Chuyên gia nhận xét đề thi Địa lý: Chỉ cần sử dụng Atlat đã ăn điểm ở nhiều câu hỏi

Chuyên gia nhận xét đề thi Địa lý: Chỉ cần sử dụng Atlat đã ăn điểm ở nhiều câu hỏi

>> MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Thầy Lê Đức Tài, Tổ trưởng Tổ Địa lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM: Đề Địa lý nhẹ nhàng, không khó để đạt điểm trên trung bình

Theo thầy Tài, đề năm nay bám sát với đề minh họa mà Bộ cho từ nội dung đến cấu trúc... Đề có 10% câu hỏi nằm trong chương trình lớp 11, còn lại xuyên suốt trong chương trình lớp 12.

Các câu hỏi đảm bảo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. 

Nhìn chung mã đề 315 nhẹ nhàng, các em ôn tập tốt phần kiến thức cơ bản, sử dụng tốt Atlat việc đạt điểm 6-7 là không khó.

Đề này đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, đúng với mục đích của kỳ thi.

Một số câu hỏi có độ khó, đòi hỏi học sinh học, hiểu, nắm chắc vấn đề. Những câu này dành cho học sinh dùng môn Địa để xét tuyển ĐH.

Cô giáo Vũ Thị Thanh

Cô giáo Vũ Thị Thanh, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội): Cấu trúc rõ ràng, sát với đề tham khảo

Đề thi môn Địa năm nay bám sát chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT, cấu trúc rõ ràng, sát với đề tham khảo với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Nội dung của đề phù hợp với năng lực của học sinh, không quá khó, không đánh đố, song cũng đòi hỏi học sinh phải học nghiêm túc và có sự say mê bộ môn mới làm tốt được bài thi. Với học sinh trung bình, các em có thể hoàn thành tốt phần kiến thức trong Atlat, kiến thức kỹ năng và các câu hỏi dễ.

Một số câu hỏi có mức độ phân hóa đòi hỏi học sinh phải có tư duy kỹ càng, đọc kỹ đề để tránh nhầm lẫn khi lựa chọn các phương án trả lời.

Về nội dung trong Atlat, học sinh chỉ cần thành thạo các kỹ năng đọc Atlat, quan sát kỹ và so sánh các đối tượng địa lý được thể hiện trong Atlat là hoàn thành tốt được phần nội dung này.

Về kỹ năng xử lý số liệu cũng không quá khó, học sinh chỉ cần nắm chắc được cách tính là các em sẽ trả lời các câu hỏi.

Về phần lý thuyết, kiến thức bắt đầu có sự phân hóa, với những học sinh trung bình khá, các em có thể hoàn thành được 80% câu hỏi. Các câu hỏi khó trong đề tập trung chủ yếu vào vấn đề địa lý các ngành kinh tế và các vùng kinh tế, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản và có khả năng vận dụng, liên hệ thức tế mới giải quyết được.

Một số câu hỏi trong đề đã đề cập sâu tới những vấn đề thực tiễn ở một số vùng kinh tế, như câu 65, 73, 74, 79… (mã đề 301). Cụ thể là các vấn đề về khó khăn trong tự nhiên ở vùng Trung bộ, những giải pháp để phát huy thế mạnh của Đồng bằng Sông Cửu Long, vấn đề phát triển công nghiệp dầu khí ở Đông Nam bộ, phát triển cây công nghiệp ở trung du miền núi Bắc Bộ…

Với đề thi này, học sinh có thể đạt được mức độ từ 6-7 điểm, để đạt được điểm 8 trở lên cần học sinh phải thực sự đầu tư cho môn Địa lý.

Đánh giá chung của tôi là đề thi hay và vừa sức với học sinh.

Cô giáo Quản Thị Huệ - Giáo viên Trường Hữu nghị T78  (Hà Nội): Sử dụng Atlat tốt là có thể đạt điểm tốt nghiệp

Cấu trúc đề thi Địa lý giống với đề minh họa (đề tham khảo năm 2019). Nội dung thi tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.

So với đề thi năm 2018, đề năm nay giảm số lượng câu hỏi thuộc nội dung kiến thức lớp 11; các câu hỏi thuộc phần Atlat cũng dễ hơn so với năm trước, tất cả các câu Atlat đều chỉ yêu cầu tìm các đối tượng có sẵn trên bản đồ.

Các câu hỏi về địa lí tự nhiên - dân cư tương đối dễ, không yêu cầu học thuộc, kiến thức có thể suy luận từ thực tế xung quanh hoặc xem trong bản đồ ở các trang Atlat là có thể tìm ra đáp án.

