Bố mẹ Tây làm gì khi “lên chức”?

GD&TĐ - Ở nước ngoài, chưa kết hôn đã tính đến chuyện sau này sinh con nhờ ông bà chăm sóc là chuyện hiếm. Bởi vậy, ở một số quốc gia đã yêu cầu đăng ký kết hôn kèm với giấy chứng nhận đã tham gia các lớp làm cha mẹ.

Gia đình chị Nghiêm Thị Hà – Kiến trúc sư, Việt kiều Pháp. Ảnh: NVCC.
Gia đình chị Nghiêm Thị Hà – Kiến trúc sư, Việt kiều Pháp. Ảnh: NVCC.

Hiếm gặp ông bà chăm cháu

Chị Nghiêm Thị Hà là kiến trúc sư, lấy chồng ở Pháp. Chị chia sẻ, ở quốc gia này, có rất nhiều trung tâm đào tạo mở lớp dành cho những người chuẩn bị kết hôn. Bởi ở đây, chuyện sinh con rồi nhờ ông bà nội, ngoại giúp như ở Việt Nam khá hiếm hoi.

“Hồi chưa cưới, tôi thường lo lắng bởi ở nước ngoài sẽ không “nhờ” được bà ngoại chăm sóc cháu thay bố mẹ. Bởi ở Pháp, ông bà nội rất ít trường hợp trông trẻ giống như ở Việt Nam. Nơi tôi sống, hầu hết cha mẹ sẽ không ở chung khi con lập gia đình.

Theo đó, ông bà nội cũng không sắp đặt việc nuôi dạy con cái. Có lẽ vậy mà ở đây có vô số lớp học chuẩn bị hành trang cho người trẻ trước khi kết hôn. Cũng theo đó, phụ huynh luôn phải tự chủ trong việc chăm sóc con cái của mình thay vì tính xem sẽ nhờ ai bế ẵm”.

Chị Nghiêm Thị Hà cho biết thêm, ở Pháp, lớp hướng dẫn về kỹ năng làm bố mẹ được gọi là parenting class rất nhiều. Và hầu hết, những lớp học này luôn “bận rộn”.

Nghĩa là lớp học thực sự được nhiều người quan tâm chứ không phải là các trung tâm mang tính hình thức. Điều này cho thấy, người dân ở đây chú trọng việc học làm cha mẹ trước khi kết hôn.

“Là người Việt Nam nên tôi cho rằng sẽ không thu được gì từ các lớp học như vậy. Thế nhưng, khi tham gia các khóa học, tôi thực sự phải thay đổi. Lớp học sẽ chia thành các bậc như chăm sóc mẹ bầu, con mới sinh, tâm lý con trẻ 0 tuổi, kiến thức cho cha mẹ khi trẻ lên 3... Mỗi bài học đều là từ hoàn cảnh thực tế. Dù chưa sinh con nhưng khi kết thúc các khóa học, ai nấy đều cảm thấy như quá hiểu đứa con sắp chào đời của mình theo từng độ tuổi”.

Chị Hà cũng cho biết thêm, bài học dành cho các ông bố cũng rất thú vị. Họ học cách làm thế nào để kiểm soát cơn giận của mình đối với con cái. Học cách kiềm chế và đẩy lùi cơn giận. Những cách nói chuyện với con cái khi cơn giận đi qua…Thậm chí, nhiều ông bố còn học cách chăm sóc như tắm cho trẻ sơ sinh, chơi với trẻ sơ sinh thế nào cho đúng cách…

“Ở đây, họ xây dựng chương trình học rất hay, cuốn hút chứ không hề nhàm chán. Đến các khóa học này, mọi người đều tương tác và tập trung vào các câu chuyện, vận động chứ không phải ngồi một chỗ ghi chép. Các lớp học làm cha mẹ đã cung cấp cơ hội để học hỏi và nâng cao kỹ năng nuôi dạy con cái. Đồng thời, đây là nơi gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm giữa các bậc phụ huynh” – chị Hà chia sẻ.

Chị Hà cũng cho biết, lớp học này không chỉ dành cho những người sắp sinh con. Kể cả những người đã có con, nếu có khó khăn, họ vẫn tìm đến các khóa học để bổ sung kiến thức.

