Chuyên gia nhận xét đề thi Hóa học: Giúp định hướng tốt cho kỳ thi năm sau

Thầy Trần Phương Duy (giữa) và HS trong giờ thực hành Hóa học.
Thầy Trần Phương Duy (giữa) và HS trong giờ thực hành Hóa học.

Thầy Nguyễn Xuân Sinh - Giáo viên Trường THPT Tĩnh Gia 1 (Thanh Hóa): Đềthi vừa sức học sinh

Theo mã đề 217 có 23 câu lý thuyết bám sát chương trình SGK, tuy nhiên phải yêu cầu học sinh nhớ liên hệ thực tế.

Ví dụ câu 50, 56... số câu khó ít hơn so với đề 2018. Câu 75 nằm trong chương trình giảm tải. Câu 80 là dạng toán nên áp dụng rộng. 

Để đạt điểm 8 – 10, học sinh phải xếp loại học lực giỏi và hiểu bản chất vấn đề, biết đan xen giữa kiến thức cơ bản, vận dụng và vận dụng cao mới có thể đạt được.

Phạm vi ra đề bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12, nhưng trọng tâm là kiến thức lớp 12 (chiếm khoảng 80%). Các câu hỏi lớp 11 (chiếm khoảng 20% phân bổ đều các chương).

40 câu trong đề thi được phân bố 1 cách rất hợp lý theo mức độ từ dễ đến khó và rất khó như sau:

12 câu đầu dễ, ở mức độ nhận biết. Học sinh nào không kiếm được đủ điểm ở phần này hoặc phải dùng "quyền trợ giúp" thì quả là hơi yếu.

20 câu tiếp theo vẫn còn dễ nhưng có thách thức hơn một chút, ở mức độ thông hiểu và tăng độ khó so với đề năm ngoái. Các câu hỏi vận dụng và câu hỏi thông hiểu xen kẽ nhau. Đây là phần lấy điểm chủ yếu của các bạn.

8 câu hỏi cuối là câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, được đánh giá là lạ và rất khó. Phổ điển phổ biến năm nay sẽ rơi vào mức điểm 5-6. 

Đề thi THPT quốc gia năm nay không khó hơn đề năm ngoái. Đề tính toán nhiều hơn, cần phải cẩn thận đọc kỹ đề hơn, không dùng nhiều máy tính Casio như đề năm trước.

Năm nay học sinh hoàn toàn phải hiểu bản chất mới làm được bài. Các phương án gây nhiễu đáp án cũng khó phát hiện ra hơn, tránh khoanh bừa đáp án mà vẫn đạt điểm trong kỳ thi.

Clip Cô Trịnh Kim Thu - GV môn Hóa học, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét đề thi môn Hóa học

Thầy Đặng Xuân Chất - Giáo viên Hoá học, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Cách ra đề khá mới

Đề thi Hóa học năm nay ra tập trung chủ yếu vào phần kiến thức lớp 12, không có kiến thức thuần lớp 10 (giống như đề minh họa)

Số lượng câu dễ khoảng 24-25 câu đầu tiên, số lượng câu cực khó giảm so với đề năm 2018 tập trung vào các câu hỏi cuối đề thi.

Thầy Đặng Xuân Chất.
 Thầy Đặng Xuân Chất.

Cách phân loại trong câu hỏi lí thuyết vẫn là dạng câu hỏi đếm, câu đồ thị rơi vào phần bài tập điện phân hỗn hợp 2 muối là phần học sinh khá “ngại” nên dự đoán nhiều học sinh sẽ bỏ phần này

Cách ra đề năm nay khá mới, chú ý nhiều hơn đến ứng dụng thực tế và thí nghiệm (câu hỏi thí nghiệm không ra dưới dạng hình ảnh như học sinh thường tưởng tượng) yêu cầu học sinh cần hiểu được bản chất và bình tĩnh đọc kĩ đề mới có thể hoàn thành được bài thi.

Dự kiến phổ điểm môn hóa năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Điều này đã được dự đoán từ trước do cách tiếp cận của Bộ với mục tiêu xét tốt nghiệp, cách tính điểm tốt nghiệp là 70% điểm thi 30% điểm tổng kết thay cho 50-50 như năm trước.

