Trao đổi về phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ

GD&TĐ - Thông tin thêm về  một số vấn đề liên quan đến dự thảo điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy trong những năm trước mắt.

Trao đổi về phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ

Sau khi công bố Dự thảo cho phép các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (tháng 12/2013) và Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (tháng 1/2014), Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều đề xuất, ý tưởng của bạn đọc. 

Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn và cung cấp bổ sung thêm thông tin với mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi trước khi có quyết định cuối cùng. Báo Giáo dục & Thời đại xin đăng tải những giải đáp của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

1. Sau một thời gian lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT đã nhận được những đóng góp cho 2 Dự thảo. Bộ xem xét các đề xuất này như thế nào?

Sau khi công bố, Bộ đã nhận được nhiều ý kiến của xã hội và của các nhà trường. Phần lớn ý kiến đồng thuận với chủ trương giao tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học cũng như các qui định thực hiện tự chủ tuyển sinh. Đến nay, đã có 31 dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường gửi về Bộ.

Ngoài các ý kiến đồng thuận, còn có 3 vấn đề được dư luận nêu ra cần tiếp tục nghiên cứu. Đó là:

Thứ nhất, Với kỳ thi "3 chung" năm 2014 nên xem xét việc xác định điểm sàn phù hợp hơn, nghiên cứu các tiêu chí khác thay thế cho điểm sàn mềm dẻo hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Thứ hai, Theo qui định kỳ thi "3 chung" hiện nay, thí sinh đăng ký nguyện vọng dự thi vào các trường trước khi thi nên tính may rủi rất lớn, nên chăng tổ cức kỳ thi chung trước rồi sau khi có kết quả, thí sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường phù hợp.

Thứ ba, Nên nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm 1 kỳ thi. Khi đó, đề thi sẽ có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, để xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Một số năm trước mắt tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, GDCD), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF…).

Về lâu dài, hướng tới việc tổ chức kỳ thi kiểu SAT của Hoa Kỳ. Có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học.

***

Về những vấn đề này, Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc xem xét trong quá trình đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục nói riêng.

Các gợi ý này có một số điểm cũng phù hợp với những nội dung trong Dự thảo thi phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ.Bộ đã thành lập 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM. Hai đơn vị này đã có kế hoạch triển khai hình thức thi nói trên.

Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức thi này cũng cần phải có lộ trình sao cho việc đổi mới hình thức thi phải phù hợp với đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

2. Tại sao giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi? Liệu qui định này có dẫn tới hậu quả học sinh không học toàn diện các môn?

- Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”;Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”;đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”;

- Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi như hiện nay mà có sử dụng cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%); muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và kết quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể “học lệch” mà phải nỗ lực học tập tất cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12; việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây.

Mặt khác,để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ có điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.

- Giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi là một bước đầu tiên thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8: “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời cũng góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, đánh giá được năng lực của học sinh theo yêu cầu của Nghị quyết là “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên” và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường theo tinh thần của Nghị quyết NQ-TW8 là “đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”, hội nhập với phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng của một số nước tiên tiến trên thế giới.

 3. Tại sao miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh?

- Chủ trương miễn thi cho một bộ phận học sinh xuất sắc là thực hiện định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12, phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.

- Những học sinh nếu miễn thi sẽ được xếp loại tốt nghiệp dựa theo kết quả học tập, rèn luyện cả năm lớp 12 nhưng vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp như đối với học sinh dự thi.

Tại sao không qui định các tiêu chí để xét cho tất cả học sinh đạt tiêu chí đều được miễn thi mà lại khống chế chỉ 20% học sinh được miễn thi?

- Trong điều kiện bệnh thành tích chưa được giải quyết triệt để và vấn đề kỷ cương, kỷ luật còn phải được tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ được miễn thi thì sẽ có thể xuất hiện việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất; chính việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường;

- Cùng với quá trình và kết quả chấn chỉnh kỉ cương để việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh thì tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm, và tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi.

