Để học sinh hào hứng trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài

Để học sinh hào hứng trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài

Quãng thời gian nghỉ Tết các em học sinh được đi thăm hỏi người thân cùng các hoạt động vui chơi giải trí với gia đình nên thường xuất hiện tâm lý nghỉ xả hơi. Vì thế mà việc ôn luyện kiến thức ít được dành thời gian hơn.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã quyết định cho các em học sinh nghỉ học hai tuần để đề phòng sự lây lan của virus corona. Việc nghỉ học dài ngày rất dễ tạo ra “sức ì”, cũng như tâm lý uể oải cho các em học sinh, dẫn đến việc quay trở lại trường học bớt đi sự tập trung và hào hứng.

Cô giáo Hoàng Thị Nhạn (Giáo viên trường tiểu học Nam Cường huyện Nam Trực tỉnh Nam Định) bày tỏ: “Các kỳ nghỉ dài thường dẫn tới những xáo trộn nhất định trong việc tiếp thu kiến thức, nhất là ở lứa tuổi tiểu học. Thậm trí với những em có sức học yếu nếu không có sự kèm cặp tận tình, tỉ mỉ của giáo viên, dễ dẫn tới việc các em bị tụt lại phía sau so với các bạn trong lớp”.

Với kinh nghiệm của nhiều năm đứng trên bục giảng, cô giáo Hoàng Thị Nhạn chia sẻ: “Khi các em học sinh vẫn còn đang trong kỳ nghỉ, mỗi thầy giáo, cô giáo đã phải chuẩn bị sẵn sàng các phương pháp sư phạm để khi các em học sinh quay trở lại trường cả cô và trò đều có sự chủ động trong việc truyền tải và tiếp nhận kiến thức.
Để làm được điều đó thì quãng thời gian nghỉ mỗi em đều phải có sự ôn luyện bài tập về nhà thông qua việc giám sát, nhắc nhở của gia đình. Lượng kiến thức trong những ngày đầu tiên trở lại trường nên dừng ở mức độ “nhẹ nhàng”. Bài tập không nên quá khó mà chỉ nên dừng ở mức độ cơ bản để các em gợi nhớ kiến thức và tạo ra tâm lý hứng thú với học tập”.

“Dù cả cô và trò sẽ phải chuyển đổi nhanh, linh hoạt hơn trong việc dạy và học nhưng không có nghĩa là sẽ cắt bớt chương trình hay bắt các em học sinh học đuổi, học chạy chương trình. Đó là điều không nên, cũng như chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả. Bởi khả năng tiếp thu kiến thức của lứa tuổi học sinh tiểu học vẫn còn chậm việc học đuổi, học nhanh gây áp lực tới tâm lý các em nhiều hơn”.

Về phía gia đình, việc đôn đốc học bài và ôn tập kiến thức trong những ngày sát với thời điểm đi học trở lại là hết sức quan trọng, nhưng không nên “gay gắt”. Sự quan tâm của gia đình không hẳn là để các em phải hoàn thành hết những bài tập được giao vì như thế thường dẫn tới tâm lý làm bài tập theo kiểu “đối phó” ở không ít trường hợp các em học sinh. Mức độ quan tâm chỉ nên dừng lại ở việc các em hiểu và ý thức được kỳ nghỉ sắp kết thúc, giúp các em sẵn sàng tâm thế chuẩn bị quay trở lại trường lớp.

Anh Vũ Hữu Ích một phụ huynh có con đang học lớp 3 cho rằng: “Trước thời gian con quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, mình thường dành nhiều thời gian để trò chuyện tâm sự cùng con. Phụ huynh nên nói với các con về những niềm vui khi tới trường, những kỷ niệm về thầy cô, bè bạn… Những câu chuyện giản dị gần gũi dễ tạo cho các con cảm giác nhớ trường, nhớ bạn, khơi gợi được cảm giác mong muốn tời trường của các con”.

“Không những vậy, sau những buổi học đầu tiên phụ huynh nên tìm hiểu quá trình học tập của con em mình ở trường như thế nào thông qua giáo viên chủ nhiệm, từ đó nắm bắt được tâm lý của con em mình để đưa ra những phương án phù hợp. Việc kết hợp giữa gia đình với nhà trường chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn để các con hào hứng tới trường sau những kỳ nghỉ dài” – Anh Ích chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