Cô Ngô Nhật Tri - Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng): Môn Hóa dự kiến phổ điểm khá rộng

 

Cách đề ra giống với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT nhưng mức phân hóa cao. Từ câu 74-80 là câu dài. Phần 30 câu khá dễ.

Câu hỏi và đáp án rất tường minh nên thuận tiện cho thí sinh chọn đáp án.

Cách ra đề trong phần nhận biết và hiểu lần này rất cơ bản. Với những học sinh không chọn môn Hóa làm môn xét tuyển ĐH thì chỉ cần đọc SGK và ghi nhớ thì đạt điểm 6 không khó.

Đề thi có 1/30 câu cơ bản của lớp 10; 4/30 câu của lớp 11. Các câu từ 74 - 80 là kiến thức nâng cao 12. Có câu hỏi mang tính thực tế và có mô tả thực hành. Đề giống với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Đề thi Hóa học không khó. Khả năng đạt điểm 10 của học sinh cao hơn năm ngoái. Không có bài toán ác mộng với thí sinh (phần thủy phân poli peptit).

Với cách sắp xếp hợp lý này thì các câu khó, nâng cao nằm ở phần cuối, học sinh sẽ làm từ phần dễ đến khó nên học sinh không lo mất điểm.

Thầy Đỗ Thanh Trúc, Tổ trưởng tổ Hóa, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM: Bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT

Thầy Trúc cho biết, thầy xem mã đề 218 và cho rằng, đề bám sát với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Về cấu trúc, về nội dung chương trình.

Với dạng đề này các em cũng đã được giáo viên cho làm quen và sẽ không có gì bất ngờ.

Với 24 câu đầu tiên, các em có thể giải trong vòng 10 phút nếu nắm chắc kiến thức. Ở 6 câu tiếp theo, học sinh khá cũng có thể hoàn thành tốt, đúng. Còn 10 câu sau đòi hỏi các em phải nắm chắc kiến thức, vận dụng cao mới có thể hoàn thành bài. Đây là những câu hỏi để các em giỏi ghi điểm.

Như vậy đề thi có tính phân loại thí sinh, phân hóa cao, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đề có một số câu hỏi thực tiễn như câu 70, câu 43, câu 52. 

Thầy Trần Phương Duy- GV Hoá Học (Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội; GV Hoá học Hệ thống giáo dục trực tuyến Toliha Learning)Đề Hóa khá hay, đáp ứng tốt 2 mục đích của kỳ thi

Theo thầy Phương Duy: Đề thi Hóa năm nay khá hay, bám sát theo chương trình THPT QG hiện hành. Có thể đáp ứng khá tốt 2 mục đích xét công nhận tốt nghiệp và lấy điểm phục vụ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng toàn quốc. 

Dựa trên tinh thần của đề thi THPT QG 2018 và đề thi minh họa 2019, có thể thấy đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn so với năm học trước. Các câu hỏi từ 41 đến 67 học sinh có thể giải quyết khá dễ dàng với việc nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, câu hỏi 68 có cách tiếp cận mới bằng bảng biểu. Từ câu 74 yêu cầu học sinh có kỹ năng khá để giải bài.

Tuy nhiên, theo thầy Phương Duy, năm nay vắng bóng câu hỏi liên quan đến peptit thay vào đó phần vận dụng cao khai thác triệt để nội dung của este và các bài toán liên quan đến chuyên đề oxi hóa khử và định luật bảo toàn.

So với đề minh họa, 2018 có 17,5% kiến thức lớp 11, còn lại là lớp 12, hầu như không có lớp 10. Có 62,5% lý thuyết và 37,5% bài tập trong đề minh họa 2019 thay vì tỉ lệ 50:50 của đề thi chính thức 2018. 

Các câu hỏi khá đơn giản ở từ khoảng câu 67 đổ lại, bắt đầu nâng cao hơn ở phần giữa và vận dụng cao từ câu 74 đến hết. Để đạt được điểm cao học sinh cần có sự sâu chuỗi kiến thức theo chiều sâu, biết vận dụng linh hoạt các phương pháp giải toán và tối đa các kĩ năng kĩ xảo rèn luyện trong thời gian ôn thi.

Dựa trên cách ra đề môn Hóa năm nay, HS và GV có thể dự đoán được cấu trúc và phân bố các nội dung phục vụ cho kì thi THPT trong các năm sắp tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