Bất an nghề giáo!

GD&TĐ - Mạng xã hội và những nhận xét vội vã rồi đưa ra những phán xét thiếu trách nhiệm đã và đang làm tổn thương sâu sắc đến những người làm nghề dạy chữ. 

Đã theo nghề , các thầy cô giáo phải hết lòng vì học sinh thân yêu. 	Ảnh: T.G
Đã theo nghề , các thầy cô giáo phải hết lòng vì học sinh thân yêu. Ảnh: T.G

Chuyện bé xé ra to, chuyện bình thường bị đẩy lên thành bất thường, để rồi gây áp lực lên thầy cô giáo, các cấp quản lý; cuối cùng phải ra quyết định xử phạt thầy cô giáo. Điều này đang khiến người trong nghề thấy rằng họ chịu quá nhiều bất an!

Lại là mạng xã hội

Trường hợp này là việc xảy ra với giáo viên dạy thể dục Trường THPT Nguyễn Trãi (Bắc Ninh) ngày 10/6. Nhiều người đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội một số hình ảnh nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), đẽo gạch trên mái tầng hai của trường trong tiết trời nắng nóng. Ngay lập tức, cư dân bàn phím đã sôi nổi bình luận, lên án nhà trường vì đã cho học sinh làm công việc nặng nhọc, bóc lột sức lao động mà không có đồ bảo hộ….

Ngày 12/6, ông Nguyễn Quang Huân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, xác nhận có việc giáo viên cho học sinh đẽo gạch trên mái tầng hai của trường hôm 10/6. Đây là một số học sinh cá biệt của trường phải rèn luyện thêm trong hè bằng việc quét dọn, nhổ cỏ ở các bồn hoa, tưới cây... Một cô giáo dạy thể dục trực thấy trường sạch rồi mà khu vực mái tầng hai đang làm lại hệ thống chống nóng còn bừa bộn, giáo viên này đã cho tám học sinh (chuẩn bị lên lớp 12) lên đẽo gạch và thu dọn.

Mạng xã hội lại một lần nữa thành công với áp lực của mình, hiệu trưởng nhà trường đã nhận thấy việc cho học sinh đội nắng đẽo gạch ở trường không phù hợp khiến dư luận bức xúc. Cô giáo nhận sai lầm, rút kinh nghiệm và tự nhận kỷ luật khiển trách. Hội đồng kỷ luật của trường đã họp và đồng ý với mức này. Mạng xã hội gây áp lực, kết quả là giáo viên giao việc cho học sinh đẽo gạch hôm đó đã bị khiển trách.

Nhưng lần này, những ý kiến lên án nhà trường và giáo viên chỉ là thiểu số, rất nhiều ý kiến khác đã phản đối với việc cô giáo bị khiển trách. Rằng việc lao động công ích này là hết sức bình thường, phụ huynh, xã hội đang quá nuông chiều các em học sinh. Việc quá nuông chiều này là không có lợi cho các em học sinh đó. Trong bình luận của một cư dân mạng trước việc phụ huynh bắt giáo viên phải quỳ xin lỗi: “Các vị bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi học sinh của mình, rồi có ngày chính các vị sẽ phải quỳ xin con em mình!”.

Còn nhớ những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước, lứa thế hệ 7X, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Chu Văn An còn phải lao động công ích. Kết thúc học kỳ đầu tiên, cả lớp phải đi lao động ở công trường xây dựng khu đô thị Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Đó là năm 1985, ngày đó cái xe đạp cũng khó khăn với nhiều người, có bạn phải đi bộ từ nhà đến công trường. Công việc thì chắc chắn là không hề nhẹ. Chúng tôi phải xúc đất, vác đất… nắng thì cũng không chừa những cái đầu học trò lớp 10 khi đó.

Nhưng ai cũng vui và sức khỏe thì cũng chẳng vấn đề gì, còn phụ huynh thì cũng thấy hết sức bình thường vì con mình được rèn luyện. Kể ra chuyện này để nói lên một điều, phải chăng trong xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh đang quá lo lắng cho con em mình. Còn các cư dân bàn phím, phải chăng các vị đang quá lạm dụng ý kiến của mình khi bình xét về một vấn đề có ý chủ quan. Nhưng các vị có biết chăng những like, view vội vã và thiếu trách nhiệm của mình đã và đang gây áp lực cho các thầy cô giáo đang hết lòng hết sức vì sự nghiệp chung?