“Phụ nữ ở Pháp đi làm sớm sau sinh. Họ chỉ nghỉ 3 - 4 tháng là có thể quay trở lại công việc. Sau sinh 1 tuần, ai cũng có thể làm việc nhà, chăm sóc con mà không cần phải nhờ ông bà nội, ngoại. Ở đây, phụ nữ hoàn toàn không có thời gian gọi là “ở cữ” như ở Việt Nam. Tuy vậy, nhờ những kiến thức đã học trước đó, việc chăm sóc trẻ đối với họ không quá vất vả đến nỗi “đầu bù tóc rối” như nhiều mẹ Việt vẫn nói” – nữ Việt kiều chia sẻ.

Chăm con “nhàn tênh”

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nhựt – Kỹ sư cao cấp, hiện đang sinh sống và làm việc tại Copenhagen, Đan Mạch đã nhiều năm định cư ở nước ngoài. Khi có con, ông thường xuyên tìm hiểu các phương pháp giáo dục trẻ của nước bạn với mong muốn trẻ được học tập văn hóa, hòa nhập với xứ sở Đan Mạch.

Điều đặc biệt nhất, ông thường xuyên lắng nghe các tư vấn của bác sĩ, chuyên gia tâm lý về cách dạy trẻ từ việc thích nghi với môi trường sống để có được sức khỏe tốt hay việc làm bạn với con như thế nào.

TS Nguyễn Thành Nhựt chia sẻ, ở đây, phụ nữ có thể trở lại làm việc sau khoảng một tuần sinh con, có thể đưa con ra ngoài đường sau 10 ngày tuổi và khi con cái chỉ vài tháng đã có nhiều phụ huynh cho con đi học bơi.

Ở đây, nhiều lớp học hoàn toàn miễn phí, thậm chí học xong được cấp chứng chỉ. Giảng viên là các giáo sư từ các trường đại học, các bác sĩ nhi khoa hoặc những người công tác lâu năm trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em. Vậy nên, các bài giảng đều rất sinh động, kỹ lưỡng và có tính thực tế cao nhằm giúp học viên có được cái nhìn tổng quát chung về gia đình và từng chi tiết nhỏ nhất để vận dụng. Dĩ nhiên không phải là toàn bộ kiến thức làm cha mẹ, mà sẽ được chia thành nhiều chủ đề để họ tự lựa chọn.

Cũng theo TS Nhựt, từ những khóa học khác nhau, hầu hết cha mẹ Tây chăm con nhàn hơn người Việt dù không có sự giúp đỡ của ông bà. Ở nước ngoài, người về hưu là độ tuổi được nghỉ ngơi, thay vì vật lộn với cháu nhỏ. Và cũng nhờ những kiến thức được học, cha mẹ Tây thường không cần quát mắng, bạo lực để “con ngoan”, từ đó, việc chăm con trở nên “nhàn tênh”.

Ở một số quốc gia, việc đăng ký kết hôn luôn kèm với giấy chứng nhận đã tham gia các lớp làm cha mẹ. Ngoài ra còn có các lớp học dành cho bố, mẹ đơn thân hay người có hoàn cảnh đặc biệt…

“Nếu là ở Việt Nam, những lớp học này còn chưa phổ biến. Thực tế cũng rất ít người quan tâm. Bởi xu hướng của người trẻ thường là nhờ ông bà chăm cháu hoặc thuê giúp việc. Thế nên, đôi khi họ bị rối tung lên khi ông bà già yếu có thể ốm đau, hay người giúp việc phải về quê. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào người khác khi con lại là của mình” – TS Nguyễn Thành Nhựt nhấn mạnh.

Thế nên làm thế nào để nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức làm cha mẹ cho các bạn trẻ ở Việt Nam trước khi kết hôn tương tự như giáo dục giới tính tiền hôn nhân là điều cực kỳ quan trọng. Từ đó sẽ không còn quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” như ngày xưa, mà con cái sẽ được sinh ra và trưởng thành do chính môi trường bố mẹ tạo nên.

“Nếu chưa có nhiều khóa học, những người trẻ hoàn toàn có thể tự học trong sách vở, quan trọng là bản thân phải ý thức được trách nhiệm của mình trước khi làm cha, làm mẹ. Đó không chỉ là một cuộc “thăng chức”, mà còn là nơi để bắt đầu “một lớp học tình thân”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.