Thầy giáo Ngô Tích - Giáo viên Vật lý, trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng): Đề thi có nhiều kiến thức lồng ghép giữa lớp 11 và 12.
Đề thi môn Vật lý năm nay đảm bảo được cả mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Với 20 câu hỏi đầu thí sinh dễ dàng lấy điểm, nhưng bắt đầu từ câu hỏi số 20 trở lên thì độ khó tăng dần.
Đặc biệt, có những câu hỏi kiểm tra kiến thức lồng ghép giữa lớp 11 và lớp 12 dưới dạng làm mới kiến thức mà học sinh phải nắm được bản chất vật lý và kỹ năng xử lí đồ thị thì mới giải quyết được.
Ngoài ra, có một số câu tính toán tương đối dài. Với đề thi này, các trường ĐH top dưới và top giữa sẽ dễ dàng hơn trong tuyển sinh, các trường top trên khả năng thí sinh đạt điểm cao ở môn Vật lý là không nhiều.
Cô Nguyễn Thị Minh Thu – Giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Dự kiến phổ điểm tăng
Đề thi môn Vật lý tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12. Đề thi bám sát chương trình học, số lượng câu hỏi trong ở mỗi chuyên đề trong chương trình học lớp 12 khá đều và một số câu lớp 11 phần điện và quang học.
Cô Nguyễn Thị Minh Thu. |
Trong đề, số câu dễ khoảng 25 câu đầu tiên, số lượng câu khó và rất khó giảm so với năm 2018.
Câu hỏi mang tính vận dụng cao tập trung chương điện và giao thoa sóng và ánh sáng. Câu hỏi về đồ thị rơi vào phần kiến thức dao động cơ và không quá khó. Tuy nhiên, đề thi chưa chú trọng nhiều đến các câu hỏi thí nghiệm.
Với mức độ như trên học sinh nắm chắc kiến thức có thể đạt 7, 8 điểm. Dự kiến phổ điểm năm nay sẽ tăng so với năm 2018.
Thầy Triệu Lê Quang - Giáo viên Vật lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Asterdam: Đề đảm bảo tính chính xác, khoa học
Các câu hỏi trong đề thi đảm bảo tính chính xác khoa học, rõ ý. 16 câu đầu dễ dàng đối với học sinh học có kiến thức cơ bản. 16 câu tiếp theo, học sinh có học lực khá có thể làm tốt. 4 câu tiếp theo dành cho học sinh ở mức độ giỏi. 4 câu cuối cùng là những câu “siêu khó” đối với học sinh.
Có những câu có tính ứng dụng trong thực tế nằm ở những câu dễ, những câu khó có tính mới nhưng nặng về thuật toán, không nặng về vật lý.
Có hơn 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 11 thuộc mức độ vận dụng. Không có câu trong chương trình lớp 10. Những câu có tính ứng dụng trong thực tế nằm ở những câu hỏi dễ.
Những câu hỏi khó mới mẻ, thú vị nhưng nặng về toán học.
Với học sinh có học lực trung bình có thể đạt 4-5 điểm; học lực khá đạt 7-8 điểm; để đạt 9-10 điểm là khó. Đề thi năm nay chủ yếu thuộc chương trình lớp 12.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Trường THCS, THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội): Đề Lý phân hóa cao trình độ học sinh
Đề tập trung vào nội dung kiến thức lớp 12 (36 câu), lớp 11 (4 câu). Không có câu hỏi nằm trong chương trình lớp 10. Các câu hỏi bám sát chương trình cơ bản và có cấu trúc giống đề thi minh họa.
Đề thi có sự phân hóa học sinh cao, các câu hỏi ở phần kiến thức cơ bản (nhận biết và thông hiểu) và các câu hỏi ở phần vận dụng (vận dụng thấp và vận dụng cao) được phân biệt khá rõ (đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi 2 trong 1).
