Trao chìa khóa, mở thế giới cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Việc giáo viên Hà Nội hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh các trường vùng cao đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Lớp học trực tuyến của cô Trần Thị Nga - Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) và học sinh Trường Tiểu học & THCS Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: NVCC
Lớp học trực tuyến của cô Trần Thị Nga - Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) và học sinh Trường Tiểu học & THCS Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái). Ảnh: NVCC

Quận giúp huyện, trường giúp trường

Tại Trường Tiểu học Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) từ đầu năm học 2023 - 2024, bên cạnh việc dạy tiếng Anh cho học sinh trong trường, cô Đỗ Dương Phương Thảo và Bùi Bích Phương còn nhận thêm nhiệm vụ hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện Phong Thổ (Lai Châu).

Cô Nguyễn Thị Thúy Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lĩnh Nam cho biết: Đầu năm học, sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ của Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã động viên các trường tiểu học trong quận đăng ký hỗ trợ, chia sẻ. Trường Tiểu học Lĩnh Nam là đơn vị tiên phong thực hiện nội dung này.

Đầu tháng 10/2023, ban giám hiệu nhà trường và tổ chuyên môn Tiếng Anh đã xây dựng thời khóa biểu 16 tiết dạy trong chương trình tiếng Anh lớp 3 do cô Đỗ Dương Phương Thảo và Bùi Bích Phương giảng dạy. Đây là 2 giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, có nhiều nhiệt huyết, sáng tạo.

Để phục vụ việc dạy học trực tuyến, nhà trường chuẩn bị đầy đủ thiết bị như tivi, loa, mic, đường truyền Internet, phòng học trực tuyến Zoom. Các cô giáo được phân công nhiệm vụ cụ thể, có giáo án và kế hoạch dạy học. Từ tháng 10 đến nay, nhà trường tổ chức nhiều lớp học trực tuyến kết nối với các trường tiểu học trên địa bàn huyện Phong Thổ như: Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, Dào San, Mù Sang, Nậm Xe, Hoang Thèn, Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ, Huổi Luông...

Cô Đỗ Dương Phương Thảo - Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dạy tiếng Anh cho học sinh huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lan Anh

Cô Đỗ Dương Phương Thảo - Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dạy tiếng Anh cho học sinh huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lan Anh

Là người trực tiếp đứng lớp, cô Đỗ Dương Phương Thảo chia sẻ: Học sinh huyện Phong Thổ nói riêng và miền núi nói chung còn khó khăn trong học tập, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học. Tuy nhiên, các em hoàn toàn có khả năng tiếp thu kiến thức, nâng cao chất lượng học tập nếu được tiếp cận nguồn học liệu phong phú từ thầy cô trên cả nước.

Tương tự, nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, ngành GD-ĐT quận Hai Bà Trưng và các nhà trường đã nhận dạy tiếng Anh trực tuyến cho các trường tiểu học trên địa bàn gồm: Bản Nhùng, Nậm Dịch, Thèn Chu Phìn.

Ông Cấn Văn Đa - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho hay: Đầu năm 2024, hai phòng GD&ĐT ký biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ dạy học trực tuyến môn ngoại ngữ lớp 3, lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018. Theo đó, giáo viên tiếng Anh các trường tiểu học Tây Sơn, Lê Văn Tám, Vĩnh Tuy, Bạch Mai hỗ trợ, giảng dạy cho học sinh huyện Hoàng Su Phì với thời lượng 4 tiết mỗi tuần.

Qua 4 tháng triển khai, việc dạy học trực tuyến đã mang lại kết quả bước đầu. Học sinh huyện miền núi Hoàng Su Phì chia sẻ cảm xúc vui mừng, may mắn được học những giáo viên có trình độ, chuyên môn cao, tâm huyết với công việc. Còn giáo viên điểm cầu Hà Nội bày tỏ mong muốn được gắn bó, giúp đỡ học sinh Hoàng Su Phì, có cơ hội được giao lưu trực tiếp với thầy trò ở đây.

Cô Nguyễn Bích Thuỷ - Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao Yên Bái. Ảnh: Lan Anh
Cô Nguyễn Bích Thuỷ - Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao Yên Bái. Ảnh: Lan Anh

Trao cơ hội

Hỗ trợ học trò miền núi học tiếng Anh, Sở GD&ĐT Hà Nội huy động đội ngũ giáo viên gồm 255 người trong Câu lạc bộ cán bộ quản lý, giáo viên Hà Nội tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Anh tại Australia trực tiếp đứng lớp. Đến nay, các thầy, cô giáo đã thực hiện giảng dạy được gần 700 tiết tại 17 trường THCS trên địa bàn các huyện vùng cao tỉnh Yên Bái.

Để bảo đảm các tiết dạy hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cử 118 giáo viên tham gia trợ giảng, hỗ trợ giáo viên Hà Nội tại từng lớp học. Hai bên thường xuyên trao đổi nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai để có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với từng đơn vị.

Tham gia hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh lớp 7D, Trường THCS Khấu Ly (Trạm Tấu, Yên Bái), cô Nguyễn Bích Thủy - Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình) thấy hạnh phúc và tự hào khi được mang ngôn ngữ Anh, chìa khóa mở ra thế giới đến với học sinh vùng cao.

Một vài tiết dạy đầu tiên, cô gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như truyền đạt kiến thức bởi đa số học sinh là người dân tộc. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất chưa tốt, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nên ít có cơ hội được tiếp xúc với phương pháp dạy học tiên tiến. Nhưng sau đó, các em dần bắt nhịp cách học, chăm chú vào bài học và lắng nghe cô giáo giảng, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài cũng như tham gia các hoạt động trong bài học. Dù chỉ học trực tuyến, học sinh gặp cô giáo qua màn hình máy tính, nhưng các em tương tác rất nhiệt tình với câu hỏi và hoạt động mà cô giáo đưa ra.

“Tuy còn khó khăn cho cô và trò, nhưng đã nhận nhiệm vụ được giao, tôi sẽ cố gắng hết sức để vận dụng những phương pháp dạy học vừa lôi cuốn vừa phù hợp để học sinh có thể nắm vững kiến thức và yêu mến môn học Tiếng Anh nhiều hơn”, cô Thủy tâm sự.

Chia sẻ của cô Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy): Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc hỗ trợ tỉnh Yên Bái dạy tiếng Anh trực tuyến năm học 2023 - 2024, Ban giám hiệu Trường THCS Cầu Giấy đã sát sao và tạo điều kiện tốt nhất để tổ Tiếng Anh hoàn thành nhiệm vụ.

Tổ Tiếng Anh nhà trường đã kết nối với giáo viên tỉnh Yên Bái lên kế hoạch soạn giảng các tiết dạy trực tuyến. Các tiết học được thực hiện bởi cô giáo Cao Thu Hương, Trần Thị Nga, Nguyễn Kim Uyên. Bằng nhiệt huyết, trách nhiệm, các cô đã mang tới tiết dạy sôi nổi, hấp dẫn cùng hình thức tổ chức hoạt động học tập tiếng Anh phong phú, đạt hiệu quả cao.

Học sinh tỉnh Yên Bái chăm chú lắng nghe, học tập nghiêm túc, đồng thời có tương tác vui vẻ, thoải mái với giáo viên giảng dạy trên không gian lớp học trực tuyến, tạo sự kết nối giữa người dạy và học dù ở những không gian địa lý, vùng miền khác nhau.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẵn sàng mở rộng hình thức hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho học sinh các cấp học; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh nói riêng và môn học khác nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