Ngẫm về áp lực nghề

Giờ Toán của học sinh Trường THPT Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: T.G
Giờ Toán của học sinh Trường THPT Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: T.G  

Nhà báo Nguyễn Văn Ba đang công tác tại Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam là người đã kể câu chuyện đầy tình cảm về thầy giáo Đinh Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sơn Ba. Một câu chuyện cổ tích về tình thương với cậu học trò tí hon K’Rể.

Đi nhiều nơi, thấy nhiều, nghe nhiều, anh tâm sự: “Nghề giáo đang chịu quá nhiều áp lực, với áp lực hết sức chính đáng là làm sao nuôi dạy học sinh cho lớn khôn, học giỏi thì nay các thầy cô đang chịu áp lực hết sức bất công từ mạng xã hội. Đành rằng có một số rất ít giáo viên, cán bộ quản lý làm sai, nhưng đây là thiểu số so với đại đa số các thầy cô đang bám trường, bám lớp chăm nuôi học sinh nên người. Họ có ở mọi nơi, mọi chốn từ núi cao, đảo xa đến đô thị phát triển, đâu đâu cũng có thầy cô hết lòng với nghề với học sinh thân yêu. Tôi chỉ mong sao các bậc phụ huynh, người dân và cả xã hội trước mỗi thông tin về các thầy cô hãy suy nghĩ sâu xa một chút, đừng vội vàng phán xét mà ảnh hưởng tới tấm lòng yêu nghề của họ!”.

Bạn Nguyễn Mai Phương, sinh viên năm thứ 4 của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh trưởng trong gia đình có mẹ, các dì và bà đều làm giáo viên, nuôi ước mơ làm cô giáo như truyền thống gia đình, Phương đã chọn nghề sư phạm. Trước những thông tin về việc nhiều giáo viên bị mạng xã hội lên án do xử phạt học sinh, Phương tâm sự: “Em và các bạn cùng lớp đang thực sự cảm thấy lo, phải chăng nghề giáo viên đang trở nên quá “áp lực” khi cả xã hội cùng soi xét mọi việc làm của mình. Có những việc tưởng như rất nhỏ, nhưng nếu đưa lên mạng xã hội thì nó được thổi bùng lên ngay. Việc này không chỉ gây áp lực cho chính người đó, mà cả những giáo viên khác và những giáo sinh tương lai. Ai dám chắc cả đời dạy học, biết đâu một ngày nào đó mình sơ sẩy có một lỗi lầm nhỏ, bị quay clip và phát tán trên mạng để rồi bị phán xét và quy tội!?”.

Phương pháp giáo dục học sinh giờ đây đã khác trước, việc trách phạt học sinh phải có chừng mực, đúng quy định, không được vi phạm quyền trẻ em và quyền con người như luật định. Tuy nhiên, có quá nhiều việc hết sức bình thường lại đang bị mạng xã hội thổi phồng lên. Những áp lực này không chỉ tác động đến thầy cô giáo mà cả các cấp quản lý.

“Đừng để các thầy cô giáo cảm thấy nghề giáo quá bất an như vậy, đặc biệt là với những sinh viên sư phạm, làm vậy chúng ta sẽ thui chột ước mơ gắn bó với nghề của các bạn trẻ!”. Đây là mong mỏi của Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới, Hội thẩm nhân dân tòa án thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh gửi tới các bậc phụ huynh và cả xã hội.

Thầy Giới chia sẻ: Gần 40 năm làm giáo viên rồi làm quản lý giáo dục, nhưng chưa bao giờ tôi thấy áp lực nghề đối với giáo viên lại lớn như ngày nay. “Đành rằng việc dạy dỗ học sinh giờ đây đã khác trước, việc trách phạt học sinh phải có chừng mực, đúng quy định, không được vi phạm quyền trẻ em và quyền con người như luật định. Tuy nhiên, có quá nhiều việc hết sức bình thường lại đang bị mạng xã hội thổi phồng lên. Những áp lực này không chỉ tác động đến thầy cô giáo mà cả các cấp quản lý. Họ ít nhiều cũng đang bị chi phối để đưa ra quyết định xử phạt giáo viên, mà có người nói là chuyện chẳng đành lòng!”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