Thầy Nguyễn Anh Tuấn: "Đề thi có sự phân hóa HS cao, các câu hỏi ở phần kiến thức cơ bản". |
Các câu hỏi trong đề được sắp xếp từ dễ đến khó. Những câu hỏi ở phần nhận biết và thông hiểu dễ, ngắn gọn, nên học sinh đạt điểm 5- 6 không khó Những câu để lấy điểm 9- 10 phân bố đều trong chương trình lớp 12, nhưng chủ yếu tập trung ở phần cơ và điện, có độ khó cao. Học sinh có lực học tốt phải mất nhiều thời gian biến đổi, nên đạt điểm 10 khó.
Có 4 câu về đồ thị và hình ảnh, những câu hỏi này không những yêu cầu về nội dung kiến thức, mà còn kiểm tra được kỹ năng vận dụng của học sinh, phù hợp cho định hướng giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự đoán về phổi điểm: Điểm 10 có ít, các bài dưới điểm 1 cũng ít hơn năm trước. Chủ yếu có thể nhiều học sinh đạt điểm từ 4, 5 đến 6,5 điểm.
Thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm - Giáo viên Vật lý, Trường THPT TenLơMan (TP.HCM): Đề Lý "dễ thở" hơn năm ngoái
Thầy Lãm chia sẻ, thầy đã xem qua một số mã đề và chú trọng mã đề 223.
Theo đó thầy Lãm cho rằng, đề Lý năm nay "dễ thở" hơn một chút so với đề năm 2018. Cách đặt câu hỏi trong đề không đánh đố học sinh, là những câu hỏi quen thuộc.
Nội dung câu hỏi bám sát với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT cho trước đó nên các em học sinh đã được thầy cô ôn tập kĩ.
Phần lớp 11 có câu hỏi liên quan đến điện, từ, phản xạ toàn phần. Các em cũng đã được ôn tập phần này.
Ở Trường TenLơMan, căn cứ vào đề minh họa, tổ Lý cũng đã soạn ra những ngân hàng đề tương tự để cho các em ôn tập, làm thử nên tôi nghĩ các em sẽ hoàn thành bài tốt.
Đề có tính phân loại thí sinh, một vài câu đầu rất dễ tăng dần độ khó cho đến 8 câu cuối là dành cho các em học sinh xuất sắc.
Các cầu 28-32 là dành cho thí sinh khá, giỏi. Với những em trung bình, ôn tập tốt, các em vẫn có thể hoàn thành 28 câu đầu.
Với đề năm nay tôi dự đoán, phổ điểm rơi vào điểm 6 sẽ cao.
Đề này đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp cũng như lấy kết quả để xét ĐH, CĐ mà mục đích của kỳ thi đưa ra.
Thầy Nguyễn Văn Dũng – GV môn Vật lý Trường THPT Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang): Dự đoán đỉnh của phổ điểm từ 6 – 6,5 điểm.
Cấu trúc đề thi bám sát nội dung chương trình học. Nội dung đề thi tương tự như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT với 4 câu thuộc chương trình lớp 11 (câu 13, 21, 25, 30) và 36 câu thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Nếu đề thi năm trước có 20% câu hỏi (8 câu) nằm trong chương trình lớp 11, 80% câu hỏi (32 câu) nằm trong chương trình lớp 12 thì đề thi THPTQG 2019 câu hỏi có nội dung chương trình lớp 11 chỉ có 4 câu - chiếm 10%, 36 câu còn lại đều nằm trong chương trình lớp 12 - chiếm 90%.
Về mức độ khó – dễ của đề thi, 20 câu đầu HS cần những kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm 5. Từ câu 21 đến câu 30, HS cần nắm chắc kiến thức và có kỹ năng làm bài tốt để đạt điểm 7.
Dự đoán đỉnh của phổ điểm năm nay từ 6 điểm – 6,5 điểm.
Gia Hân (ghi)