Các câu hỏi về phần địa lí các vùng và các ngành kinh tế đòi hỏi học sinh tư duy vận dụng và tổng hợp kiến thức do có nhiều câu hỏi so sánh vai trò, ảnh hưởng của các nhân tố, nhóm nhân tố đến các ngành, các vùng. Từ khoảng câu 67 trở đi (mã 315) mức độ khó tăng lên rõ rệt và làm khó thí sinh ở một số câu như câu 75, câu 77...

Theo cô Huệ, nhìn chung, đề thi có sự phân hóa khá rõ ràng, học sinh trung bình có thể đạt được điểm 6. Học sinh học lực khá, giỏi có nhiều khả năng đạt điểm từ 7,5 trở lên. Để đạt điểm 10 tương đối khó, đòi hỏi ngoài kiến thức, kĩ năng của bộ môn, học sinh cần chú ý kĩ lưỡng và thật cẩn thận khi làm bài.

Đối với đề thi này, học sinh chỉ cần đọc kĩ đề, sử dụng Atlat tốt là có thể đạt điểm tốt nghiệp. Đối với các thí sinh xét tuyển đại học, sự phân hóa sẽ rõ ràng hơn, nhất là từ thang điểm 7 đến trên 8. Đề thi phù hợp với việc phân hóa học sinh tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.

Cô Lại Kim Anh  - Giáo viên Trường THPT Việt Đức, Hà Nội): Đề thi bám sát chương trình, vừa sức học sinh.

Phổ điểm tập trung vào khung điểm khá Đề thi Địa lý năm nay rất cơ bản, bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Kiến thức trải rộng ở cả 3 chương trình lớp 10, 11, 12 (tập trung nhất ở lớp 12).

Cô giáo Lại Kim Anh 

Điểm khác biệt của đề năm nay là kiến thức lớp 11 chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Sự giảm tải này là cần thiết và hợp lý. Còn kiến thức lớp 10 trong đề đã được lồng ghép ở các nội dung kiến thức lớp 12.

Nội dung kiến thức cơ bản bám sát thực tiễn. Câu dẫn và các phương án trả lời mạch lạc, rõ ràng.

Đề có sự phân hóa rõ rệt. Có 4 - 6 câu đòi hỏi HS không những phải nắm chắc kiến thức cơ bản, mà còn cần có khả năng phân tích, tư duy tổng hợp kiến thức.

Nội dung những câu hỏi ở mức độ này khá hay, đề cập đến những thế mạnh cũng như những vấn đề nổi cộm mang tính thời sự của các vùng kinh tế ở nước ta.

Phổ điểm: Nhiều học sinh đạt 5 điểm. Phổ biến 6 - 7. Tuy nhiên để đạt được điểm giỏi là không dễ.

Cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh – Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu: Đề không làm khó học sinh

Đề thi môn Địa lý THPT quốc gia năm 2019 không quá khó. Các câu hỏi ở mức độ cơ bản chiếm khoảng 60 -70%.

Có 4 câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 11, trong đó có 2 câu hỏi về kỹ năng xử lý số liệu và nhận dạng biểu đồ, 2 câu còn lại tập trung vào phần lý thuyết của khu vực Đông Nam Á, các câu hỏi này không làm khó học sinh.

Số câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam có 11 câu, đây là những câu hỏi giúp học sinh lấy điểm rất dễ dàng vì đó đều là dạng nhận biết cơ bản. Đa số các câu hỏi tập trung vào phần Địa lý các ngành kinh tế và Địa lí các Vùng kinh tế.

Đây cũng là nội dung kiến thức học sinh được học tập và ôn luyện nhiều nhất. Các câu hỏi vận dụng cao có tính phân hóa rõ rệt, đòi hỏi học sinh cần tư duy, các câu hỏi này đều tập trung vào việc yêu cầu học sinh chọn giải pháp chủ yếu nhất, nghĩa là cả 4 đáp án đều có ý đúng nhưng học sinh phải suy nghĩ kỹ để lựa chọn được đáp án nào đúng nhất, như các câu 72, 74, 75, 79, hay các câu đòi hỏi học sinh phải hiểu bản chất của vấn đề như 61, 63, 67… (mã đề 301).

Nhìn chung, đề thi của môn Địa lý không quá gây áp lực cho thí sinh do có khá nhiều các câu hỏi kỹ năng giúp học sinh dễ dàng đạt điểm tối đa nội dung đó.