- Bộ GD&ĐT đã áp dụng phương pháp đánh giá PISA để đánh giá chất lượng giáo dục các tỉnh/thành phố, tới đây sẽ công bố kết quả và sẽ tiến hành định kỳ. Dựa trên kết quả PISA, sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.

4. Về môn thi ngoại ngữ  

Hiện nay, do điều kiện khó khăn khách quan, nên việc dạy - học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền. Do vậy, dự thảo đề xuất phương án đưa môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích.

Qua các kênh thông tin khác nhau, Bộ GD&ĐT nhận được đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Chúng tôi sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị.

5. Mối liên hệ giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh vào đại học, cao đẳng?

- Đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này bước đầu hướng tới sự thống nhất, phù hợp với đổi mới tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29-NQ/TW đều khẳng định các cơ sở giáo dục đại học – các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng có quyền tự chủ trong tuyển sinh;

- Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh bao gồm: thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển cùng với sử dụng các hình thức khác để đáp ứng với yêu cầu chất lượng đầu vào và phù hợp với các ngành, nghề đào tạo của trường.

Như vậy, tự chủ tuyển sinh cho phép các trường sử dụng một cách linh hoạt các hình thức tuyển sinh khác nhau phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm các ngành đào tạo. Khi đó, thi tuyển chỉ còn là một trong những phương thức tuyển sinh chứ không còn giữ vị thế độc tôn, duy nhất như trước đây;

- Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh ở THPT, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh đại học, cao đẳng mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực, sở trường xu hướng nghề nghiệp của các em phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường;

- Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tốt, kết quả có độ tin cậy cao thì sẽ có ngày càng nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Các trường ĐH, CĐ hoàn toàn tự chủ tuyển sinh trên cơ sở sử dụng kết quả của kỳ thi chung – kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập của học sinh và kết hợp với những hình thức bổ sung khác.

Như vậy, việc tuyển sinh đại học cao đẳng sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng với các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn...

Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp theo hướng tăng cường độ tin cậy được diễn ra đồng bộ với việc thực hiện tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Việc điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT như trong Dự thảo đã được công bố cũng chính là những bước đi ban đầu cho định hướng này. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó sử dụng một phần kết quả thi tốt nghiệp THPT phối hợp với thi tuyển, phỏng vấn để tuyển sinh.

6. Về tầm quan trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT 

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, vai trò quan trọng và yêu cầu đổi mới kỳ thi này đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 8: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướnggiảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận”.

- Với định hướng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học và “trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” thì trong giai đoạn chuyển tiếp từ chương trình, sách giáo khoa hiện hành sang chương trình, sách giáo khoa mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải và đủ điều kiện để được điều chỉnh theo những định hướng nói trên, chuẩn bị tích cực cho việc đổi mới đồng bộ, phù hợp với đổi mới chương trình, sách giáo khoa sao cho đánh giá được phẩm chất và năng lực của người học khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Cần kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý cùng với quyết liệt thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh tạo điều kiện để kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt được các mục tiêu nói trên.

7. Theo Bộ GD&ĐT, thay đổi trong kiểm tra đánh giá và thi cử có thể làm được ngay. Vậy sau năm 2014, sẽ tiếp tục có những thay đổi gì?

- Để đạt được mục tiêu chuyển từ quá trình giáo dục coi trọng trang bị kiến thức cho học sinh sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thì phải là đổi mới chương trình  và sách giáo khoa, kiểm tra – thi - đánh giá. Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang xin ý kiến là phương án của giai đoạn quá độ, dùng cho HS học theo chương trình – sách giáo khoa cũ (có đổi mới).

Sẽ có phương án thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hoàn chỉnh khi thế hệ học sinh học theo chương trình mới tham dự kỳ thi thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

 Những  đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ này nhằm chuẩn bị cho học sinh, thầy cô giáo và các chủ thể có liên quan có thể chủ động từng bước có đủ các điều kiện để thực hiện những đổi mới trong kiểm tra, thi và đánh giá. 

Đứng từ góc độ toàn Ngành, đây cũng là quá trình xây dựng mới hệ thống kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có vấn đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.