.

Trong câu chuyện chiếc điện thoại ở lớp học, giáo viên đã được giao trọn quyền kiểm soát, hướng dẫn. Dù muốn hay không thì đây cũng là kỹ năng cần thiết cho bất cứ học sinh nào bước chân vào đời. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.