Cô Nguyễn Thị Hà Phương – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An): Chỉ cần sử dụng Atlat đã ăn điểm ở nhiều câu hỏi

So với năm trước, đề năm nay có mức độ nhẹ nhàng hơn, không đánh đố học sinh. Đề thi cũng bám sát chương trình sách giáo khoa, chủ yếu trong chương trình lớp 12 và lớp 11 chỉ ra đề về các nước Đông Nam Á cũng khá gần gũi với học sinh.

Thí sinh được mang Atlat Địa lý vào phòng thi.
Thí sinh được mang Atlat Địa lý vào phòng thi. 

Tất cả các kiến thức đều nằm trong chương trình ôn tập cho học sinh. Các dạng câu hỏi trong đề các em cũng đã được rèn luyện, thử sức nhiều lần ở các đề thi thử. Vì vậy, đề thi này cơ bản không làm khó thí sinh.

Thí sinh chuẩn bị bước vào làm bài thi Địa lý tại điểm thi THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
 Thí sinh chuẩn bị bước vào làm bài thi Địa lý tại điểm thi THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Với học sinh trung bình, các em được tạo điều kiện ở phần sử dụng Atlat, biểu đồ, số liệu. Đây là những câu ở mức độ nhận biết, có công cụ trợ giúp để học sinh ghi điểm, từ câu 1 đến câu thứ 15.

Về sau các câu có mức độ phân hóa, vận dụng dần. Nhưng chỉ có một vài câu cuối nhằm phân hóa học sinh, xoáy chủ yếu vào các vùng kinh tế, ngành nổi bật đó của một vùng kinh tế.

Những câu này học sinh không biết phân tích, tư duy nắm vững kiến thức thì sẽ đánh bừa khó đúng vì đáp án tương đương nhau.

Thầy Phạm Văn Hào - Giáo viên Địa lý, Trường THPT Thành Nhân (TP.HCM): Đề Địa lý bám sát đề minh họa của Bộ

Nhận định mã đề 004, thầy Hào cho rằng đề thi bám rất sát với đề minh họa của Bộ cho trước đó. Từ cách đặt câu hỏi, nội dung chương trình. Vì vậy, mà tôi nghĩ các em sẽ làm bài tương đối ổn vì thầy cô đã ôn tập kĩ theo dạng đề minh họa.

Xuyên suốt đề là nội dung chương trình lớp 12, có 3 câu hỏi lớp 11 (học kỳ 2 của chương trình 11) nên không hề làm khó học sinh. Các em cũng đã được giáo viên ôn tập. Các em không thể nào học tủ, học vẹt mà học phải hiểu vấn đề mới có thể làm bài. 

Ở những câu phân loại thí sinh tập trung vô vùng kinh tế, các ngành. Đây là những câu hỏi khó hơn, thường dành cho các em chọn môn Địa để xét tuyển ĐH. 

Với các em ôn tập tốt theo Sách giáo khoa, lắng nghe lời giảng của giáo viên, nắm vững kĩ năng sử dụng Atlat các em sẽ không khó để có điểm trung bình.

Ở phần sử dụng Atlat có hơn 10 câu, các em sẽ dễ để có điểm vì phần này giáo viên cũng rèn luyện cho học sinh trong quá trình ôn tập, giảng dạy.

Cô Trần Hà Mi - Giáo viên Địa Lý, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): 

Nhận xét mã đề 301 môn Địa lí, cô Hà Mi cho rằng, Địa lý vẫn là một môn học khá “dễ thở” trong nhóm các môn tổ hợp. 10/40 câu khai thác kiến thức từ Át lat là một cơ hội để học sinh lấy điểm dễ dàng. Tỉ lệ câu hỏi nhận biết chiếm gần 50% nhưng vẫn yêu cầu học sinh phải tỉnh táo và chắc kiến thức.

Cô Trần Hà Mi (phải ảnh).
 Cô Trần Hà Mi (phải ảnh).

Nội dung lớp 11 chỉ chiếm 4/40 câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu về Đông Nam Á. Hình thức đề tương đối giống đề minh họa, tập trung vào chương trình lớp 12 với sự phân cấp khá rõ ràng.

Các câu hỏi khó nhất bắt đầu từ câu 75 đến 80, chủ yếu  thuộc phần Địa lí kinh tế và Địa lí vùng kinh tế của chương trình lớp 12, yêu cầu học sinh có sự hiểu biết sâu rộng và nắm chắc kiến thức SGK

Bên cạnh đó cũng có nhiều đổi mới trong cách ra đề, học sinh cần quan tâm nhiều hơn những thông tin thời sự, tình hình kinh tế,... nhằm có cơ hội ghi được điểm tuyệt đối trong bộ môn này.

Phổ điểm năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2018.

>> MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.